Khi thành lập một doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Để làm được điều này cần phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp.
Khi thành lập một doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Để làm được điều này cần phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp để lựa chọn ra loại hình nào phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp đó.
Theo quy định của pháp luật, các loại hình doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.
Để giúp khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp, LUẬT DƯƠNG GIA xin đưa ra một số tiêu chí cơ bản lựa chọn loại hình doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, về uy tín doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân, chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng, góp phần làm nâng cao uy tín của công ty. Công ty hợp danh kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người, dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh. Công ty TNHH và công ty cổ phần do chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty nên uy tín của doanh nghiệp trước các đối tác kinh doanh cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Thứ hai, về khả năng huy động vốn. Công ty cổ phần có khả năng huy động vốn cao thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Công ty TNHH có khả năng huy động vốn thấp hơn thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Khả năng huy động vốn của công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế do không được phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Thứ ba, về rủi ro đầu tư. Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh nghiệp tư nhân cao, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh là khá cao. Công ty cổ phần và công ty TNHH chịu trách nhiệm hữu hạn nên mức độ rủi ro đầu tư thấp hơn.
Thứ tư, về thành viên công ty. Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Đối với công ty hợp danh, có hai loại thành viên: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Công ty hợp danh có số lượng tối thiểu là hai thành viên hợp danh trở lên, có thể có hoặc không có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh là chủ sở hữu công ty, chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với nghĩa vụ công ty; thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, chỉ được họp, thảo luận, biểu quyết về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của họ. Thành viên công ty TNHH một thành viên là một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu công ty. Thành viên trong công ty TNHH từ hai thành viên trở lên là tổ chức hoặc cá nhân với số lượng tối thiểu là hai và số lượng tối đa không vượt quá năm mươi. Thành viên trong công ty cổ phần được gọi là cổ đông, số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không giới hạn số lượng tối đa.
Thứ năm, về tổ chức quản lý doanh nghiệp. Đối với công ty hợp danh, việc điều hành quản lý doanh nghiệp không quá phức tạp do số lượng thành viên hợp danh ít và có sự tin tưởng lẫn nhau. Đối với công ty TNHH, do có số lượng thành viênkhông lớn và các thành viên thường là những người quen biết, tin cậy lẫn nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp; hơn nữa, chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty. Đối với công ty cổ phần, việc quản lý và điều hành công ty rất phức tạp do số lượng các cổ đông lớn, nhiều người không hề quen biết nhau, thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích. Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ bảy, quy định của pháp luật về một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực đặc thù. Theo quy định của pháp luật, một số doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực đặc thù phải lựa chọn những loại hình doanh nghiệp nhất định theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi hỏi có sự uy tín cao như trong lĩnh vực pháp luật, bảo hiểm thì chỉ được lựa chọn những loại hình doanh nghiệp nhất định theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Bộ luật luật sư, công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh hoặc công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Quy định tại Điều 59 Luật kinh doanh bảo hiểm cũng quy định những loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu công ty được lựa chọn, bao gồm: doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước, công ty cổ phần bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ, doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh, doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Với những tiêu chí cơ bản trên, hy vọng chủ sở doanh nghiệp có thể lựa chọn cho mình được loại hình doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp