Pháp luật quy định có một số trường hợp nhất định khi thực hiện công chứng giao dịch, hợp đồng thì phải có người làm chứng. Vậy các trường hợp phải có người làm chứng khi công chứng là gì?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp phải có người làm chứng khi công chứng:
Khoản 2 Điều 47 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng quy định về người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, Điều này quy định trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, người yêu cầu công chứng không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong các trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Thêm nữa, theo nội dung của Công văn số 935/BTTP-CC năm 2017 có hướng dẫn về việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 47 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng, nội dung của Công văn như sau:
– Thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã nhận được phản ánh vướng mắc và đề nghị hướng dẫn của một số các địa phương liên quan đến việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật công chứng quy định: “Trường hợp người yêu cầu công chứng mà không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong các trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng”. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
– Quy định tại khoản 2 Điều 47 nêu trên được hiểu chính là: Chỉ cần một trong những điều kiện hoặc không đọc được hoặc là không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được hoặc trong các trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.
Như vậy, qua các quy định trên thì có thể khẳng định được rằng các trường hợp phải có người làm chứng khi công chứng bao gồm những trường hợp sau:
– Người yêu cầu công chứng không đọc được.
– Người yêu cầu công chứng không nghe được.
– Người yêu cầu công chứng không ký và không điểm chỉ được.
– Trong các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Điều kiện của người làm chứng khi thực hiện công chứng:
Căn cứ khoản 2 Điều 47 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng thì người làm chứng khi thực hiện công chứng phải có đầy đủ các điều kiện sau:
– Người làm chứng khi thực hiện công chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Người làm chứng khi thực hiện công chứng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Người làm chứng khi thực hiện công chứng phải là người không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.
Lưu ý rằng, người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu như người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người làm chứng khi thực hiện công chứng:
Điều 7 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong công chứng, cụ thể như sau:
– Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện những hành vi sau đây:
+ Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp mà đã được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc là pháp luật có các quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
+ Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, của giao dịch, nội dung bản dịch có vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, tham gia giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;
+ Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, có liên quan đến lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là những người sau:
++ Vợ hoặc chồng;
++ Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi;
++ Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng;
++ Con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể;
++ Ông, bà;
++ Anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng;
++ Cháu là con của con đẻ, con nuôi.
+ Từ chối yêu cầu công chứng mà không có các lý do chính đáng; sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
+ Nhận, đòi hỏi tiền hoặc những lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng mà ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận;
+ Nhận, đòi hỏi tiền hoặc những lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc để không thực hiện về việc công chứng gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức có liên quan;
+ Ép buộc người khác để sử dụng dịch vụ của mình;
+ Cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan khác để làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng;
+ Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hành vi mà trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong việc hành nghề công chứng;
+ Quảng cáo trên những phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình;
+ Tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ở ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;
+ Tổ chức hành nghề công chứng thực hiện những hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động đã đăng ký;
+ Công chứng viên đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc là kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác;
+ Công chứng viên tham gia việc quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng;
+ Công chứng viên thực hiện về hoạt động môi giới, đại lý;
+ Công chứng viên tham gia chia lợi nhuận trong hợp đồng, trong giao dịch mà mình nhận công chứng;
+ Vi phạm pháp luật, vi phạm các quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
– Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện những hành vi sau đây:
+ Giả mạo những người yêu cầu công chứng;
+ Người yêu cầu công chứng cung cấp các thông tin, tài liệu sai sự thật;
+ Người yêu cầu công chứng sử dụng các giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;
+ Người làm chứng, người phiên dịch có các hành vi gian dối, không trung thực;
+ Cản trở các hoạt động công chứng.
Như vậy, qua các quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong công chứng thì người làm chứng khi thực hiện công chứng không được có hành vi gian dối, không trung thực trong công chứng và cản trở các hoạt động công chứng.
4. Quy định về ký, điểm chỉ của người làm chứng khi thực hiện công chứng:
Điều 48 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, Điều này có quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:
– Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải thực hiện ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
– Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, của doanh nghiệp khác mà đã có đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì chính người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải thực hiện việc đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
– Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng và người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc do người đó không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng và người phiên dịch phải sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì những người này điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì những người này phải điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
– Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong những trường hợp sau đây:
+ Công chứng bản di chúc;
+ Theo đề nghị của chính người yêu cầu công chứng;
+ Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ các quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Như vậy, khi người làm chứng ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng mà mình có làm chứng thì người làm chứng phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người làm chứng không ký được do người này khuyết tật hoặc không biết ký. Khi người làm chứng sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì người làm chứng điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì người làm chứng điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng.