Tài sản riêng của vợ chồng trước khi kết hôn? Căn cứ để xác định tài sản riêng của vợ chồng có được trước khi kết hôn? Cách thức chứng minh tài sản riêng của vợ, chồng trước khi kết hôn? Nếu không chứng minh được tài sản riêng vợ, chồng thì như thế nào?
Thông thường khi nam nữ đóng góp tài sản để xây dựng gia đình khi kết hôn. Tuy nhiên cuộc sống hôn nhân có nhiều vấn đề phức tạp, nhiều trường hợp mục đích hôn nhân không đạt được khiến hôn nhân tan vỡ, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn giải pháp ly hôn. Khi ly hôn thì nhiều vấn đề liên quan đến con cái, tài sản vợ chồng không thể thỏa thuận được dẫn đến tranh chấp. Đặc biệt liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng thường rất khó xác định, bởi khi chia tài sản chung nếu không chứng minh được nguồn gốc và tài sản riêng thì vô tình sẽ trở thành tài sản chung. Vậy trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng làm cách nào để chứng minh tài sản riêng của mình?
Căn cứ pháp lý:
–
–
Mục lục bài viết
1. Tài sản riêng của vợ chồng trước khi kết hôn:
Tài sản riêng của vợ, chồng trước khi kết hôn được xác định dựa trên:
– Tài sản riêng của vợ, chồng mà mỗi người có được trước khi kết hôn;
– Tài sản mà trước khi kết hôn vợ chồng thỏa thuận chế độ tài sản được chia riêng. Thỏa thuận đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 47, 48 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:
Nếu vợ chồng xác lập thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, thỏa thuận phải được thực hiện bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Theo đó khi hai vợ chồng đăng ký kết hôn thì chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn đó. Thỏa thuận đó sẽ xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng, có thể tài sản riêng trước khi kết hôn trở thành tài sản chung hoặc vẫn lựa chọn tài sản riêng mỗi người, tuy nhiên thỏa thuận phải phù hợp theo quy định của pháp luật.
Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn phải đáp ứng một trong các nội dung cơ bản về: Tài sản xác định giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được đều thuộc tài sản chung trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân; Thỏa thuận tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó, không có tài sản chung giữa vợ và chồng; xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
Như vậy, nếu trước khi đăng ký kết hôn có căn cứ để chứng minh được nguồn tài sản riêng của vợ, chồng hoặc nếu có thỏa thuận về tài sản riêng thì đó là căn cứ để xác định tài sản riêng của vợ chồng khi kết hôn.
2. Căn cứ để xác định tài sản riêng của vợ chồng có được trước khi kết hôn:
Để chứng minh tài sản riêng của vợ, chồng trước khi kết hôn, thông thường dựa vào các căn cứ sau:
– Những tài sản mà vợ, chồng tạo lập, xác lập, hình thành, phát triển trước khi đăng ký kết hôn;
– Những tài sản mà hai vợ, chồng tự thỏa thuận với nhau, tự phân chia từ tài sản chung trong quá trình hôn nhân. Pháp luật cũng quy định vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung, việc nhập hay không được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. Có những tài sản riêng đã được nhập vào tài sản chung, tuy nhiên trừ các trường hợp vợ chồng thỏa thuận khác như hoa lợi, lợi tức.
Theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: Trong thời kỳ hôn nhân tính từ ngày ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì vợ, chồng hoàn toàn có các quyền có tài sản riêng, tài sản mà một trong hai bên vợ, chồng có được trước khi phát sinh quan hệ hôn nhân hợp pháp như tài sản được thừa kế riêng từ bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em hoặc một trong hai bên vợ chồng được người khác tặng cho riêng, các loại tài sản được cho riêng vợ, chồng theo quy đinh của pháp luật; … Ngoài ra tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình còn liệt kê các loại tài sản riêng của vợ chồng như: Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ như là quyền tác giả và các quyền liên quan đến tài sản, … ; Tài sản mà vợ chồng được quyền sở hữu riêng theo quy định của Bản án, quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác; Các khoản tiền, hiện vật có được từ hoa lợi, lợi tức khai thác từ tài sản riêng của vợ chồng; Các khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi của người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Như vậy, những tài sản khi muốn được xác định là tài sản riêng thì vợ, chồng phải cung cấp được căn cứ chứng minh tài sản riêng thông qua các giấy tờ, tài liệu hợp pháp như có thể là hợp đồng tặng cho được công chứng/chứng thực, giấy đăng ký xe máy, xe ôtô của cơ quan nhà nước cấp cho chủ sở hữu hợp pháp, có các chứng từ về vấn đề phân chia và khai nhận phân chia di sản thừa kế hoặc các tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu phải có giấy tờ hợp pháp để chứng minh quyền sở hữu theo quy định và đối với các tài sản hình thành trước đó mà có căn cứ, giấy tờ chứng minh hoặc được bên còn lại thừa nhận là của riêng thì theo quy định những tài sản đó sẽ được coi là những tài sản riêng nếu các bên có nhu cầu phân chia tài sản hoặc các bên có phát sinh tranh chấp phân chia tài sản.
3. Cách thức chứng minh tài sản riêng của vợ, chồng trước khi kết hôn:
3.1. Về nguồn gốc của tài sản:
Xác định nguồn gốc tài sản để chứng minh được tài sản bắt nguồn từ đâu:
+ Tài sản mà vợ, chồng có được do được tặng cho riêng cá nhân hay là được thừa kế riêng;
+ Nếu tài sản đó được mua bằng tiền riêng thì phải chứng minh được nguồn tiền riêng của cá nhân có được trước khi kết hôn như được tặng cho hay từ sổ tiết kiệm cá nhân, …
+ Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tài sản riêng của người vợ, chồng như bản án, quyết định của Tòa án, …
3.2. Về thời điểm tạo lập tài sản:
Thời điểm tạo lập tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định được cá nhân có tài sản đó trước hay sau khi đăng ký kết hôn. Thông thường, theo nguyên tắc nếu tài sản có được trước khi đăng ký kết hôn và vợ, chồng không có thỏa thuận khác, mà người đó có căn cứ giấy tờ chứng minh có được trước khi kết hôn thì tài sản đó được coi là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng.
3.3. Thỏa thuận của vợ chồng:
Dù là tài sản riêng hay tài sản chung thì thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng vẫn là yếu tố quyết định quan trọng nhất để xác định tài sản riêng của vợ chồng. Cụ thể, đó là các thỏa thuận sau:
+ Thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (theo quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình);
+ Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn (theo quy định tài Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình);
+ Thỏa thuận về tài sản khác theo quy định.
Như vậy, nếu xác định được nguồn gốc, thời điểm mà có được tài sản riêng của một bên vợ, chồng trước khi kết hôn bằng các giấy tờ, tài liệu hợp pháp chứng minh nhưng nếu trước khi vợ, chồng đăng ký kết hôn có ký văn bản thỏa thuận tài sản chung hay riêng thì để xác định tài sản riêng phải dựa theo thỏa thuận đó để xác định.
4. Nếu không chứng minh được tài sản riêng vợ, chồng thì như thế nào?
Để xác định rõ ràng tài sản nào là tài sản chung hay riêng của vợ chồng hiện vẫn còn khó và phức tạp, mặc dù pháp luật đã quy định cách xác định tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng. Nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác về tài sản, cũng không có các tài liệu giấy tờ để chứng minh được tài sản mà vợ chồng có được khi kết hôn là tài sản riêng, nếu có tranh chấp xảy ra thì tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Theo đó, khi có nhu cầu hay tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung và xác định tài sản riêng thì tùy vào từng trường hợp cụ thể và bản thân vợ, chồng đang có những loại giấy tờ gì để xuất trình với cơ quan có thẩm quyền.