Ngày nay, mọi người thường hiểu Cán bộ, Công chức là công dân Việt Nam làm việc trong cơ quan Nhà nước. Vậy, khi đi ra nước ngoài họ có phải xin phép không? Thủ tục để được chấp thuận để xuất ngoại như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cán bộ, Công chức đi nước ngoài có cần xin phép?
1.1. Cán bộ, Công chức là ai?
Cán bộ là công dân đang sinh sống tại Việt Nam, thông qua quá trình học tập và làm việc ưu tú được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thường được gọi là cấp tỉnh), Cán bộ làm việc ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh ( thường được gọi là cấp huyện). Cán bộ thường có trong mình tư tưởng chính trị vững vàng, được nhà nước đào tạo chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ công việc, phục vụ nhân dân.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi quy định về công chức theo đó:
Công chức là công dân đang sinh sống tại Việt Nam được làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; Ngoài ra, những cá nhân này được phân công làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân (đây không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; Công chức làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an. Trong suốt thời gian làm việc, công chức được đầu tư trang thiết bị làm việc, hàng đợt sẽ tham gia buổi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Công chức đảm nhiệm công việc thường có thời gian dài, ổn định, lương thưởng khi làm việc được Nhà nước quy định rõ ràng.
1.2. Cán bộ, Công chức đi nước ngoài có cần xin phép không?
Như đã biết, Cán bộ, Công chức là người làm trong Cơ quan Nhà nước, hoặc tổ chức chính trị- xã hội được Nhà nước giám sát, quản lý nên khi thực hiện một quyền cơ bản công dân cũng cần có một số điều kiện nhất định. Nhà nước đưa ra những quy định như vậy để đảm bảo, quản lý quá trình vận hành của từng cơ quan tổ chức sự nghiệp. Có thể thấy, Công chức thường là người có trình độ chuyên môn cao nên trong cơ quan làm việc thường giữ chức vụ quan trọng, thông tin nội bộ liên quan đến Đảng, bí mật Nhà nước. Vì vậy, những hoạt động thường ngày cũng đều được Nhà nước giám sát, quản lý nghiêm túc, tránh trường hợp bỏ trốn đi nước ngoài vì hành vi vi phạm pháp luật hay là hành vi bỏ bê, trốn tránh trách nhiệm công việc…
Hiện nay văn bản quy định về việc quản lý cán bộ, công chức ra nước ngoài sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành. Mỗi quy định sẽ có sự khác nhau nhưng mục tiêu chung là quản lý tốt được những hành động của mỗi cán bộ, công chức trong quá trình làm việc. Ví dụ trong quyết định về ban hành quy chế và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền quyết định cho những cán bộ, công chức đang giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền cho phép đi nước ngoài.
– Khoảng thời gian hợp lý để đi nước ngoài là từ 01 ngày đến dưới 03 tháng đối với cán bộ, công chức. Có những trường hợp ngoại lệ từ 3 tháng trở lên thì thủ tục phức tạp hơn đó là phải được sự xem xét và chấp nhận Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
Việc chấp thuận cho Cán bộ, Công chức đi xuất ngoại vì bất kỳ lý do gì cũng phải được ghi nhận trong văn bản. Đây chính là căn cứ để chứng minh việc làm của mình đã có sự cho phép của cấp trên, cơ quan chủ quản. Với những hành vi cố ý đi nước ngoài không xin phép có thể sẽ bị kỷ luật đối với hành vi này.
Trong trường hợp, Cán bộ, Công chức là Đảng viên thì có những quy định cụ thể hơn được ghi nhận tại Quy định 228/QĐ-TW năm 2014. Theo đó, những trường hợp bị nghiêm cấm là tự ý đi nước ngoài không xin phép, trốn đi ra nước ngoài; sau khi có quá trình công tác hoặc đi ra nước ngoài thì không báo cáo kết quả chuyến đi, hiệu quả công việc; Đi nước ngoài vì mục đích trốn tránh nhiệm vụ, công việc, nghĩa vụ của mình.
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 26 Quy định 102/QĐ-TW năm 2017 quy định Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp trên gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách, trường hợp cố tình vi phạm trên 1 lần hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức, thậm trí khai trừ ra khỏi Đảng căn cứ mức độ vi phạm.
2. Thủ tục xin đi nước ngoài của Cán bộ công chức:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Bản chính đơn xin xuất cảnh của công chức, viên chức trong trường hợp người đó xuất cảnh vì việc riêng;
– Bản sao thư mời hoặc các văn bản khác có liên quan đến mục đích xuất cảnh nếu công chức, viên chức xuất cảnh ra nước ngoài theo diện được mời;
– Bản chính công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp sử dụng, quản lý công chức, viên chức xin xuất cảnh;
– Bản chính công văn đồng ý của các cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp (thủ tục này chỉ có trong những trường hợp xuất cảnh thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Ngoại vụ). Các cơ quan chủ quản cấp trên được xác định như sau:
+ Đơn vị sự nghiệp công lập do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quản lý thì phải có công văn đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoặc doanh nghiệp nhà nước được UBND tỉnh ủy quyền cho Sở hoặc cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp về tổ chức và nhân sự thì phải có công văn đồng ý của Sở hoặc cơ quan hành chính cấp tỉnh;
+ Các cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp nhà nước thuộc huyện thì có công văn đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
– Ý kiến đồng ý bằng văn bản của cấp ủy quản lý trực tiếp nếu đối tượng xin xuất cảnh là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
+ Văn bản đồng ý của Thường trực tỉnh ủy đối với các đối tượng công chức xuất cảnh là: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Chánh, Phó Chánh Văn phòng: Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; Trưởng, Phó các Ban thuộc Tỉnh ủy; Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở; Trưởng, Phó cơ quan hành chính cấp tỉnh, Trưởng, Phó đơn vị sự nghiệp do UBND tỉnh trực tiếp quản lý; Trưởng, Phó các Ban HĐND tỉnh và Uỷ viên thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội thuộc UBND tỉnh quản lý; Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, HĐND cấp huyện; Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước hạng I, hạng II.
+ Văn bản thể hiện ý kiến đồng ý của Ban thường vụ Đảng ủy khối nếu Đảng viên là thành viên Ban chấp hành Đảng bộ khối, là cấp ủy viên các tổ chức cơ sở Đảng, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra theo quy định và các đối tượng sau đây: Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp (trực thuộc các Sở, Ban, Ngành); Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp nhà nước hạng I, II nay đã chuyển thành công ty cổ phần; Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp nhà nước hạng III, IV; các doanh nghiệp nhà nước chưa xếp hạng (kể cả các doanh nghiệp nhà nước hạng III, IV, các doanh nghiệp nhà nước chưa xếp hạng nay đã chuyển thành công ty cổ phần); Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc các Sở, Ban, Ngành;
+ Văn bản đồng ý của Ban thường vụ cấp huyện, thị, thành ủy trực thuộc tỉnh đối với các đối tượng sau đây: Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp (trực thuộc các Huyện, Thị, Thành phố); Chánh, Phó chánh Văn phòng; Trưởng, Phó các Ban thuộc khối Đảng cấp huyện; Trưởng, Phó các Ban thuộc HĐND cấp huyện; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện;
+ Văn bản đồng ý của cấp ủy cơ sở Đảng nơi Đảng viên đang sinh hoạt và công tác đối với các đối tượng còn lại ngoài các đối tượng trên.
2.2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
Hiện nay, Cán bộ, Công chức đem bộ hồ sơ đã được chuẩn bị đến Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố nơi quản lý mình để nộp. Cá nhân sẽ tìm đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương (hay còn gọi là Bộ phận một cửa). Tại đây, Cán bộ sẽ tiếp nhận hồ sơ và trong quá trình kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của giấy tờ đã nộp nếu đảm bảo yêu cầu thì sẽ được nhận một giấy hẹn đến lấy quyết định với nội dung cho phép xuất cảnh đi nước ngoài. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì yêu cầu cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hỗ trợ hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu.
Sau khi Giám đốc Sở Ngoại vụ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương ký Quyết định cho phép công chức, viên chức được phép đi nước ngoài thì Cán bộ Công chức đem giấy hẹn đến lấy quyết định để đi nước ngoài.
3. Áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài nhưng không được cho phép:
Khi công chức, viên chức tự ý đi nước ngoài vì bất cứ lý do gì như du lịch, đi công tác nhưng chưa xin phép và không có sự đồng ý về cấp trên thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Hình thức kỷ luật này cũng đã được ghi nhận tại Điều 7, Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, cán bộ công chức cần đặc biệt lưu ý, không chỉ tuân thủ pháp luật, những quy tắc nghề nghiệp mà còn phải tự ý thức được trách nhiệm của bản thân khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào. Cho dù việc đi ra nước ngoài vì mục đích cá nhân như du lịch, thăm người nhà hay những hoạt động liên quan đến công việc thì phải báo cáo và được sự chấp thuận của cấp trên. Tránh được những trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật chỉ vì không hiểu biết hết quy định của nhà nước.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật số 52/2019/QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức;
–
– Quy định 228/QĐ-TW năm 2014 về việc Đảng viên đi nước ngoài;
– Quy định 102/QĐ-TW năm 2017 về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm.