Hiện nay nước ta có rất nhiều người chọn con đường đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài. Vì thế nhiều người quan tâm về vấn đề: Có những cách nào để lấy lại tiền đặt cọc khi không đi xuất khẩu lao động nữa?
Mục lục bài viết
1. Có lấy lại được tiền đặt cọc khi không đi xuất khẩu lao động nữa hay không?
Hợp đồng đặt cọc đã không còn quá xa lạ trong đời sống hiện nay của các chủ thể. Trong quá trình giao kết hợp đồng đi lao động, nhằm mục đích tạo niềm tin giữa các bên chủ thể thì hai bên thường sẽ tiến hành ký hợp đồng đặt cọc. Căn cứ theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật dân sự năm 2015 có ghi nhận về vấn đề đặt cọc, cụ thể như sau:
– Đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền theo quy định của pháp luật, hoặc kim khí quý, hoặc đá quý, hoặc các vật có giá trị khác trong một thời gian nhất định nhằm mục đích đảm bảo cho quá trình giao kết hoặc thực hiện hợp đồng giữa đôi bên;
– Trong trường hợp hợp đồng được giao kết theo đúng thỏa thuận của các bên thì tài sản đặt cọc sẽ được trả lại cho bên đặt cọc hoặc tài sản đặt cọc đó sẽ được sử dụng để trừ trực tiếp vào nghĩa vụ trả tiền của bên đặt cọc, nếu như bên đặt cọc từ chối quá trình giao kết hoặc thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận ban đầu thì tài sản đặt cọc đó sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc, ngược lại nếu như bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết và thực hiện thỏa thuận ban đầu thì bên nhận đặt cọc sẽ phải trả lại khoản tiền đặt cọc cho bên đặt cọc và kèm theo một khoản tiền tương đương với tài sản đặt cọc đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy thì có thể thấy, hợp đồng đặt cọc chính là một trong những biện pháp bảo đảm cho các bên thực hiện việc giao kết hợp đồng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên. Như vậy thì nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng đặt cọc thì quá trình xử lý khoản tiền đặt cọc sẽ được tuân thủ theo ý chí của các bên được ghi nhận trong hợp đồng.
Hiện nay nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu rằng có lấy được tiền đặt cọc khi không đi xuất khẩu lao động nữa hay không? Có thể chia thành một số trường hợp như sau:
– Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận phương hướng xử lý khi một bên vi phạm quy định thì sẽ xử lý khoản tiền đặt cọc đó theo như thỏa thuận trong hợp đồng, tức là nếu hợp đồng có ghi nhận rằng bên đặt cọc không đi xuất khẩu lao động nữa vẫn được trả lại tiền đặt cọc thì khi đó, khoản tiền đặt cọc này sẽ được trả lại;
– Còn nếu trong trường hợp, hợp đồng đặt cọc không có thoả thuận thì sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bạn không muốn đi xuất khẩu lao động và muốn lấy lại khoản tiền đặt cọc tức là hành vi bạn đang muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, như vậy theo quy định của pháp luật thì khi bạn muốn tự ý hủy hợp đồng đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất cọc. Tuy nhiên trong trường hợp, trong hợp đồng ký kết đã quy định rõ thời gian và ngày tháng về việc công ty sẽ cần phải thực hiện và hỗ trợ các thủ tục cho bạn đi xuất khẩu lao động, nhưng đến thời gian đó mà bên công ty vẫn không thực hiện đúng theo những gì đã cam kết và thỏa thuận trong hợp đồng thì tức là công ty đang vi phạm hợp đồng, và bạn hoàn toàn có quyền lấy lại số tiền đã đặt cọc, thậm chí có thể yêu cầu bên công ty bồi thường một khoản tiền khác trong trường hợp bạn có thiệt hại xảy ra trên thực tế.
2. Cách lấy lại tiền đặt cọc khi không đi xuất khẩu lao động nữa:
Có thể kể đến một số cách thức để lấy lại tiền đặt cọc khi không đi xuất khẩu lao động nữa như sau:
Thứ nhất, ngồi lại thỏa thuận thương lượng giữa các bên, nhằm mục đích đàm phán với bên nhận đặt cọc để bên đó trả lại khoản tiền đặt cọc cho mình, bởi vì suy cho cùng thì pháp luật về dân sự cũng luôn luôn tôn trọng sự thỏa thuận và tự định đoạt của các bên chủ thể, quá trình thương lượng và thỏa thuận sẽ giúp cho các bên bớt tốn kém và giảm đi chi phí tố tụng.
Thứ hai, căn cứ theo quy định tại Điều 25 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 hiện nay có ghi nhận, trường hợp các bên có phát sinh tranh chấp về việc doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ không trả lại khoản tiền ký quỹ thì người lao động có quyền kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ lao động thương binh và xã hội. Như vậy thì có thể thấy, trong trường hợp công ty không hoàn trả lại khoản tiền đặt cọc cho bạn thì bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại đến chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ lao động thương binh và xã hội để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình.
