Cách xác định sự chết trong y pháp học hình sự hiện nay. Tử thi học là một môn học nghiên cứu mọi vấn đề có liên quan tới sự chết, bắt nguồn từ khám nghiệm tử thi Y Pháp và được coi là nền tảng của Y pháp hình sự.
Đứng trước một thi thể không rõ căn cước, một loạt câu hỏi của cơ quan điều tra đặt ra, yêu cầu giám định y pháp giải đáp để tìm ra sự thật: Thi thể này là ai? Bao nhiêu tuổi? Chết từ bao giờ? Chết tại hiện trường? Thương tích xảy ra lúc sống hay xảy ra sau chết? Có bị xâm hại tình dục không? Chết khi đói hay lúc no? Vì sao mà chết? Ai đã sát hại nạn nhân?
Mục lục bài viết
1. Xác định sự chết:
Xác định sự chết trước đây chỉ nhằm mục đích tránh sai lầm người chưa chết đã bị bỏ qua, mai táng người còn sống, chôn sống người một việc làm trái với giáo lý của tất cả các tôn giáo, đạo lý xã hội và vi phạm luật nhân đạo của loài người.
Từ mục đích đó người ta quy ước sau khi chết được 24 giờ mới được khâm liệm, mai táng. Thời Phong kiến còn quy định sau chết 3 ngày mới được chôn cất, với luật pháp, án tử hình là mức phạt cao nhất, sau khi thi hành bản án luật cũng quy định giám định viên Y Pháp phải xác định tử tù đã chết mới cho phép chôn.. Tất cả đều nhằm đảm bảo sự chết hoàn toàn, bất biến mới xử lý, bởi từ xưa cho đến ngày nay, đây đó vẫn xảy ra tình huống chết đi, sống lại như một huyền thoại. Đối với tôn giáo coi đó là ma tà, nhưng đối với y học coi đó là chết lâm sàng, chưa chết sinh vật. Bởi vậy người ta đã phải đưa ra những khái niệm chung về sự chết bao hàm cả ý nghĩa đạo lý và tính pháp lý để xử thế trong xã hội.
Định nghĩa: chết là hiện tượng ngừng hoạt động không hồi phục của hệ thống thần kinh, bộ máy hô hấp và bộ máy tuần hoàn.
Hệ thần kinh phải mất hết tri giác, cảm giác và các phản xạ như hỏi không nói, gọi không thưa, cấu véo hoặc dùng các loại kích thích khác 1 tác động vào cơ thể không đáp ứng (chạm lông mi, rọi ánh sáng vào mắt đồng tử không co v.v…) đồng tử giãn rộng.
Quan sát bộ máy hô hấp thấy lồng ngực không di động, đặt bông vào hai lỗ mũi không thấy bông chuyển động. Để gương trước mũi không thấy bị mờ và nghe phổi không thấy rì rào phế nang.
Theo dõi cơ quan tuần hoàn: đặt tay lên ngực trái không thấy tim đập, bắt mạch không thấy mạch nẩy và nghe tim không thấy tiếng tim đập.
Trên đây là 3 phương thức đơn giản tối thiểu và dễ thực hiện nhất, bước đầu xác minh sự chết. Trong điều kiện thuận lợi phải sử dụng những biện pháp kỹ thuật sau đây để khẳng định sự chết:
- Rạch động mạch quay: sau khi rạch động mạch, nếu chết hẳn máu không chảy thành tia, mạch máu không co lại và nếu còn sống thì ngược lại.
- Tiêm ête: tiêm 2 ml ête dưới da, nếu còn sống thuốc này ngấm vào trong tổ chức, khi rút kim không thấy thuốc chảy ra lỗ tiêm, chảy phụt nhanh lỗ kim tiêm.
- Làm nghiệm pháp Icard: tiêm dung dịch huỳnh quang vào tĩnh mạch (Fluorescein amoniac 4g + 20 ml nước cất). Nếu bộ máy tuần hoàn còn hoạt động, thì sau 10 – 30 phút quan sát giác mạc sẽ thấy óng ánh màu xanh nõn chuối và sau 2 giờ cũng thấy nước tiểu màu vàng ánh.
- Ghi điện tâm đồ: trên băng giấy
sóng điện tim cho một đường thẳng. - Kiểm tra điện não đồ: trên băng giấy hoàn toàn mất dao động, chỉ còn một đường thẳng.
Khái niệm chết não: nhờ những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật y học trong hồi sức cấp cứu hiện đại, người ta có thể duy trì tuần hoàn máu, hỗ trợ hô hấp, trong khi não đã tổn thương thoái hoá thậm trí hoại tử, không hồi phục, một trạng thái hoàn toàn không thể sống. Những trường hợp như vậy có nên tiếp tục hồi sức cấp cứu hay không? Đó là vấn đề tranh luận trong giới y học và các nhà luật pháp.
