Khái quát về nghĩa vụ dân sự? Căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự? Đối tượng của nghĩa vụ dân sự?
“Nghĩa vụ” là thuật ngữ xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội, có ý nghĩa như một trách nhiệm bắt buộc áp dụng đối với mọi chủ thể tham gia vào một quan hệ pháp luật cụ thể. Bản thân khái niệm nghĩa vụ dưới góc độ pháp lý được điều chỉnh chủ yếu trong pháp luật dân sự, theo đó mà nhiều người thường nghe tới “nghĩa vụ dân sự”. Mỗi nghĩa vụ dân sự được phát sinh dựa trên các căn cứ khác nhau, áp dụng cho từng chủ thể và có đối tượng cũng riêng biệt. Vậy, cụ thể điều đó được diễn giải ra sao, trong bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ mang đến cho người đọc các khía cạnh pháp lý xoay quanh “nghĩa vụ dân sự”.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về nghĩa vụ dân sự?
Xem xét khái niệm nghĩa vụ dưới nhiều góc độ, theo nghĩa chung nhất, nghĩa vụ là việc mà theo quy định của pháp luật hay đạo đức mà bắt buộc phải làm hoặc không được làm đối với xã hội, đối với người khác. Theo cách hiểu này thì nghĩa vụ là mối liên hệ giữa hai hay nhiều người với nhau, trong đó một bên phải thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc nhiều hành vi nhất định vì lợi ích của bên kia.
Trường hợp được gọi là nghĩa vụ dân sự là trường hợp các công việc được làm hoặc không được phép làm theo quy định của pháp luật dân sự. Nghĩa vụ có thể hiểu là một bộ phận không tách rời trong nội dung của một quan hệ pháp luật dân sự.
Khái niệm nghĩa vụ dân sự đã từng được quy định trong Bộ dân luật Bắc kỳ năm 1931 và Bộ dân luật Trung kỳ năm 1936, cụ thể:
“Nghĩa vụ dân sự là mối liên lạc về luật thực tại hay luật thiên nhiên, bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm gì đối với một hay nhiều người nào đó.
Người bị bó buộc vào nghĩa vụ gọi là người mắc nợ, người được hưởng nghĩa vụ gọi là người chủ nợ” (Điều 644 Bộ dân luật Bắc kỳ)
“Nghĩa vụ là cái dây liên lạc về luật thực tại hay luật thiên nhiên bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó, người bị bó buộc là người mắc nợ hay trái hộ, người được hưởng là chủ nợ hay trái chủ.” (Điều 675 Bộ dân luật Trung kỳ)
Theo quy định trong hai Bộ luật này, thì ngoài nghĩa vụ thuộc về luật thực tại còn bao gồm nghĩa vụ thuốc về luật thiên nhiên, tuy nhiên nghĩa vụ thuộc về thiên nhiên chỉ được đưa vào khái niệm cho hợp với truyền thống và phong tục của người Á Đông mà hoàn toàn không có cưỡng chế của pháp luật.
Khác với định nghĩa trong hai bộ dân luật trước đây, Điều 274 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu rõ: Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).
Xem xét nghĩa vụ dân sự ở trạng thái là một quan hệ pháp luật, nghĩa vụ có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ là sự ràng buộc pháp lý giữa ít nhất là hai người đứng về hai phía chủ thể khác nhau.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ dân sự của hai bên chủ thể đối lập nhau một cách tương ứng và chỉ có hiệu lực trong phạm vi giữa các chủ thể đã được xác định.
Thứ ba, quan hệ nghĩa vụ là quan hệ trái quyền nên quyền của các bên chủ thể là quyền đối nhân.
2. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự?
Có nhiều căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự, theo đó tại Điều 275 Bộ luật dân sự đã liệt kê các căn cứ sau:
Một là hợp đồng dân sự. Nghĩa vụ dân sự được phát sinh khi các chủ thể thiết lập với nhau một hợp đồng dân sự và hợp đồng đó chỉ phát sinh nghĩa vụ nếu là một hợp đồng có hiệu lực (các bên giao kết hợp đồng phải tuân theo các điều kiện mà pháp luật quy định đối với mỗi bên hợp đồng.
