Căn cứ xin thôi quốc tịch Việt Nam? Hồ sơ và trình tự thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam?
Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý đặc biệt giữa cá nhân với một Nhà nước, ngoài công dân nước mình thì trong lãnh thổ mỗi quốc gia còn có những người nước ngoài. Bên cạnh đó, để đảm bảo về những thủ tục liên quan đến quốc tịch như: thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam, thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam… pháp luật Việt Nam hiện hành đã ghi nhận và đã quy định về những vấn đề này. Vậy căn cứ, hồ sơ và trình tự thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Căn cứ, hồ sơ và trình tự thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam”
Luật sư
– Cơ sở pháp lý:
+ Luật quốc tịch Việt Nam 2008.
+ Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Căn cứ xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Tại Điều 27 Luật quốc tịch Việt Nam 2008, Điều 17 Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về căn cứ xin thôi quốc tịch Việt Nam, theo đó khi công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó pháp luật Việt Nam cũng quy định về những trường hợp mà công dân xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, đó là những trường hợp:
+ Trường hợp 1: Công dân xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được thôi quốc tịch Việt Nam trong quá trình thụ lý, xem xét giải quyết hồ sơ mà có văn bản của cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ nợ hợp pháp về việc người đó còn nợ thuế, tiền, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền không thụ lý, không xem xét giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp 2: Công dân xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp người đó đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Trường hợp 3: Công dân xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được thôi quốc tch Việt Nam trong trường hợp người đó đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam.
+ Trường hợp 4: Công dân xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp người đó đang bị tạm giam để chờ thi hành án.
+ Trường hợp 5: Công dân xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp người đó đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
+ Trường hợp 6: Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam theo quy định của pháp luật.
+ Đặc biệt: những công dân đang là cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, theo quy định của pháp luật thì sẽ không được thôi quốc tịch Việt Nam.
Khi có đầy đủ những căn cứ và không thuộc trường hợp bị cấm thì những công dân sẽ làm thủ tục để xin thôi quốc tịch Việt Nam theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định, nếu không thuộc một trong những trường hợp mà pháp luật quy định thì sẽ không được xin thôi quốc tịch Việt Nam.
2. Hồ sơ và trình tự thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam.
– Thứ nhất, về thành phần hồ sơ: Tại Điều 18 Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, theo đó, công dân khi đã đủ điều kiện để xin thôi quốc tịch Việt Nam thì cần phải chuẩn bị những loại giấy tờ như sau:
+ Đơn có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam.
+ Bản khai lý lịch.
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác
+ Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
+ Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này (Giấy tờ xác nhận việc người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận hoặc bảo đảm cho người đó được nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này. Trường hợp người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài thì nộp bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để chứng minh người đó đang có quốc tịch nước ngoài);
+ Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;
+ Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam do thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, cách chức, giải ngũ hoặc phục viên căn cứ vào quy chế của ngành để xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật quốc gia hoặc không trái với quy định của ngành đó.
* Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú ở trong nước thì không phải nộp các giấy tờ:
+ Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
+ Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;
+ Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
* Lưu ý: Một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
– Thứ hai, về trình tự thủ tục nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam: Tại Điều 29 Luật quốc tịch Việt Nam quy định về trình tự, thủ tục nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, theo đó gồm có 6 bước như sau:
– Bước 1: Nộp hồ sơ: người có nguyện vọng xin thôi quốc tịch Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ, hồ sơ nêu trên tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp
– Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ. Sau đó, đối với trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ, còn đối với trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
– Bước 3: Xử lý hồ sơ
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Tư pháp thực hiện Đăng
+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Công an Thành phố có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả về Sở Tư pháp.
Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, kết luận và đề nghị ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
– Bước 4: Bộ Tư pháp tiếp nhận hồ sơ giải quyết:
+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
+ Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Công an nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Công an trả lời kết quả xác minh.
– Bước 5: Văn phòng Chủ tịch nước tiếp nhận hồ sơ giải quyết
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
– Bước 6: Thông báo kết quả giải quyết
+ Bộ Tư pháp thông báo cho người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam về kết quả giải quyết việc thôi quốc tịch Việt Nam và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
+ Văn phòng Chủ tịch nước gửi đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam.
Người đề nghị căn cứ ngày hẹn trên biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Tư pháp như sau:
+ Lần 1: Nhận thông tin hồ sơ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, kết luận và đề nghị gửi Bộ Tư pháp.
+ Lần 2: Nhận thông tin cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc văn bản từ chối giải quyết hồ sơ.