Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp nào? Hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng dân sự, do đó chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự. Cụ thể, Bộ luật dân sự quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm như sau:
“Điều 424. Chấm dứt hợp đồng dân sự
Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thoả thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;
6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.”
Bên cạnh các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn có thể bị chấm dứt theo quy định riêng của Luật kinh doanh bảo hiểm như sau:
“Điều 23. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm
Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm;
2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
3. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”
Khi hợp đồng bảo hiểm chấm dứt theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, hậu quả pháp lý đối với từng trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất, bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
>>> Luật sư
Trường hợp thứ hai, bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm con người.
Trường hợp thứ ba, bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm con người.
Trường hợp hợp đồng bảo hiểm chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự thì hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.