Hai là, hành vi pháp lý đơn phương. Hành vi pháp lý đơn phương là hành vi thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm qua đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đây là một loại giao dịch dân sự, trong đó chỉ biểu hiện ý chí đơn phương của một bên, vì vậy, có làm phát sinh một quan hệ nghĩa vụ dân sự hay không còn phụ thuộc vào sự tiếp nhận ý chí này của những người khác (những người sẽ là chủ thể phía bên kia của giao dịch dân sự đó), hành vi pháp lý đơn phương phải là sự thể hiện ý chí không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Ba là, thực hiện công việc không có ủy quyền. Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người khác khi người có công việc được thực hiện không biết hoặc biết mà phản đối.
Thực hiện công việc không có ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ dân sự giữa người thực hiện công việc với người được thực hiện công việc, trong đó người được thực hiện công việc có nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lí mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc đồng thời phải trả thù lao cho người thực hiện công việc.
Bốn là, chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Việc hiếm hữu, sử dụng tài sản của một người chỉ được pháp luật thừa nhận và bảo đảm nếu người đó là chủ sở hữu của tài sản hoặc là người được chủ sở hữu tài sản chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu hay người đó là người được phép chiếm hữu hay người đó là người được phép chiếm hữu, sử dụng tài sản trong các trường hợp do pháp luật. Ngoài những trường hợp này, người chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật có nghĩa vụ phải trả tài sản, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
Năm là, gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Khi một người thực hiện một hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác sẽ làm phát sinh một quan hệ luật dân sự trong đó người có những hành vi nói trên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho phía bên kia (trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)
Sáu là, căn cứ khác do pháp luật quy định. Ngoài các căn cứ kể trên, nghĩa vụ dân sự có thể được phát sịnh trong trường hợp luật định, chẳng hạn xác lập từ một bản án, quyết định của
3. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự?
Trước hết, đối tượng của nghĩa vụ dân sự được hiểu là cái mà các bên tác đọng tới trong việc xác lập, thực hiện quan hệ nghĩa vụ với nhau. Trong quan hệ nghĩa vụ, hành vi của các chủ thể sẽ tác động vào một tài sản, một công việc cụ thể nào đó. Những tài sản, công việc này chính là đối tượng của việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Điều 276 Bộ luật dân sự quy định:
“1. Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.
2. Đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định.”
Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản.
Đa phần, các nghĩa vụ dân sự đều có đối tượng là tài sản. Tài sản trong luật dân sự được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là những vật có thực mà còn bao gồm cả tiền, các giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
Tài sản là vật có thể vật hiện hữu (vật có thực) hoặc hình thành trong tương lại, có thể là động sản hoặc bất động sản, có thể là vật chia được hoặc vật không chia được, có thể là vật cùng loại hoặc vật đặc định, có thể là vật được xác định theo chủng loại hay được được xác định là vật đồng bộ.
Tùy theo tính chất của từng loại tài sản cụ thể trong quan hệ dân sự mà chủ thể có thể thoải thuận để xác định nội dung của quan hệ nghĩa vụ.
Đối tượng của nghĩa vụ là công việc phải làm
Công việc phải làm được coi là đối tượng của nghĩa vụ, nếu từ một công việc được nhiều người xác lập với nhau một quan hệ nghĩa vụ mà theo đó, người có nghĩa vụ phải thực hiện công việc theo đúng nội dung đã được xác định. Công việc phải làm có thể được hoàn thành với một kết quả nhất định những cũng có thể không gắn liền với một kết quả cụ thể (điều này do các bên thỏa thuận hoặc do tính chất công việc).
Mặt khác, kết quả của công việc phải làm có thể được biểu hiện dưới một dang vật cụ thể nhưng cũng có thể không biểu hiện dưới dạng một vật cụ thể nào (các loại dịch vụ). Thông thường, các quan hệ nghĩa vụ có đối tượng là công việc phải làm thường là những quan hệ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mang tính dịch vụ như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gửi giữ tài sản….
Đối tượng của nghĩa vụ là công việc không được làm.
Công việc không được làm là đối tượng của nghĩa vụ trong trường hợp các bên từ công việc đó xác lập với nhau một quan hệ nghĩa vụ, theo đó một bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc theo nội dung mà các bên đã xác định.
Điều kiện đối với đối tượng của nghĩa vụ là phải xác định được hoặc có thể xác định được. Khi các bên giao kết hợp đồng để từ đó xác lạp quan hệ nghĩa vụ đối với nhau, phải xác định rõ đối tượng của nghĩa vụ là công việc hay vật gì. Trong trường hợp nghĩa vụ được thiết lập theo quy định của pháp luật thì đối tượng đã được pháp luật xác định rõ trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ ấy.