Căn cứ của cái chết pháp lý? Hậu quả của cái chết pháp lý? Điều kiện để tuyên bố cá nhân chết?
Thông thường việc một người được xem là đã chết được xác nhận theo giám định của cơ quan y tế, và được thể hiện trên giấy báo tử, đây được hiểu là cái chết sinh học bình thường, tức là việc chấm dứt các hoạt động hô hấp, trao đổi chất, việc phân chia tế bào chấm dứt vĩnh viễn trên cơ thể con người. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì pháp luật còn quy định một kiểu chết khác được gọi là chết pháp lý. Chết pháp lý được hiểu là việc một cá nhân bị Tòa tuyên bố là đã chết khi đã qua một thời hạn nhất định mà người đó không xác định được là còn sống hay đã chết. Vậy căn cứ để Tòa án tuyên bố cái chết pháp lý và hậu quả của cái chết pháp lý là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bào viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Căn cứ của cái chết pháp lý
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 71
– Trường hợp một cá nhân sau thời gian 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn không có tin tức xác thực là cá nhân đó còn sống.
– Trường hợp cá nhân biệt tích trong chiến tranh sau thời gian 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là cá nhân đó còn sống;
– Trường hợp cá nhân bị tai nạn hoặc gặp thảm họa, thiên tai mà sau thời gian 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt mà vẫn không có tin tức xác thực là cá nhân đó còn sống, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Trường hợp cá nhân biệt tích trong thời gian 05 năm liền kề trở lên và không có tin tức xác thực là cá nhân đó còn sống.
Theo đó, để Tòa án tuyên bố một người chết về mặt pháp lý thì trước hết Tòa án phải tuyên một cá nhân mất tích hoặc xác định cá nhân đó biệt tích theo một khoản thời gian nhất định. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì khi một cá nhân biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm cá nhân đó theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc cá nhân đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan thì Tòa án có thể tuyên bố cá nhân đó mất tích. Trong đó, thời hạn 02 năm để tuyên bố cá nhân mất tích được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về cá nhân đó; trong trường hợp nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn 02 năm được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng về cá nhân đó; còn nếu trong trường hợp không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn 02 năm này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng về cá nhân đó.
2. Hậu quả của cái chết pháp lý
Căn cứ Điều 72 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
“1. Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.
2. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.”
Theo đó, việc Tòa án tuyên bố một người là đã chết gây ra các hậu quả pháp lý cụ thể như sau:
– Về tư cách chủ thể: Trong trường hợp quyết định tuyên bố đã chết của Tòa án đối với một cá nhân có hiệu lực pháp lý thì khi đó tư cách chủ thể của cá nhân đó sẽ chấm dứt hoàn toàn. Điều này cũng có nghĩa là, tính từ thời điểm quyết định tuyên bố cá nhân đã chết của Tòa án có hiệu lực thì cá nhân đó không thể tham gia vào bất cứ quan hệ dân sự nào với tư cách là một chủ thể của quan hệ đó, bao gồm cả quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân và các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
– Về quan hệ nhân thân: Quan hệ nhân thân của cá nhân bị Tòa án tuyên bố đã chết bao gồm quan hệ hôn nhân, gia đình và các quan hệ khác về nhân thân của người đó theo quy định của pháp luật được giải quyết như đối với người đã chết. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân của cá nhân bị Tòa án tuyên bố là đã chết sẽ chấm dứt. Các quan hệ nhân thân khác theo quy định của pháp luật cũng chấm dứt tương tự quan hệ hôn nhân của cá nhân đó. Nếu vợ hoặc chồng của cá nhân bị Tòa án tuyên bố là đã chết kết hôn với người khác thì việc kiết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
– Về quan hệ tài sản: Tài sản của cá nhân bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết và tuyên bố như đối với người đã chết, và được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tức là khi quyết định tuyên bố là đã chết chết của Tòa án đối với một cá nhân có hiệu lực pháp luật thì thời điểm tuyên bố đó có hiệu lực cũng là thời điểm mở thừa kế. Đồng thời đó cũng là thời điểm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế theo quy định của pháp luật. Trường hợp cá nhân bị Tòa án tuyên bố là đã chết chưa giải quyết xong nghĩa vụ tài sản với chủ thể nào đó thì những người được hưởng thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ đó trong phạm vi tài sản của cá nhân bị Tòa án tuyên bố là đã chết để lại.
3. Điều kiện để tuyên bố cá nhân chết
Cái chết pháp lý của cá nhân là sự kiện pháp lý làm chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Nhưng cái chết pháp lý đó phải được xác định một cách chính xác và theo quy định của pháp luật thì phải được khai tử. Hiện nay, trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau không thể tiến hành việc xác định được một cá nhân còn sống hay đã chết. Để tránh trường hợp cá nhân biệt tích vẫn còn sống nhưng đã bị Tòa án tuyên bố cá nhân đó là đã chết thì trước khi đưa ra quyết định tuyên bố một cá nhân là đã chết thì Tóa án phải xem xét những điều kiện sau:
– Đã qua khoảng thời gian quy định mà một cá nhân vẫn không có tin tức là còn sống.
Theo đó, Tòa án chỉ tuyên bố một cá nhân là đã chết nếu qua thời hạn theo luật định mà cá nhân đó vẫn không có tin tức là còn sống. Thời hạn đó được hiểu là khoảng thời gian bao nhiêu sẽ được xác định tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp Tòa án thực hiện tuyên bố một cá nhân là đã chết thông qua thủ tục tuyên bố mất tích có nghĩa là sau ba năm kể từ thời điểm quyết định tuyên bố cá nhân đã mất tích có hiệu lực pháp luật mà không có tin tức xác thực cá nhân đó là còn sống; hoặc cá nhân biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà không có thông tin xác thực cá nhân đó là còn sống. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết trong tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực cá nhân đó là còn sống. Nếu là tuyên bố chết đối với cá nhân biệt tích lâu ngày mà chưa qua thủ tục tuyên bố mất tích thì điều kiện để tuyên bố cá nhân chết phải qua thời hạn là 05 năm kể từ ngày, tháng, năm biết được tin tức cuối cùng về sự sống còn của cá nhân đó, trong trường hợp này thời điểm bắt đầu để tính thời hạn 05 năm sẽ là ngày có tin tức cuối cùng về cá nhân đó, nếu trong trường hợp không xác định được ngày thì tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo có tin tức cuối cùng, nếu trong trường hợp không xác định được ngày, tháng thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo có tin tức cuối cùng về cá nhân đó.
– Phải thông qua thủ tục tìm kiếm.
Việc thông báo tìm kiếm cá nhân được thực hiện với mục đích là xác định lần cuối cùng về tin tức sống còn của một cá nhân trước khi Tòa án quyết định về thân phận pháp lý của họ. Vì vậy, nếu thủ tục tìm kiếm không thể thiếu khi tuyên bố một cá nhân mất tích thì thủ tục này cũng không thể thiếu khi tuyên bố cá nhân chết.
Mặc dù Bộ Luật Dân sự không quy định thủ tục này là bắt buộc nhưng nhiều ý kiến cho rằng không thể thiếu được thủ tục tìm kiếm khi muốn tuyên bố một cá nahan là đã chết. Bởi lẽ qua thủ tục tìm kiếm có thể nâng cao tính xác thực trong quyết định của Tòa án. Mặt khác, về nguyên tắc, Tòa án chỉ được phép tuyên bố một cá nhân là đã chết khi họ vẫn không có tin tức là còn sống.
– Cần phải có yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.
Người có quyền và lợi ích liên quan ở đây được hiểu là những người có mối liên hệ nào đó về quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hành chính, quan hệ lao động, quan hệ dân sự… với người vắng mặt mà sự vắng mặt của người đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.
Người có quyền và lợi ích liên quan phải có yêu cầu gửi đến Tòa án, trong đó yêu cầu Tòa án tuyên bố cá nhân là đã chết.
Mục đích của việc Tòa án tuyên bố chết đối với một cá nhân là nhằm tạo ra cơ sở pháp lý để những người có quyền và lợi ích liên quan có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Mặt khác, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ thụ lý vụ việc khi có đơn khởi kiện của đương sự, do đó, Tòa án chỉ có thể ra quyết định tuyên bố một cá nhân là đã chết khi có yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan của cá nhân đó.
– Chỉ tuyên bố một cá nhân là đã chết nếu không nằm trong tình trạng cá nhân đó bị truy nã theo lệnh truy nã của cơ quan điều tra.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp cá nhân thực hiện việc bỏ trốn sau khi thực hiện hành vi phạm tội nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật vì vậy cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã đối với họ. Tình trạng bỏ trốn của cá nhân đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số người nhất định vì vậy họ sẽ yêu cầu Tòa án tuyên bố cá nhân đó là đã chết để có thể bảo vệ quyền và thực hiện quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ vì yêu cầu của những người có quyền và lợi ích liên quan mà Tòa án tuyên bố cá nhân đó đã chết thì vụ án hình sự sẽ phải đình chỉ và cơ quan điều tra phải đình chỉ truy nã, kể từ khi quyết định của tòa án tuyên bố cá nhân đó là đã chết có hiệu lực pháp luật thì mọi quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản của cá nhân đó sẽ được giải quyết đối với người đã chết. Do đó, việc tuyên bố chết đối với cá nhân bỏ trốn sẽ gây trở ngại đố với quá trình điều tra, khởi tố vụ án. Chính vì vậy, Tòa án chỉ tuyên bố một cá nhân là đã chết nếu cá nhân đó không nằm trong tình trạng bị truy nã theo lệnh truy nã của cơ quan điều tra.