Đánh bạc và tổ chức đánh bạc là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, tuy nhiên bất chấp quy định của pháp luật, nhiều người vẫn nhận công việc làm bảo vệ thuê cho các sòng bạc hoạt động trái phép. Vậy hành vi đứng coi chừng, canh gác sòng bạc có bị đi tù hay không?
Mục lục bài viết
1. Chỉ coi chừng, đứng canh gác sòng bạc có bị đi tù không?
Trước hết, để trả lời được câu hỏi đối với hành vi chỉ đứng coi chừng và cảnh giác sòng bạc có bị đi tù hay không thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về tội tổ chức đánh bạc. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hiện nay đang được quy định cụ thể tại Điều 322 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, hành vi khách quan của tội tổ chức đánh bạc được hiểu là những hành vi cần thiết cho việc đánh bạc có thể diễn ra giữa hành vi rủ rê, tập hợp người đánh bạc đến chuẩn bị địa điểm và các điều kiện khác để phục vụ cho quá trình đánh bạc … Hành vi tổ chức đánh bạc sẽ cấu thành tội phạm khi vụ đánh bạc đó thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Tổ chức đánh bạc cho 10 người trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên cùng một lúc với giá trị tiền hoặc vật được sử dụng để đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên;
– Tổ chức đánh bạc cho vụ đánh bạc có giá trị tiền hoặc vật được sử dụng để đánh bạc từ 20.000.000 đồng trở lên;
– Tổ chức đánh bạc có nơi tài sản cầm cố cho người đánh bạc hoặc có lắp các trang thiết bị, bố trí người phục vụ hoặc có người canh gác, có lối thoát hoặc có sử dụng các phương tiện trợ giúp cho quá trình đánh bạc;
– Chủ thể có đặc điểm xấu về nhân thân, đó là đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức đánh bạc hoặc vi phạm Điều 321 của Bộ luật hình sự năm 2018, hoặc đã từng bị kết án về một trong các tội tại Điều 322/Điều 321 của Bộ luật hình sự năm 2015 tuy nhiên chưa được xóa án tích.
Theo đó thì có thể nói, những người tổ chức đánh bạc trái phép thuộc một trong những trường hợp nêu trên hoàn toàn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào số tiền trên chiếu bạc và các tình tiết tăng nặng mà người đó sẽ được định khung ở các khung hình phạt khác nhau.
Còn về vấn đề, đối với người chỉ đứng coi chừng và cảnh giác sòng bạc bên ngoài, không tham gia trực tiếp vào quá trình đánh bạc thì cũng chính là một trong những hành vi góp phần, đóng góp, hỗ trợ cho hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, bởi vì người đứng canh gác sòng bạc biết rằng bên trong sòng bạc đang tổ chức hành vi đánh bạc trái phép, tuy nhiên người đó vẫn cố tình tham gia vào quá trình tổ chức đánh bạc, hành vi đứng canh các sòng bạc với mục đích bảo vệ và ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đánh bạc. Vì vậy, người đứng canh gác sòng bạc sẽ được coi là đồng phạm của người tổ chức đánh bạc.
Pháp luật cũng quy định cụ thể về đồng phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định cụ thể về đồng phạm như sau:
– Đồng phạm được xem là trường hợp có từ 02 người trở lên cố tình thực hiện hành vi phạm tội;
– Phạm tội có tổ chức được xem là hình thức đồng phạm phù hợp, cấu kết chặt chẽ với nhau giữa những người cùng thực hiện tội phạm;
– Đồng phạm bao gồm nhiều người, trong đó có thể kể đến như người tổ chức, người xúi giục, người thực hành và người giúp sức trong quá trình phạm tội. Trong đó, người thực hành được xem là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội trên thực tế. Người tổ chức được xem là người cầm đầu phải lên kế hoạch thực hiện tội phạm và chủ mưu điều khiển quá trình thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người thúc đẩy, dụ dỗ, kích động để người khác thực hiện hành vi phạm tội. Còn người giúp sức là những người tạo điều kiện mọi mặt, đó có thể là điều kiện về vật chất hoặc điều kiện về tinh thần cho người thực hiện tội phạm;
– Đồng phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi vượt quá của người thực hành.
Đối chiếu với điều luật về đồng phạm, thì có thể nhận diện người đứng canh gác sòng bạc có vai trò là đồng phạm giúp sức trong quá trình tổ chức thực hiện tội phạm.
Vì vậy, người giúp sức đứng canh gác cho sòng bạc vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc (với vai trò là đồng phạm).
2. Quyết định hình phạt đối với người đứng coi chừng, canh gác sòng bạc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về căn cứ quyết định hình phạt. Theo đó:
– Khi quyết định hình phạt, tòa án cần phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc các tình tiết và tính chất nguy hiểm, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, căn cứ vào tình hình nhân thân của người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự;
– Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài các căn cứ nêu trên, Tòa án cần phải căn cứ vào tình hình tài sản và khả năng thi hành án của người phạm tội.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm. Cụ thể như sau:
– Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm trong vụ án có đồng phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Tòa án cần phải xem xét đến tính chất, mức độ tham gia tội phạm của từng người đồng phạm nhất định;
– Các tình tiết giảm nhẹ, các tình tiết tăng nặng, các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với những người đồng phạm đó.
Căn cứ để phân hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm để có thể xác định hình phạt cho từng người đó là:
– Tính chất tham gia, tức là vai trò đối với hoạt động của nhóm tội phạm;
– Mức độ tham gia, tức là phần đóng góp thực tế và quá trình thực hiện tội phạm;
– Mức độ lỗi;
– Các tình tiết về nhân thân có ý nghĩa đối với quá trình quyết định hình phạt của tòa án.
Theo đó thì có thể nói, tùy vào mức độ đồng phạm, tính chất của đồng phạm, mức độ tham gia trong quá trình phạm tội của người đồng phạm giúp sức đứng canh gác sòng bạc, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người giúp sức đứng canh gác sòng bạc, Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền đưa ra mức hình phạt cuối cùng đối với người đó trong vụ án đồng phạm tổ chức đánh bạc.
Vì vậy, tùy từng trường hợp khác nhau, những người đồng phạm giúp sức trong vụ án tổ chức đánh bạc có thể sẽ phải chịu các mức án khác nhau theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự.
3. Tội tổ chức đánh bạc có áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm sau đây:
– Tội xâm phạm an ninh quốc gia, bao gồm: Tội phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, tội phá hoại cơ sở vật chất kĩ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phá hoại quá trình thực hiện chính sách kinh tế xã hội của nhà nước, tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tội tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu vật phẩm nhằm chống lại nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phá rối an ninh, tội chống phá cơ sở giam giữ, tội tổ chức hoặc cưỡng ép hoặc xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân;
– Các tội phá hoại hoà bình, tội chống lại loài người, các tội phạm chiến tranh. Bao gồm: Tội phá hoại Hòa Bình và gây chiến tranh xâm lược, tội chống lại người, tội phạm chiến tranh, tội tuyển mộ hoặc huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê, tội làm lính đánh thuê;
– Tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, tội nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó thì có thể nói, tội tổ chức đánh bạc được quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự năm 2015, không thuộc các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy tội tổ chức đánh bạc vẫn là loại tội phạm áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
THAM KHẢO THÊM: