Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh được hướng dẫn thực hiện như sau:
Việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh được Sở tư pháp hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Các trường hợp giải quyết
Sở Tư pháp thực hiện việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch đối với các trường hợp sau:
– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, mà trước đây đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền trong địa hạt thành phố Hồ Chí Minh.
– Công dân Việt Nam thường trú trong nước đã đăng ký hộ tịch tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc đã đăng ký hộ tịch từ thời kỳ Pháp thuộc, hay thời kỳ chính quyền Ngụy Sài Gòn, hiện chỉ có 01 sổ đăng ký hộ tịch hiện đang lưu giữ tại Sở Tư pháp,
– Những trường hợp đã đăng ký khai sinh tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh.
2. Phạm vi thực hiện
– Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký.
– Xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
– Bổ sung những nội dung chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.
– Điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.
3. Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch lập thành 01 bộ hồ sơ, gồm những giấy tờ sau:
3.1. Giấy tờ phải nộp:
– Phiếu đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính (cá nhân tự viết phiếu đăng ký hoặc theo mẫu Phiếu cải chính theo hướng dẫn của Sở tư pháp thành phố)
– Các giấy tờ cần thiết liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch (như giấy khai sinh, CMND, Hộ khẩu, Thẻ căn cước cũ…). Đối với trường hợp xác định lại giới tính phải có văn bản kết luận của tổ chức y tế đã tiến hành can thiệp để xác định lại giới tính.
– Bản photocopy hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (kèm bản chính đối chiếu) của người có yêu cầu.
3.2. Giấy tờ phải xuất trình: Bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Thẩm quyền giải quyết
Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh
5. Thời hạn giải quyết
Thời hạn giải quyết : 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và không kể thời gian xác minh. Đối với việc điều chỉnh các giấy tờ hộ tịch khác không phải là Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh như Giấy chứng nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài, Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con… thời gian giải quyết là 25 ngày làm việc.
6. Lưu ý
– Người có yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp.
Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến Sở Tư pháp để đăng ký, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền.
– Đối với việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người đó.