Thứ ba, thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nhìn chung thì thủ tục khởi kiện đòi lại tiền đặt cọc sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì người khởi kiện cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:
– Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện;
– Các tài liệu chứng cứ chứng minh cho vấn đề quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm ví dụ như hợp đồng đặt cọc …
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể ở đây sẽ là tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi bị đơn cư trú và làm việc căn cứ theo quy định tại Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Các chủ thể có thể nộp hồ sơ thông qua nhiều hình thức khác nhau, có thể nộp trực tiếp tại tòa án, nô thông qua đường bưu điện hoặc gửi qua cổng thông tin điện tử của tòa án.
Bước 3: Tòa án sẽ thụ lý và xem xét tài liệu chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ việc thuộc thẩm quyền của mình thì sẽ thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. trong thời hạn 07 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án thì người khởi kiện phải thực hiện hoạt động đầu tiên tạm ứng án phí và nộp cho tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. sau đó phân công thẩm phán để xử lý vụ việc.
3. Một số trường hợp bị hủy đơn hàng xuất khẩu lao động:
Có thể kể đến một số lý do dẫn đến hiện tượng các bên không đi xuất khẩu lao động theo như hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, cụ thể như sau:
Thứ nhất, lý do xuất phát từ phía người lao động bao gồm:
– Trong thời gian chờ ngày đi xuất khẩu lao động thì người lao động đó gặp phải một số vấn đề liên quan đến sức khỏe nên không thể tiếp tục đi xuất khẩu lao động theo như thỏa thuận ban đầu và cần phải tiến hành hoạt động hủy
– Người lao động gặp một số khó khăn và vướng mắc về hồ sơ và giấy tờ nên không thể thực hiện thủ tục đi xuất khẩu lao động;
– Trong quá trình chờ kết quả đi xuất khẩu lao động thì người lao động đó gặp phải một số vấn đề trong lĩnh vực pháp lý, hoặc thậm chí là phải thi hành án theo bản án có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xác định là tội phạm và không được phép xuất nhập cảnh ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam;
– Do một số vấn đề cá nhân nên người lao động buộc phải tiến hành hoạt động hủy hợp đồng đi xuất khẩu lao động ví dụ như khả năng ngoại ngữ …
Thứ hai, một số lý do xuất phát từ phía công ty môi giới đi xuất khẩu lao động, bao gồm:
– Phía công ty tiếp nhận ở nước ngoài gặp phải một số vấn đề như phá sản hoặc ngừng kinh doanh thì khi đó cũng cần phải tiến hành hoạt động chấm dứt hợp đồng đi xuất khẩu lao động;
– Công ty tiếp nhận không còn đủ khả năng để nhận người xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật;
– Hủy hợp đồng đi xuất khẩu lao động do công ty không xin được tư cách lưu trú cho người lao động khi họ sang nước ngoài;
– Xuất phát từ một số lý do khác ví dụ như công ty đó có rất nhiều người lao động nước ngoài bỏ trốn hoặc làm việc bất hợp pháp.
4. Khi đi xuất khẩu lao động có bắt buộc phải đóng tiền cho công ty môi giới không?
Pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về vấn đề khi đi xuất khẩu lao động thì bắt buộc cần phải đóng một khoản tiền nhất định cho công ty môi giới. Tuy nhiên trên thực tế thì các công ty môi giới vẫn sẽ yêu cầu các chủ thể phải đóng một khoản tiền cụ thể để đảm bảo lòng tin. Vậy khoản tiền đó được đóng cho công ty môi giới nhằm mục đích gì? Khi một người muốn đi xuất khẩu lao động và làm việc tại nước ngoài thì chủ thể đó cần phải chi trả rất nhiều khoản tiền như phí khám sức khỏe, tiền ký quỹ chống trốn, tiền dịch vụ, các loại phí hồ sơ và phí dịch thuật, bao gồm cả tiền môi giới và chi phí ăn ở, chị bị học tiếng nước ngoài và chi phí vé máy bay, chi phí đào tạo nghề để nâng cao tay nghề khi họ sang nước ngoài lao động và làm việc … Vì vậy cho nên khi đi xuất khẩu lao động thì công ty môi giới sẽ yêu cầu bạn đóng một khoản tiền phục vụ cho các chi phí nêu trên, cụ thể như sau:
– Nhằm mục đích chi trả cho các khoản tiền dịch vụ và tiền môi giới người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bởi vì theo quy định của pháp luật hiện nay thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được phép thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động sau khi đã tiến hành hoạt động ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, và người lao động đó đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc người lao động đó được cấp thị thực nhập cảnh (hay còn gọi là visa). Như vậy thì phía công ty sẽ thu một khoản tiền dịch vụ và tiền môi giới sau khi các bên chủ thể đã tiến hành hoạt động ký
– Khoản tiền đóng trước cho công ty môi giới cũng có thể được dùng nhằm mục đích đặt cọc. Hoạt động đặt cọc này đã được phân tích cụ thể ở trên căn cứ theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật dân sự năm 2015, nhằm mục đích để đảm bảo bên người lao động và bên người môi giới thực hiện theo đúng giao kết và nghĩa vụ trong hợp đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.