Quy định mới về sinh con thứ 3? Cán bộ công chức, viên chức sinh con thứ ba có bị kỷ luật không? Tư vấn một trượng hợp cụ thể?
Theo tự nhiên thì sinh con được xem là nhu cầu cơ bản của mỗi cá nhân, gia đình trong xã hội. Tuy nhiên, để không bị bùng nổ về dân số của một quốc gia thì việc sinh con phải dựa trên thực tế tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi thời kỳ và một số quốc gia có quy định về số lượng con sinh ra là khác nhau, trong đó có Việt Nam. Vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về việc mỗi gia đình chỉ sinh hai con để đảm bảo mức sống phù hợp và không bị bùng nổ dân số như thế nào? và đối với cán bộ công chức, viên chức sinh con thứ ba có bị kỷ luật không?
Căn cứ pháp lý:
– Pháp lệnh Dân số 2003;
– Pháp lệnh Sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số 2003 ban hành năm 2008;
–
– Nghị định 18/2011/NĐ-CP sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số;
– Nghị định 112/2020/NĐ-CP;
– Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030,
1. Quy định mới về sinh con thứ 3?
Theo quy định tại Điều 1, Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định về nghĩa vụ của các cặp vợ chồng trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, cụ thể như sau.
“Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:
Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;
Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản”.
Trường hợp đặc biệt nêu tại khoản 2, Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 nêu trên hướng được quy định, hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 20/2010/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2011/NĐ-CP, theo đó, những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con.
Đối với việc vi phạm quy định về sinh con thứ 3 được nêu tại Pháp lệnh Dân số 2003, Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003 ban hành năm 2008 và các văn bản hướng dẫn chi tiết như nêu ở trên. Việc xử phạt được quy định lần đầu tiên tại Nghị định 114/2006/NĐ-CP, theo đó:
+ Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
+ Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ.
+ Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức.
+ Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.”
Hiện nay, theo Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2020 phê duyệt “chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, việc sinh có thứ ba được có đề cập đến trong một số nội dung cụ thể, theo đó ở góc độ quản lý nhà nước:
+ Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp.
+ Ở địa phương, phải thực hiện “vận động sinh ít con hơn ở nơi mức sinh còn cao, duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh thêm con ở những nơi mức sinh đã xuống thấp.
Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau:
+ Đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình,…
+ Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng. Ở những địa phương đã có mức sinh dưới mức sinh thay thế thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.
Các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay:
+ Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên,…
+ Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế,… đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp.
2. Cán bộ công chức, viên chức sinh con thứ ba có bị kỷ luật không?
Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số (được sửa đổi bởi
“1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.”
Điều 8 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định một loạt các hành vi vi phạm của công chức sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, trong đó có các vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới, an sinh xã hội; các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.
Trong khi đó, điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định: Mỗi cặp vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện quy mô gia đình ít con – có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Như vậy, nếu bạn là công chức và sinh con thứ 3 thì được coi là vi phạm chính sách của pháp luật về dân số và bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định công chức bị kỷ luật bằng hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách thì bị kéo dài thời hạn nâng lương đến 06 tháng (điểm b khoản 3 Điều 2)
3.Tư vấn một trượng hợp cụ thể:
Tóm tắt câu hỏi:
Do nhiều quy định về dân số được sửa đổi và bổ sung, cũng như việc xữ lý cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ chuyên trách nhưng ở cơ quan em hiện nay có một cán bộ chuyên trách lãnh đạo đã rơi vào trường hợp sinh con thứ ba. Vậy cho hỏi trường hợp này có bị xử lý kỷ luật hay không ? nếu có ở mức độ và hình thức nào? xin cảm ơn đã tư vấn giúp em.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Quyết định số 1531/QĐ-BTC quy định về quy chế xử lý kỷ luật công chức, viên chức bộ tài chính vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
“Điều 5. Quy định về hình thức kỷ luật:
1. Hình thức kỷ luật “Khiển trách”: áp dụng đối với các công chức, viên chức sinh con thứ 3.
2. Hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ 4.
3. Hình thức kỷ luật “Cách chức”: áp dụng đối với công chức, viên chức lãnh đạo sinh con thứ 4.
4. Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ năm trở lên.
Công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, ngoài việc xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng với các hình thức kỷ luật nêu trên, trong thời gian thi hành Quyết định kỷ luật, không xem xét, giới thiệu quy hoạch, không đề cử, đề bạt, điều động, luân chuyển theo quy định.”
Như vậy, trong trường hợp này bạn chỉ bị xử lý kỷ luật “ khiển trách”.
Tuy nhiên, ở mỗi địa phương khác nhau thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ ban hành một quyết định xử lý kỷ luật viên chức, công chức riêng và mức độ đối với cán bộ công chức giữ chức vụ và không giữ chức vụ có mức độ áp dụng khác nhau từ khiển trách sang cảnh cáo. Ngoài ra khi bị áp dụng hình thức kỷ luật sẽ ảnh hưởng đến thời hạn nâng bậc lương thường xuyên của cán bộ công chức.