Cụm từ " cải biên " là cụm từ mà chúng ta đã được nghe khá nhiều khi nhắc tới các hoạt động, làm mới các tác phẩm văn học. Vậy cải biên là gì? Người cải biên là ai? Pháp luật quy định thế nào về việc cải biên tác phẩm? Tại bài viết này, Luật Dương Gia sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Cải biên là gì?
Cải biên là Sửa đổi một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện trên cơ sở bản gốc hoặc một phần bản gốc của tác phẩm văn học nghệ thuật hoặc dựa trên nội dung cơ bản của tác phẩm đó để sáng tạo ra tác phẩm mới. Khi cải biên tác phẩm phải được chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.
Cải biên tiếng Anh là ” Adaptation “.
2. Người cải biên là gì?
Người cải biên chuyển thể tác phẩm là người thay đổi hình thức thể hiện tác phẩm đã có hình thức thể hiện mới hoặc người chuyển tác phẩm từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình nghệ thuật khác.
Người cải biên tiếng Anh là ” Adapter “.
3. Tác phẩm cải biên là gì?
Tác phẩm cải biên hay còn gọi là tác phẩm phái sinh, theo quy định tại Khoản 8 Điều 4,
Tác phẩm cải biên tiếng Anh là ” Adapted work”.
4. Quy định của pháp luật về tác phẩm cải biên (tác phẩm phái sinh):
4.1. Đặc điểm của tác phẩm phái sinh:
Các đặc điểm của tác phẩm phái sinh bao gồm
– Được hình thành trên cơ sở một tác phẩm đã có
Tùy vào từng trường hợp mà bạn có thể cần xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc hoặc không.
– Tác phẩm phái sinh phải giữ được dấu ấn của tác phẩm chính
Nói cách khác, tác phẩm phái sinh phải dẫn công chúng liên tưởng tới tác phẩm gốc. sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc.
– Phải có sự sáng tạo đủ lớn
Để được công nhận là một tác phẩm phái sinh thì tác phẩm phải có sự sáng tạo đủ lớn từ tác giả. Tuy nhiên, cần xem xét để tránh trường hợp sự sáng tạo trở thành hành vi xâm phạm Quyền nhân thân của tác phẩm gốc.
– Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được tạo ra
Quyền tác giả của tác phẩm phái sinh phát sinh khi tác phẩm được tạo ra, được bảo hộ mà không phụ thuộc vào việc đăng ký. Tuy vậy, khi xảy ra tranh chấp, nghĩa vụ chứng minh nội dung của tác phẩm thuộc về tác giả.
4.2. Phân loại tác phẩm phái sinh:
– Tác phẩm dịch
Là tác phẩm phái sinh được thể hiện bởi ngôn ngữ khác biệt với ngôn ngữ mà tác phẩm gốc thể hiện, sự sáng tạo của tác phẩm phái sinh được thông qua cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Tuy nhiên, bản dịch phải sát nghĩa, không diễn đạt sai ý của tác giả.
Ví dụ tác phẩm Truyền Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch. Trong đó, có thể kể đến bản dịch của Huỳnh Sanh Thông (giáo sư tại Đại học Yale, Mỹ) được sử dụng làm bài giảng cho sinh viên Mỹ học. Như vậy, Nguyễn Du sở hữu Quyền tác giả của tác phẩm Truyện Kiều, nhưng Huỳnh Sanh Thông cũng sở hữu Quyền tác giả của tác phẩm phái sinh của Truyện Kiều (là bản dịch tiếng Anh).
– Tác phẩm phóng tác
Là tác phẩm phỏng theo nội dung của tác phẩm gốc nhưng có sự sáng tạo rõ rệt về mặt nội dung, tư tưởng, để làm cho nó trở thành một tác phẩm hoàn toàn mới, khác biệt so với tác phẩm gốc. Chẳng hạn như viết lại thành một tác phẩm khác theo một yêu cầu nhất định.
Ví dụ: Hồ Biểu Chánh (tiểu thuyết gia tiêu biểu của văn chương Việt Nam hiện đại) đã phóng tác thành công tác phẩm Những người khốn khổ của văn hào Pháp Victor Hugo thành tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa. Trong khi Những người khốn khổ là bức tranh cực kỳ chân thực về cuộc sống của những con người nghèo khổ ở nước Pháp nói chung và ở Paris nói riêng vào nửa đầu thế kỷ 19. Thì Ngọn cỏ gió đùa đã khắc họa thành công chân dung con người đói khổ, khốn cùng, trong xã hội Việt Nam thế kỷ 19 dưới thời nhà Nguyễn.
Do đó, Hồ Biểu Chánh sở hữu quyền tác giả với tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa – là tác phẩm phái sinh của Những người khốn khổ.
– Tác phẩm chuyển thể
Là tác phẩm được hình thành từ tác phẩm văn học sang một loại hình khác. Ví dụ: chuyển thể từ tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu hoặc điện ảnh. Tác phẩm gốc có thể là tiểu thuyết, trường ca, truyện dài… hoặc cũng có thể là tác phẩm kịch (sân khấu) được chuyển thành kịch bản điện ảnh, nhạc kịch…
Ví dụ: Phim Chị Dậu (1981) là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm hay nhất trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài và được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim điện ảnh.
– Tác phẩm cải biên
Là sửa đổi hoặc biên soạn lại một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện dựa trên một phần hoặc toàn bộ Tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới. Khi cải biên tác phẩm, người cải biên phải được chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.
Ví dụ: Các bạn chắc đã xem phim Tây Du Ký rồi đúng không? Ngoài phiên bản do Đài truyền hình Trung Quốc sản xuất năm 1986 thì còn nhiều phiên bản khác được cải biên như Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện (2013) do Châu Tinh Trì làm đạo diễn. Phim cũ (Tây Du Ký 1986) xây dựng hình ảnh Đường Tăng là một nhà sư trẻ hiền lành, một lòng hướng Phật nhưng phim của Châu Tinh Trì lại phóng tác Đường Tăng là một thầy trừ yêu có mối tình với một nàng pháp sư.
– Tác phẩm biên soạn
Là việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo. Ví dụ: biên soạn từ điển, giáo trình, bài giảng, sách.
Ví dụ như biên soạn từ điển, giáo trình, bài giảng, sách,…
– Tác phẩm chú giải
Là tác phẩm thể hiện quan Điểm, lời bình, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc.
Ví dụ như sách Truyện Kiều chú giải của tác giả Lê Văn Hòe, dày 772 trang, được xuất bản năm 1953 là cuốn sách viết rất công phu, luận giải rất dễ hiểu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Do đó, ông Hòe sở hữu quyền tác giả với tác phẩm Truyện Kiều chú giải.
– Tác phẩm tuyển chọn
Là tác phẩm tổng hợp, chọn lọc và sắp xếp những tác phẩm gốc (giữ nguyên nội dung tác phẩm gốc) theo các tiêu chí thành một tác phẩm đầy đủ hơn. Có thể là bộ sưu tập các bài thơ, truyện ngắn, bài hát,…
Ví dụ: Sách Tuyển chọn đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên môn Toán (xuất bản năm 2017) do tác giả Hoàng Văn Minh & Trần Đình Thái tuyển chọn từ đề thi vào các trường chuyên ở Hà Nội từ năm 2000 đến 2017, có đáp án và hướng dẫn giải.
4.3. Điều kiện đối với tác phẩm phái sinh:
– Tác phẩm phái sinh không được gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc
Cụ thể được quy định tại Khoản 2 Điều 14
” Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.”
Vậy tác phẩm phái sinh nếu như được sáng tạo ra mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân hay quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì không được pháp luật bảo hộ.
– Khi làm tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định, nếu làm tác phẩm phái sinh mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị theo Điểm i Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
Căn cứ pháp lý cho điều kiện này tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019:
” Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.”
– Tác phẩm phái sinh phải mang dấu ấn riêng của tác giả
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc nhưng có sự mới mẻ trong lối hành văn, cách truyền đạt… Những điều này tạo nét riêng cho tác phẩm phái sinh và thể hiện sự đặc trưng, dấu ấn của tác giả với công chúng.
4.4. Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh:
Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Cụ thể:
– Quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 bao gồm:
+ Đặt tên cho tác phẩm;
+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;
– Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
– Quyền tác giả được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 bao gồm:
+ Làm tác phẩm phái sinh;
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
– Sao chép tác phẩm;
+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019.