Mục lục bài viết
- 1 1. Chế độ thai sản của cán bộ không chuyên trách ở phường:
- 2 2. Cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?
- 3 3. Chế độ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kể từ 01/08/2023 sẽ có thay đổi thế nào?
- 4 4. Tiêu chuẩn để chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như thế nào?
1. Chế độ thai sản của cán bộ không chuyên trách ở phường:
Cán bộ không chuyên trách cấp xã được xác định là những người làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, không phải là cán bộ, công chức cấp xã; họ không hưởng lương từ ngân sách mà chỉ hưởng khoản phụ cấp theo quy định.
Theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sửa đổi năm 2019 về đối tượng được áp dụng chế độ thai sản như sau: Đối tượng được áp dụng chế độ thai sản là những người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Dẫn chiếu đến quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi năm 2019, có thể xác định những đối tượng được áp dụng chế độ thai sản bao gồm:
– Người lao động làm việc theo các loại hợp đồng như
– Quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Công nhân công an, công nhân quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Người quản lý doanh nghiệp và người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Như vậy, người lao động là cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không thuộc vào đối tượng được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sửa đổi năm 2019 có quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
– Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
+ Người lao động làm việc theo các loại hợp đồng như hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người quản lý doanh nghiệp và người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
+ Công nhân công an, công nhân quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Chiến sĩ, hạ sĩ quan quân đội nhân dân; chiến sĩ công an nhân dân, hạ sĩ quan phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
+ Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Dựa vào quy định trên, có thể thấy người hoạt động không chuyên trách ở xã thuộc nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và bảo hiểm xã hội.
3. Chế độ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kể từ 01/08/2023 sẽ có thay đổi thế nào?
Tại Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP có quy định về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố như sau:
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương sẽ chịu trách nhiệm trong việc thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã với mức phụ cấp như sau:
+ Được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I;
+ Được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở đối với đơn vị hành chính cấp xã loại II;
+ Được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở đối với đơn vị hành chính cấp xã loại III.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã mà có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng là 1,5 lần mức lương cơ sở cho mỗi người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.
Như vậy, từ ngày 1/8/2023 khi Nghị định 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực, chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã có sự gia tăng đáng kể so với quy định hiện hành Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP), cụ thể
– Loại 1: được khoản quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở tăng so với 16,0 lần mức lương cơ sở như trước đây.
– Loại 2: được khoản quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở tăng so với 13,7 lần mức lương cơ sở như trước đây.
– Loại 3 được khoản quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở tăng so với 11,4 lần mức lương cơ sở như trước đây.
Điều này cho thấy một sự nâng cao đáng kể trong việc đảm bảo các khoản phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã từ thời điểm Nghị định mới được áp dụng.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng là 1,5 lần mức lương cơ sở cho mỗi người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.
4. Tiêu chuẩn để chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như thế nào?
– Tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 33/2023/NĐ-CP có quy định về tiêu chuẩn để chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
+ Là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và đảm bảo được các điều kiện về sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao;
+ Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục;
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật do Nhà nước ban hành; đồng thời phải có năng lực tổ chức thực hiện và vận động Nhân dân tại địa phương thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như chính sách và pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả;
+ Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp Trung học phổ thông;
+ Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp Trung cấp trở lên.
Như vậy việc tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cần thực hiện theo tiêu chuẩn theo quy định nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sửa đổi năm 2019.
THAM KHẢO THÊM: