Chế độ của Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch công đoàn? Nguyên tắc tính lương dạy thêm?
Trên cương vị là các cán bộ, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn trong trường hợp kiêm nhiệm những chức vụ là giáo viên, người quản lý nhà trường được cơ quan nhà nước ban hành chế độ riêng với những đối tượng này như chế độ làm việc, chế độ về tiết dạy hoặc các chế độ xét lương. Vậy, theo quy định của pháp luật thì Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch công đoàn được nhà nước cho hưởng chế độ làm việc như thế nào? Cách tính lương cho đối tượng này như thế nào?
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Căn cứ pháp lý: Thông tư số: 08/2016/TT-BGDĐT “Quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
1. Chế độ của Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch công đoàn
Tóm tắt câu hỏi:
Bản thân tôi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng kiêm nhiệm chủ tịch công đoàn. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được nhà trường chi trả tiền thừa giờ theo Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC và Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Tuy nhiên qua xác minh của thanh tra tỉnh cho rằng việc chi trả này là sai quy định và ra quyết định thu hồi số tiền hơn 20 triệu đồng trong vòng 15 ngày. Vậy có đúng và phù hợp với một cán bộ viên chức không? Lương hiện nay của tôi là 9 triều đồng/tháng vậy có phù hợp không? Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Điều 7 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã quy định về thời gian giảng dạy đối với Phó hiệu trưởng như sau:
Điều 7. Định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
2. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT quy định:
4. Cán bộ quản lý trường học (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm công tác công đoàn không chuyên trách vẫn phải dạy đủ số giờ dạy theo quy định. Nếu thời gian kiêm nhiệm làm công tác công đoàn dẫn đến tổng thời gian làm việc vượt định mức so với quy định thì được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định hiện hành.
Đối với chế độ giảm định mức đối tiết dạy, giờ dạy
Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách trường tiểu học, trường chuyên biệt cấp tiểu học được giảm 04 giờ dạy trong một tuần (quy ra 140 giờ dạy trong một năm học); Trường trung học cơ sở, trường chuyên biệt cấp trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường chuyên biệt cấp trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh được giảm 03 giờ dạy trong một tuần (quy ra 105 giờ dạy trong một năm học);
Giáo viên làm chủ tịch công đoàn, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách được giảm 76 giờ dạy trong một năm học;
Giảng viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách được giảm 44 giờ dạy trong một năm học;
Như vậy, Phó hiệu trưởng làm chủ tịch công đoàn thì vẫn phải đảm bảo dạy 4 tiết/tuần. Nếu Phó hiệu trưởng dạy thêm giờ hoặc thời gian làm công tác công đoàn dẫn đến tổng thời gian làm việc vượt định mức so với quy định thì sẽ được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định tại khoản 1 Điều 4
Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ:
a) Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm;
b) Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%;
Xét theo trường hợp của bạn, do bạn không trình bày rõ bạn dạy thêm bao nhiêu giờ nên căn cứ vào các quy định trên bạn tự tính tiền lương dạy thêm giờ của mình. Nếu sau khi tính xác định được tiền lương dạy thêm giờ mà bạn đã nhận là chính xác thì thanh tra không có quyền thu hồi số tiền này nhưng nếu sô tiền này không đúng thì sẽ bị thu hồi.
Bạn là viên chức nên tiền lương của bạn phụ thuộc vào thâm niên công tác, ngạch viên chức, phụ cấp…Vì bạn không trình bày ro những thông tin này nên chưa thể khẳng định mức lương 9 triệu/tháng của bạn là đúng hay sai.
2. Nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ
– Tiền lương hưởng của một tháng được lấy làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
– Dựa vào các loại định mức như: định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/ năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm.
– Tiền lương giảng dạy trong năm học quy định tại Thông tư liên tịch này được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.
– Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, trình độ nghề được áp dụng định mức giờ dạy/năm quy định cho cấp học, trình độ nghề cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
– Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí tiền lương dạy thêm giờ thực hiện theo quy định của
– Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.
– Thời gian giáo viên không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.
– Số giờ dạy thêm sẽ được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.
Cách tính tiền lương 01 giờ dạy:
– Đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề:
Tiền lương 01 giờ dạy = Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/Định mức giờ dạy/năm x Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó;
– Đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tiền lương 01 giờ dạy = Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/Định mức giờ dạy/năm x 22,5 tuần/52 tuần
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý, cán bộ Đoàn và Hội tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì được tính lương theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giảng viên cùng chức danh, bộ môn của cơ sở giáo dục đó;
Như vậy, theo quy định, thì việc thanh toán tiền lương dạy thêm giờ đối với giáo viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập chỉ áp dụng đối với đơn vị hoặc bộ môn thiếu nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nhỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định hoặc đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động và phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.