Khi chứng kiến con mình thường xuyên bị bạo lực gia đình. Trong suy nghĩ của cha mẹ sẽ muốn con kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc, vậy cha mẹ có quyền yêu cầu ly hôn thay cho con không?
Mục lục bài viết
1. Cha mẹ có quyền yêu cầu ly hôn thay cho con không?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có một người chú họ năm nay 42 tuổi đã kết hôn và có 2 người con gái sinh đôi nay đã học lớp 9. Chú tôi sau một lần bị tai nạn thì không còn tỉnh táo như lúc xưa. Từ một người hiền này, thật thà yêu thương vợ con nay trở thành một người không còn nhận thức được gì nữa. Cũng chính vì thế mà vợ chú đã đi ngoại tình. Gia đình tôi lúc đầu cũng không nói gì vì một phần cũng muốn chuyện có thể êm đẹp một phần cũng thấy thương mợ ấy vì ở cạnh một người chồng không được tỉnh táo quả cũng là điều cần phải thông cảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mợ ấy lại cặp với chính bác họ của chông mình. Không thể chịu được nên bố mẹ và các anh em trong họ đã bàn bạc với nhau để cho chú tôi và mợ ly hôn. Vậy trường hợp này, ai được yêu cầu ly hôn thay cho chú tôi. Tôi xin cảm ơn và rất mong có sự phản hồi từ Luật Dương Gia.
Chào bạn, chúng tôi gửi đến bạn câu trả lời sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn gồm:
– Vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc không làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
-Chồng sẽ không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, đối với dữ liệu bạn cung cấp cho chúng tôi. Thì trường hợp của chú bạn thì bố mẹ của chú ấy có thể thực hiện thủ tục để yêu cầu ly hôn bạn nhé.
2. Mẹ khởi kiện yêu cầu chia tài sản cho con trai thì có được xét xử khi chồng vắng mặt không?
Câu hỏi: Chào Luật sư, anh trai họ tôi là một người kinh doanh giàu có trong huyện. Hiện đã kết hôn và có 1 người con trai năm nay học lớp 3. Sau một lần bị tai nạn bị chấn thương vào phần đầu nên anh tôi không còn đủ tỉnh táo. Sau khi cảm thấy chị dâu luôn chửi bới khinh bỉ anh thì ba mẹ tôi đã quyết định nộp đơn thanh anh tôi để giải quyết ly hôn và được Tòa án Huyện K thụ lý. Tuy nhiên, chị dâu tôi vì muốn ở lại để hưởng tài sản do chồng có nên đã cố tình không hợp tác khi Tòa triệu tập. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp như vậy thì có thể xét xử vắng mặt được không? Tôi xin cảm ơn và rất mong có sự phản hồi từ Luật Dương Gia.
Chào bạn, chúng tôi gửi đến bạn câu trả lời sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa như sau:
Tòa án vẫn sẽ tiến hành thủ tục xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
– Trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa và có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
– Trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa.
– Các trường hợp được quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.
Bên cạnh đó, tại điểm b, c, d và điểm đ khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
– Nếu trường hợp được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị thực hiện thủ tục xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án vẫn có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
+ Bị đơn không có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt họ;
+ Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì sẽ bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
+ Đối với trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì sẽ bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án sẽ quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án sẽ vẫn tiến hành thủ tục xét xử vắng mặt họ.
Như vậy, theo như quy định trên thì nếu đương sự vắng mặt, Tòa vẫn tiến hành giải quyết ly hôn đơn phương khi:
– Người yêu cầu ly hôn là vợ hoặc chồng của người đó có gửi đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;
– Vợ, chồng khi vắng mặt nhưng đã có người đại diện tham gia phiên tòa;
– Nếu trường hợp vợ, chồng vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Đồng thời, nếu như sau hai lần triệu tập mà chồng vẫn cố tình để không có mặt tại Tòa thì sẽ bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với yêu cầu xin ly hôn đơn phương.
Nếu trường hợp bị đơn vắng mặt khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 1 thì phiên tòa sẽ bị hoãn nhưng nếu đến lần thứ 2 nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà vẫn không có mặt thì Tòa sẽ xét xử vắng mặt.
3. Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương khi bị đơn vắng mặt?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
Thẩm quyền để giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
+ Tòa án nơi bị đơn đang cư trú, làm việc, nếu trường hợp bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
+ Đối với các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu trường hợp nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
+ Đối tượng tranh chấp nếu là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”
Như vậy Tòa án được xác định có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết sẽ là nơi bị đơn cư trú, làm việc. Do đó, người yêu cầu có thể nộp đơn ly hôn qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án nơi bị đơn cư trú.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.