Quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại theo Luật Trọng tài thương mại 2010 được thể hiện như thế nào?
Thẩm quyền của Trọng tài thương mại được quy định tại Luật trọng tài thương mại 2010, theo đó quyền được thể hiện trên một số phương diện đó là: Căn cứ xác lập thẩm quyền trọng tài, phạm vi thẩm quyền.
Căn cứ xác lập thẩm quyền trọng tài
Thẩm quyền của trọng tài thương mại trước hết được xác định bởi thỏa thuận giữa các bên. Theo như Điều 5 khoản 1 của Luật trọng tài thương mại 2010: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.” Như vậy, để một việc thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại, điều kiện trước hết phải là giữa các bên có tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài. Ở đây, ta có thể thấy sự tôn trọng thỏa thuận của các bên: trọng tài thương mại chỉ có thẩm quyền giải quyết nếu như được các bên có “vụ việc” lựa chọn, không có sự ép buộc nào cả, tất cả đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Thêm vào đó, thời điểm thỏa thuận về giải quyết trọng tài như vậy, theo đánh giá chung là rất thoáng và linh hoạt cho các bên khi lực chọn, không nhất thiết phải thỏa thuận trước mà có thể sau khi xảy ra tranh chấp, các bên chỉ cần quan tâm vấn đề làm như thế nào cho đúng quy định, không làm vô hiệu thỏa thuận trọng tài thì việc giải quyết sẽ được thực hiện theo hình thức trọng tài thương mại.
Phạm vi thẩm quyền trọng tài
Luật trọng tài thương mại 2010, thẩm quyền của trọng tài thương mại được quy định rõ ràng, cụ thể tại điều 2:
“Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài:
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thẩm quyền của trọng tài thương mại được quy định tại Luật trọng tài thương mại 2010 đã có sự mở rộng. Luật trọng tài đã dỡ bỏ hạn chế của Pháp lệnh về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài tới nhiều loại tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên, ngoài việc có thẩm quyền đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại. luật để mở khả năng trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được pháp luật có liên quan quy định. Việc mở rộng thẩm quyền này của trọng tài thương mại là hoàn toàn hợp lý, đã phần nào khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, đồng thời bảo đảm sự tương thích giữa các văn bản pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật thương mại, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành. Có thể nói đây là một điểm mới về thẩm quyền trọng tài thương mại hoàn toàn phù hợp với thực tế.
Thêm vào đó, theo luật trọng tài 2010, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp ( khoản 2 và 3 điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 đề cập đến trường hợp các bên không nhất thiết phải hoạt động thương mại), miễn là lĩnh vực đó phát sinh theo quy định của luật. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc khắc phục những khó khăn cho các Trung tâm trọng tài và cả cá nhân có nguyện vọng lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp.