Cho mượn xe máy nhưng lại làm mất xử lý thế nào? Yêu cầu bồi thưởng thiệt hại khi làm mất tài sản đi mượn.
Cho mượn xe máy nhưng lại làm mất xử lý thế nào? Yêu cầu bồi thưởng thiệt hại khi làm mất tài sản đi mượn.
Tóm tắt câu hỏi:
Em đang học xa nhà, em có cho bạn cùng phòng mượn xe máy của mình nhưng bạn ấy đã làm mất. Hiện tại bạn ấy không chịu đền lại cho em mà chỉ nói là có 3 triệu lấy không. Luật sư cho em hỏi em có thể tố cáo bạn ấy là chiếm đoạt tài sản của mình được không ạ và em phải gửi đơn tố cáo ở đâu ạ? xe em trị giá trên 20 triệu đồng.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
– Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.
* Nội dung:
Theo nội dung bạn trình bày, giữa bạn và người bạn kia có giao dịch cho mượn tài sản theo Điều 512 Bộ luật dân sự 2005 quy định hợp đồng mượn tài sản như sau:
“Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.”
Mặc dù hợp đồng mượn tài sản giữa bạn và bạn của bạn không lập thành văn bản tuy nhiên, việc hai người thỏa thuận với nhau qua lời nói vẫn có giá trị pháp lý như hợp đồng giao kết bằng văn bản và có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với cả hai bên. Do vậy, bên mượn tài sản phải có nghĩa vụ như sau:
Điều 514 Bộ luật dân sự 2005 quy định nghĩa vụ của bên mượn tài sản như sau:
“1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;
2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;
3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;
4. Bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.”
Trường hợp bạn của bạn làm mất xe của bạn thì bạn của bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn. Hai bạn có thể thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường, nếu không thỏa thuận được bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận, huyện nơi người đó cư trú để giải quyết.
Hồ sơ khởi kiện sẽ bao gồm:
– Đơn khởi kiện (theo mẫu);
– Giấy tờ vay nợ và các tài liệu khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
– Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn;
– Chứng minh nhân dân và hộ khẩu của người khởi kiện;
– Giấy tờ chứng minh vụ việc vẫn còn thời hiệu khởi kiện (nếu có);
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nếu trong trường hợp bạn có căn cứ cho rằng bạn của bạn có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối ví dụ như mục đích ban đầu là mượn xe nhưng sau đó dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản thì bạn có thể làm đơn trình báo cơ quan công an nơi bạn cư trú về tội lạm dụng tín nhiệm đoạt tài sản vì rõ ràng bạn của bạn nói là mất nhưng cũng không biết chính xác có mất thật hay là mang đi cầm cố hoặc bán cho người khác.
Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 quy định như sau:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Căn cứ quy định trên có thể thấy người phạm tội được người khác tin tưởng, giao cho tài sản nên nhân cơ hội đó chiếm đoạt tài sản được giao. Cụ thể là một trong những hành vi như sau:
– Nhận được tài sản bằng các hình thức hợp pháp nhưng sau đó dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó;
– Nhận được tài sản bằng các hình thức hợp pháp nhưng sau đó bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó. Trong trường hợp này, cần hết sức chú ý xem xét một cách toàn diện để xác định có phải người có hành vi bỏ trốn để nhằm chiếm đoạt tài sản hay không. Nếu việc bỏ trốn vì một lý do khác (sợ bị xiết nợ, bắt, gây thương tích…) thì việc bỏ trốn không cấu thành tội này.
– Nhận được tài sản bằng các hình thức hợp pháp nhưng sau đó dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng hoàn trả.
Sau khi trình báo với cơ quan công an thì phía bên công an cần xác minh tình tiết vụ việc để làm rõ có hay không dấu hiệu phạm tội trong trường hợp này. Nếu có dấu hiệu phạm tội họ sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bạn.