Người khuyết tật và chính sách của nhà nước về người khuyết tật? Chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận văn hóa, giáo dục, việc làm?
Pháp luật nước ta đặc biệt dành sự quan tâm cho những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là những người khuyết tật. Người khuyết tật được nhà nước tạo các điều kiện thuận lợi nhất nhằm tiếp cận được với văn hóa, giáo dục, việc làm, tạo điều kiện cho người khuyết tật ổn định cuộc sống. Vậy những quy định cụ thể về chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận văn hóa, giáo dục, việc làm như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu các quy định liên quan để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Luật sư
1. Người khuyết tật và chính sách của nhà nước về người khuyết tật?
Theo quy định của Luật khuyết tật 2010 thì Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Người khuyết tật bao gồm các dạng tật: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và các khuyết tật khác. Người khuyết tật được chia thành các mức độ khuyết tật như: Người khuyết tật đặc biệt nặng, Người khuyết tật nặng, Người khuyết tật nhẹ.
Đối với những người khuyết tật, nhà nước có các chính sách ưu tiên về người khuyết tật. Ngân sách nhà nước sẽ được bố trí một phần để thực hiện chính sách về người khuyết tật. Nhà nước có các trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật. Đối với những đối tượng khuyết tật các dạng, các mức độ, nhà nước đã có chính sách bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi nhằm giúp đỡ người khuyết tật có thể có cuộc sống đủ các điều kiện và chăm lo được cho cuộc sống của mình.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trên thì Nhà nước cũng thực hiện lồng ghép các chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo người khuyết tật có thể tự chủ được một phần kinh tế. Cùng với đó là các chính sách đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật, khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
Nhà nước còn tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
2. Chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận văn hóa, giáo dục, việc làm?
Trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội chăm sóc và giúp đỡ. Luật người khuyết tật 2010 được Quốc hội thông qua năm 2010 đã quy định các chính sách liên quan đến người khuyết tật trong đó có lĩnh vực giáo dục, dạy nghề và việc làm. Cụ thể như sau:
2.1. Trong lĩnh vực giáo dục
Các chính sách trong lĩng vực giáo dục, tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với giáo dục, đảm bảo người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đã về giáo dục, các chương trình tuyển sinh, chi phí đào tạo…được pháp luật quy định rõ ràng tại Điều 27 Luật người khuyết tật 2010:
Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
Tại Điều 28 Luật người khuyết tật 2010 quy định về phương thức giáo dục người khuyết tật. Do người khuyết tật là những người có thể chất và tinh thần đặc biệt do đó phương thức giáo dục người khuyết tật cũng đặc biệt hơn so với phương thức giáo dục thông thường.
Cụ thể phương thức giáo dục người khuyết tật bao gồm giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Trong đó:
– Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật, phương thức này vẫn giáo dục người khuyết tật học tập các kiến thức cần thiết cho cuộc sống.
– Giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục không cung cấp nhiều kiến thức như giáo dục hòa nhập, được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập.
Các phương thức giáo dục này không bắt buộc mà phụ thuộc vào sự lựa chọn của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người khuyết tật. Để phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả tốt nhất thì người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật, trong phạm vi mà người khuyết tật có thể tiếp nhận được và để phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả cao. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để người khuyết tật được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân. Tuy nhiên Nhà nước vẫn khuyến khích người khuyết tật tham gia học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập.
Khi thực hiện phương thức giáo dục, cơ sở giáo dục có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp đối với người khuyết tật, cơ sở giáo dục không được phép từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật đồng thời thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Cơ sở nào vi phạm việc từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2.2. Trong lĩnh vực dạy nghề và việc làm
Nhà nước bảo đảm cho người khuyết tật các điều kiện, cơ hội thuận lợi trong việc học nghề, có việc làm, góp phần bảo đảm cuộc sống. Theo đó, Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác; tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội; được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Điều 32 Luật khuyết tật 2010 quy định về dạy nghề đối với người khuyết tật quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ của nhà nước về dạy nghề. Theo đó, Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm đào tạo nghề việc làm cho người khuyết tật và thực hiện cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.
Quá trình dạy nghề, việc làm cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Nhà nước không chỉ tạo điều kiện cho người khuyết tật mà giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật cũng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Việc làm đối với người khuyết tật được quy định tại Điều 33 Luật người khuyết tật 2010:
Luật người khuyết tật 2010 cũng quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
Theo quy định thì Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Đối với những doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật sẽ được pháp luật tạo những chính sách ưu tiên trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tuy nhiên những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật, trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định.
Như vậy, đối với các đối tượng là người khuyết tật trong xã hội, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho người khuyết tật trong quá trình tiếp cận với văn hóa, giáo dục, học nghề và việc làm.