Vi phạm hành chính là hành vi diễn ra phổ biến trong xã hội, cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm nộp phạt do lỗi của mình gây ra. Vậy câu hỏi đặt ra, chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý thế nào?
1.1. Khái quát chung về vi phạm hành chính:
Nhìn chung thì khi có vi phạm hành chính xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Việc áp dụng các biện pháp này nhằm ngăn chặn hành vi trái pháp luật, giáo dục cá nhân và tổ chức tuân thủ chấp hành pháp luật, thiết lập các quy tắc trong đời sống xã hội. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính là một trong những cách thức đấu tranh phòng chống vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh và trật tự xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, thì xử phạt hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân và tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Nên có thể đưa ra khái niệm như sau: Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác (trong trường hợp cảm thấy cần thiết theo quy định của pháp luật) đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính. Nhìn chung về hoạt động xử phạt vi phạm hành chính có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với các chủ thể là cá nhân và tổ chức vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác thì vi phạm hành chính là cơ sở để tiến hành hoạt động xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo ý chí của nhà nước được thống nhất và hợp pháp thì được xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền.
Thứ ba, xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và tiến hành theo những nguyên tắc và thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Thủ tục này không chỉ liên kết với thứ tự thời gian giữa các chủ thể xử phạt và đối tượng bị xử phạt được thực hiện trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính mà còn là nhân tố đảm bảo tính logic về mục đích và nội dung của các hành vi pháp lý này.
1.2. Xử lí khi chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định cụ thể tại thông tư 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, thì có thể thấy nộp phạt vi phạm hành chính là nghĩa vụ của người vi phạm, nếu không nộp phạt vi phạm hành chính thức là vi phạm quy định pháp luật, và nếu nộp phạt muộn thì sẽ phải đóng tiền chậm nộp theo mức mà pháp luật đã định sẵn. Về khoản tiền phạt do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được pháp luật hiện nay quy định khá rõ ràng. Tức là trong thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà các chủ thể chưa tiến hành nộp phạt, thì sẽ phải bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đó, và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì các chủ thể sẽ phải nộp thêm một khoản tiền chậm nộp đó là 0.05% được tính trên tổng số tiền nộp phạt chưa nộp. Đồng thời, thì không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn các chủ thể vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra thì số ngày chậm nộp phạt tiền vi phạm hành chính sẽ được tính bao gồm cả những ngày nghỉ lễ và các ngày nghỉ thông thường trong tuần (thứ bảy và chủ nhật).
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại thông tư 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
– Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập của chủ thể có hành vi vi phạm;
– Khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của chủ thể có hành vi vi phạm;
– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
– Hoặc các hình thức cưỡng chế khác phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính:
Về cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt, thông tư 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, có quy định như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp mà quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp cho chủ thể vi phạm, thì ngày bắt đầu tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt sẽ là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ thông thường hằng tuần) kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Thứ hai, đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gửi qua đường bưu điện đến với chủ thể bị xử phạt, thì ngày bắt đầu tính tiền nộp phạt thi hành đối với quyết định xử phạt đỏ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ lễ và những ngày nghỉ thông thường hằng tuần) kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó được chuyển phát hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, đối với trường hợp mà các chủ thể là tổ chức và cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do những hành vi vi phạm pháp luật của mình, nhưng lại không xuất trình được những giấy tờ chứng minh về việc này quyết định xử phạt được phát hành hợp lệ, và cũng không xác nhận được ngày giao nhận quyết định xử phạt, đồng thời hành vi này không phải là trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt mà chỉ do những lý do khách quan, thì ngày bắt đầu tính tiền nộp phạt chậm đối với trận thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ và những ngày nghỉ thông thường trong tuần) tính kể từ ngày ra quyết định xử phạt đó bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn nếu trong trường hợp mà các chủ thể là tổ chức cá nhân nộp phạt có cơ sở rõ ràng và những chứng cứ chứng minh về ngày được nhận quyết định xử phạt bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên hành vi vi phạm của mình, thì kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng nhà nước nơi kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu đối với khoản tiền nộp phạt chậm sẽ tính tiền nộp phạt thi hành quyết định xử phạt sau 10 ngày (kể từ ngày nghỉ lễ và những ngày nghỉ thông thường trong tuần) kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm pháp luật.
Còn đối với trường hợp mà các chủ thể là các tổ chức và cá nhân cố tình không nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính do hành vi vi phạm pháp luật của mình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật đó là Điều 70 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Khi đó thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt ba cưỡng chế sẽ thông báo đến kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi mà kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu phạt đối với khoản tiền nộp chậm về thời điểm được coi là thời điểm ra quyết định xử phạt hợp pháp cho các chủ thể vi phạm, để kho bạc nhà nước và ngân hàng nhà nước nơi kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiến hành tính khoản tiền chậm nộp phạt dựa trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.
3. Các hình thức nộp tiền vi phạm hành chính khi chậm nộp:
Theo quy định tại Điều 20 của nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì các chủ thể có thể thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu phạt, đó là Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
– Nộp phạt thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước thông qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc thanh toàn thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian;
– Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là các đối tượng sau đây:
+ Hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
+ Thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam;
+ Thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam.
– Ngoài ra thì các chủ thể còn có thể nộp phạt thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022;
– Thông tư 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính;
– Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.