Một bên cho rằng, tiếp tục điều trị là không cần thiết, tốn kém vô vọng, đồng thời kéo dài sự mệt mỏi, đau khổ không cần thiết cho gia đình bệnh nhân và đau khổ cho cả bệnh nhân, dành phương tiện hồi sức dùng cho bệnh nhân có khả năng cứu sống, đem lại hạnh phúc cho cộng đồng. Mặt khác, việc phát triển của Y học phân tử, miễn dịch học có những bước tiến nhảy vọt tạo điều kiện cho kỹ thuật ghép cơ quan, thay thế phủ tạng thành công ngoạn mục như ghép thận, ghép gan, ghép tim phổi vv…. Những thành công đó có vai trò rất quan trọng là lấy các cơ quan phủ tạng của tử thi ghép cho người sống, đây là việc làm với kỹ thuật hết sức phức ất tạp, nhưng đáng chú ý hơn cả là lấy chúng trước 6 giờ sau chết, lấy càng sớm, thành công ghép càng tốt.
Chính vì vậy việc xác định chết não cho quyết định ghép cơ quan là rất quan trọng, tiêu chuẩn xác định phải chính xác, nhằm mục đích không có cơ quan, phủ tạng nào được lấy đi trước khi não tổn thương không hồi phục.
Quan điểm đối lập đề cập đến tính thiện của nghề y, còn nước, còn tát, cứu được một nhân mạng là phúc đẳng hà sa, chẩn đoán chết sinh vật vội vàng là nghèo lòng nhân đạo.
Mặc dầu quan điểm về chết não chưa đồng nhất, nhưng ở nước Mỹ năm 1968, Anh Quốc 1976 và hiện nay phần lớn các nước trên thế giới cũng đã thừa nhận khái niệm chết mất não.
Định nghĩa chết não: Có nhiều cách diễn giải định nghĩa khác nhau nhưng đều tập trung vào chủ đề não, thân não đã chết. Vì vậy có thể định nghĩa chết não như sau: Một người được coi là chết nếu ngừng hoàn toàn, không hồi phục chức năng não.
Tiêu chuẩn để xác định chết não dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng rất phức tạp. Trong tiêu chuẩn chung, mỗi quốc gia lại có tiêu chuẩn riêng nên chưa thể đi sâu về vấn đề này.
2. Các dấu hiệu sau chết:
2.1. Dấu hiệu sau chết sớm:
Nguội lạnh: sự chết xảy ra khi toàn bộ các cơ quan tổ chức của cơ thể ngừng hoạt động. Cơ thể không tạo ra được những năng lượng nữa, thấy nạn nhân nhưng sau khi chết ta sờ vào tử thi vẫn còn thấy nóng, sức nóng ấy là số năng lượng lưu lại khi cơ thể còn sống. Số năng lượng này sẽ mất dần và sự thoát nhiệt này được xác định từ trung tâm tử thi, trung bình về mùa hè mỗi giờ mất đi từ 1/2 độ tới 1 độ và về mùa đông giảm đi từ 1 – 1.5 độ. Giảm nhiệt độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào thể trạng tử thi béo hay gầy, quần áo dày hay mỏng, thời tiết nóng hay lạnh và tử thi ở ngoài trời hay trong nhà? Theo thứ tự nhiệt độ của tử thi bắt đầu giảm từ đầu, mặt, các ngọn chi rồi mới dẫn tới gốc chi sau cùng tới nách, bụng và tầng sinh môn. Công thức tính sự mất nhiệt của tử thi để áp dụng vào việc xác định thời gian chết theo cơ quan an ninh của Scot-land nước Anh được thể hiện như sau:
(37°C – T°C) : 1,5° C = Thời gian tử thi đã chết
37 là nhiệt độ trung bình của cơ thể sống.
T là nhiệt độ của tử thi khi đo
1.5° là nhiệt độ trung bình của tử thi mất đi mỗi giờ.
Ví dụ: nhiệt độ đo được ở tử thi 25° thì sự chết của tử thi đã được 8 giờ.
(37°C – 25°C) : 1,5° C = 8 giờ
Mất nước: người ta xác định được sau khi chết nước ở tử thi sẽ mất dân qua bốc hơi ở bề mặt thi thể khiến trọng lượng của tử thi giảm đi, trung bình nhẹ đi khoảng 1 kg mỗi ngày. Hiện tượng mất nước tử thi còn làm giác mạc mờ đục dần, nhãn cầu xẹp, môi và da dăn deo. Đối với tổn thương của da khi còn sống bị sây sát, bị ép, hiện tượng mất nước của tử thi tạo nên hình ảnh Y Pháp gọi là: ” da giấy” nơi này màu xám khô, nắn chắc khó cắt. Ví dụ các vết xây xát ở da nạn nhân bị tai nạn giao thông xe kéo lê nạn nhân trên đường, da ở rãnh treo của người chết treo cổ, v.v…
Hoen tử thi: hoen tử thi là những điểm hoặc mảng sắc tố xuất hiện sau chết. (Xem ảnh 1) Sau chết động mạch co lại đẩy máu vào tĩnh mạch vào mao mạch, máu không lưu thông nên ứ đọng ở những chỗ thấp trũng nhất và tạo ra những điểm ngấm máu gọi là điểm hoen. Lúc đầu điểm hoen có màu hồng sau chuyển sang màu tím nhạt rồi tím sẫm. Các điểm hoen lúc đầu còn là một điểm nhỏ đường kính khoảng 0.1 cm thưa thớt sau tăng dần và hợp thành mảng hoen. Điều cần lưu ý là hoen tử thi không xuất hiện ở những nơi da bị áp lên một mặt phẳng nào đó (giường, đệm cứng, nếp nhăn quần áo, chăn gối, thắt lưng, nịt vú…) Các vết hoen xuất hiện 2 giờ sau khi chết. trong vài giờ đầu vết hoen thay đổi vị trí nếu người ta thay đổi tư thế của tử thi.
Ví dụ: Những giờ đầu khi chết tử thi nằm ngửa, hoen tử thi xuất hiện phía lưng, nhưng nếu lật tử thi nằm sấp ít lâu sau các vết hoen lại xuất hiện phía trước tử thi, còn các vết hoen trước đây phía sau lưng biến mất. Nếu 12 giờ sau chết lật úp xác xuống một thời gian nào đó khi lật ngược sẽ không thấy hoen tử thi xuất hiện ở ngực mà vẫn ở phía sau lưng.
Như vậy, vị trí của các vết hoen tử thi phản ánh tư thế lúc chết. Đối với Y Pháp, hoen tử thi là yếu tố quan trọng để ta biết có sự thay đổi tư thế của tử thi hay không.
Ví dụ: chết treo cổ từ đêm, sáng hôm sau hạ xuống đặt ở giường, hoen tử thi vẫn còn tồn tại ở các ngọn chi (bàn tay, bàn chân), không có ở lưng mặc dầu tử thi nằm ngửa.
Hoen tử thi có một vài đặc tính riêng cần phải được lưu ý:
Hoen xuất hiện rất sớm trong các trường hợp chết ngạt.
Hoen màu hồng nhạt khi chết trong nước.
Hoen màu đỏ tươi ( màu cánh sen) gặp trong trúng độc ôxít carbon, acidcyanhydric (HCN) và muối của nó (ngộ độc sắn) và trúng độc thuốc ngủ barbituric hoen tử thi cũng có màu đỏ tươi.
2.2. Dấu hiệu sau chết muộn: dấu hiệu sau chết muộn được thể hiện bằng sự hư thối (thối rữa):
Điểm xuất phát của sự hư thối là mảng lục ở hố chậu phải rồi lan ra khắp bụng, ngực, mặt, chi. Màu lục là màu của huyết sắc tố thoái hoá và khí hydrogen sulfua (H,S) do vi khuẩn tạo nên làm căng tất cả các tĩnh mạch dưới da như một màng lưới màu xanh, rồi các vết hoen rộp lên thành túi nước màu đỏ tím hoặc xanh đen. Toàn thân căng to, mặt biến dạng (nhãn cầu lồi, môi tều) dần dần lớp biểu bì bong ra, móng tay, móng chân cũng long ra (móng, tóc, lông không hư thối). Các nội tạng mủn nát hoặc xẹp nhỏ chứa bong bóng hơi, máu bị đẩy vào xoang ngực; bụng (dưới dạng nước đục hoặc xám hồng) cơ xẹp, mỡ biến thành chất sáp xà phòng hoá. Nếu xác ngâm dưới nước, vấn đề này càng rõ.
Cùng với hoạt động của nấm, dòi, bọ, côn trùng đẻ ra trên bề mặt da, sự hư thối làm tan rã dần các phần mềm, cuối cùng còn trơ lại bộ xương và răng. Bộ xương, răng trải qua thời gian dài sẽ phân huỷ mềm, mục ải (momic) thường trên 5 năm.
Ở xác khô, xác ướp, da rắn cứng, các tạng không teo nhỏ, nhưng vẫn giữ được hình dáng. (ở Trung Quốc, xác chôn 2000 năm, sâu 20m, còn làm được xét nghiệm vi trùng và giải phẫu bệnh).