Bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động khi ký hợp đồng với người sử dụng lao động, giúp người lao động giảm bớt khó khăn về tài chính khi chưa có việc làm. Vậy chế độ bảo hiểm thất nghiệp là gì? Bao gồm những chế độ gì? là gì?
Mục lục bài viết
1. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Căn cứ Điều 42 Luật Việc làm 2013, Bảo hiểm thất nghiệp có bốn chế độ bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ Học nghề và Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho Người lao động.
2. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cụ thể:
2.1. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho Người lao động:
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho Người lao động là việc Nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính cho Người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề làm việc cho Người lao động khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo luật định. Chế độ này không hỗ trợ trực tiếp cho Người lao động mà thông qua việc hỗ trợ và quy định trách nhiệm của Người sử dụng lao động trong việc sử dụng kinh phí hỗ trợ để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho Người lao động .
Để được hưởng chế độ này, Người sử dụng lao động cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 47 Luật Việc làm năm 2013, Nghị quyết số 68/NQ–CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ Người lao động và Người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid–19, cụ thể như sau:
Điều kiện thứ nhất: Đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp cho Người lao động thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;
Điều kiện thứ hai: Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động;
Điều kiện thứ ba: Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020;
Điều kiện thứ tư: Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho Người lao động . Việc đặt ra điều kiện này nhằm đảm bảo việc hỗ trợ cho Người sử dụng lao động là đúng mục đích, tránh việc lợi dụng nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện bất kì việc nào khác với mục đích đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho Người lao động .
Thời gian và mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho Người lao động được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 Luật Việc làm năm 2013 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 10 Quyết định số 23/2001/QĐ–TTg. Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho Người lao động tối đa 1.5 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15
ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do Người sử dụng lao động tự chi trả.
Người sử dụng lao động sau khi được hỗ trợ chi phí phải có trách nhiệm tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo phương án đã được phê duyệt. Trong 45 ngày kể từ ngày kết thúc việc đào tạo, Người sử dụng lao động phải hoàn thành việc thanh quyết toán kinh phí với cơ sở thực hiện việc đào tạo theo thực tế và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đây là chế độ mới được bổ sung trong Luật Việc làm năm 2013, thể hiện sự chia sẻ của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với Người sử dụng lao động khi gặp khó khăn. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc tham gia thực hiện chính sách cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho Người lao động và nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường.
2.2. Hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm:
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm là hoạt động giúp cho Người lao động thất nghiệp tiếp tục tham gia vào thị trường lao động mà chủ yếu được thực hiện dưới các hình thức tư vấn và giới thiệu việc làm.
Tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm năm 2013 quy định: Người lao động đang đóng Bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm. Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 61/2020/NĐ CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp cũng quy định:
Kinh phí thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm của trung tâm dịch vụ việc làm được giao khoán theo số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của năm liền trước và thực hiện thanh quyết toán theo quy định trên cơ sở thực tế số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Có thể nói, đây là một trong các chính sách giúp người thất nghiệp nhanh chóng hòa nhập với thị trường lao động. Mục đích của tư vấn giới hiệu việc làm là để giúp Người lao động thất nghiệp và Người sử dụng lao động gặp nhau, đi đến thiết lập quan hệ lao động, cung cấp các thông tin về thị trường lao động, các biện pháp và các dịch vụ xã hội mà họ sẽ được hưởng.
2.3. Hỗ trợ học nghề:
Hỗ trợ học nghề là việc nhà nước hỗ trợ người thất nghiệp thông qua hoạt động dạy nghề nhằm nâng cao trình độ tay nghề, giúp họ có thể tìm được một công việc mới phù hợp hơn.
Quyết định số 77/2014/QĐ–TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp . Theo đó, mức hỗ trợ học nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp chỉ phải đóng phần vượt quá nếu phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế xã hội như hiện nay khi dịch bệnh Covid–19 đang bùng phát, từ ngày 15/5/2021, Người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 17/2021/QĐ–TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ học nghề cụ thể như sau: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng. Như vậy, có thể thấy từ ngày 15/05/2021, mức hỗ trợ học nghề đối với Người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đã được tăng đáng kể từ 01 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng.
Như vậy, có thể thấy Nhà nước và các cấp ban ngành rất quan tâm đến việc đào tạo nghề cho những Người lao động bị mất việc làm, giúp họ có tay nghề và kỹ thuật cao hơn, nâng cao trình độ chuyên môn để từ đó tìm được những công việc có mức thu nhập cao hơn, cải thiện hơn chất lượng cuộc sống.