Phân chia di sản thừa kế là hoạt động pháp lý quen thuộc, gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân còn sống với tài sản mà người đã mất để lại. Liên quan đến thừa kế, có rất nhiều vấn đề xảy ra. Một trong số đó là tranh chấp tài sản thừa kế. Dưới đây là cách giải quyết tranh chấp chia thừa kế không có di chúc
Mục lục bài viết
1. Các hình thức phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật:
Phân chia di sản thừa kế được hiểu là việc phân chia tài sản cho người chết để lại.
Phân chia di sản thừa kế là hoạt động quen thuộc, diễn ra phổ biến trong thực tiễn đời sống của nước ta hiện nay. Nó gắn chặt với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân.
Khi nhắc đến đến di sản thừa kế, người ta thường nghĩ ngay đến hoạt động phân chia di sản. Hoạt động này mang tính chất bắt buộc, được diễn ra nhằm xác lập nên quyền lợi tài chính của các cá nhân.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế: Phân chia di sản thừa kế theo di chúc và phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
– Phân chia di sản thừa kế theo di chúc:
+ Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Hay nói cách khác, di chúc là văn bản thể hiện sự định đoạt của người để lại di sản với tài sản của mình. Khi người để lại di sản chết, tại thời điểm mở di sản thừa kế, bản di chúc sẽ có hiệu lực pháp lý, làm căn cứ để xác lập quyền hưởng di sản của người sống. Tất cả những chủ thể còn sống phải tuân thủ thực hiện đúng theo nội dung của di chúc (khi bản di chúc có hiệu lực pháp lý). Một điểm cần đặc biệt lưu ý, di chúc chỉ có hiệu lực khi tuân thủ đúng theo quy định của Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 và các Điều luật khác xoay quanh vấn đề phân chia di sản thừa kế theo di chúc.
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015, di chúc có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế.
+ Theo duy định tại Khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự 2015, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động.
– Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:
+ Nếu phân chia chia di sản thừa kế theo di chúc được hiểu là việc phân chia tài sản của người chết dựa theo ý chí của họ được thể hiện trong nội dung di chúc, thì phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được hiểu là việc người để lại di sản chết nhưng không để lại di chúc, việc xác định và phân chia di sản thừa kế sẽ được áp dụng giải quyết theo quy định của pháp luật. Đây chính là bản chất của thừa kế theo pháp luật.
+ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
+ Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thứ tự của những người thừa kế theo pháp luật như sau: Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
+ Khoản 2, Khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc giải quyết phân chia di sản thừa kế theo pháp luật như sau: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế, là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Nếu có di chúc, di sản thừa kế sẽ được phân chia dựa vào nội dung của di chúc. Trong trường hợp không có di chúc, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật.
2. Cách giải quyết tranh chấp chia thừa kế không có di chúc:
Di chúc thể hiện mong muốn, ý chí định đoạt của người để lại di sản với tài sản của mình khi họ mất đi. Di chúc là căn cứ xác lập quyền và nghĩa vụ của người sống với tài sản. Khi có di chúc, người sống sẽ phải nghiêm chỉnh chấp hành với nội dung của bản di chúc. Ngược lại, khi người chết không để lại di chúc, rất dễ xảy ra tình trạng tranh chấp di sản thừa kế giữa các chủ thể còn sống với nhau.
Vậy khi xảy ra tình trạng tranh chấp di sản thừa kế khi không có di chúc, ta cần giải quyết như thế nào?
– Trong trường hợp người để lại di sản thừa kế mất mà không để lại di chúc, tài sản sẽ được giải quyết phân chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Lúc này Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật sẽ được áp dụng. Theo đó, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho các chủ thể thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì sẽ hướng đến việc phân chia cho các chủ thể thuộc hàng thừa kế thứ 2. Hàng thừa kế thứ 2 không còn ai thì tài sản sẽ được phân chia cho các cá nhân thuộc hàng thừa kế thứ 3.
– Khi thực hiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, các cá nhân thuộc diện được hưởng di sản thừa kế phải tuân thủ theo nguyên tắc: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Khi phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp trong vấn đề phân chia mà không thể giải quyết nội bộ với nhau, các cá nhân có thể hướng đến việc khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Lúc này, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ trở thành bộ phận trung gian, tiến hành giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế không có di chúc.
Trên đây là cách giải quyết tranh chấp di sản thừa kế khi không có di chúc. Cách giải quyết này vừa tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân liên quan.
3. Mẫu đơn khởi kiện phân chia di sản thừa kế:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
……., ngày … tháng … năm ……
ĐƠN KHỞI KIỆN
(V/v PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ)
Kính gửi: Tòa án nhân dân……..
Người khởi kiện:
Tôi là:…….. Sinh năm……..
Chứng minh nhân dân số: ……. Cấp ngày: ……. Nơi cấp ………
Thường trú:……..
Địa chỉ liên lạc: ………
Điện thoại nhà riêng………….Cơ quan……….Di động……
Người bị kiện
Họ tên:…….. Sinh năm………..
Chứng minh nhân dân số: ………. Cấp ngày: …. Nơi cấp ……..
Thường trú:…….
Địa chỉ liên lạc: …….
Điện thoại: Nhà riêng………Cơ quan …… Di động…….
NỘI DUNG VỤ VIỆC:
(Trình bày họ tên bố mẹ, chết ngày, tháng, năm nào. Bố mẹ sinh được bao nhiêu người con, địa chỉ thường trú, địa chỉ liên hệ, số điện thoại (nếu có)? Nếu có người nào đã chết thì khai thêm vợ hoặc chồng và các con của người đó). Bố mẹ chết có để lại di chúc không? Nếu có di chúc thì ghi nội dung chủ yếu của di chúc).
Tài sản của bố mẹ để lại gồm những gỉ? Miêu tả rõ hiện trạng tài sản giá trị tài sản theo giá trị thị trường hiện tại? Tài sản hiện do ai quản lý sử dụng?
Quá trình từ giải quyết hoặc chính quyền hòa giải……….
YÊU CẦU CỦA NGƯỜI KHỞI KIỆN
Ghi rõ yêu cầu cụ thể, chi tiết.
Mối quan hệ giữa người kiện và người bị kiện, nguồn gốc tài sản, quá trình giao dịch thỏa thuận, sự vi phạm của người bị kiện, quá trình tự giải quyết hoặc chính quyền hòa giải).
Người khởi kiện
(Ký và ghi rõ họ tên)
Tài liệu đính kèm:
1. Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu (bản sao y);
2. Sổ hộ khẩu (bản sao y);
3. Di chúc (nếu có)(bản sao y);
4. Giấy khai sinh (bản sao y);
5. Giấy chứng tử (bản sao y);
6. Giấy tờ chứng minh tài sản, di sản (bản sao y)
7. Văn bản làm việc với các cơ quan có thẩm quyền (nếu có) (bản sao y);
8. Các văn bản, tài liệu khác.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.