Các trường hợp ngừng việc? Trường hợp nào được trả lương? Quyền lợi của người lao động khi bị ngừng việc. Công ty có được giữ lương, nợ lương của người lao động hay không?
Trong trường hợp người lao động phải ngừng việc, doanh nghiệp cần phải xác định nguyên nhân của ngừng việc đó là do lỗi của bên nào (do chính doanh nghiệp, do người lao động hay do lý do khách quan khác) để xác định đến việc có trả lương ngừng việc hay không
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp ngừng việc
-Ngừng việc do lỗi của doanh nghiệp.
-Ngừng việc do lỗi của người lao động.
– Ngừng việc do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế.
2.Trường hợp ngừng việc nào được trả lương?
Căn cứ theo quy định điều 99 bộ luật lao động 2019 quy định:có 03 trường hợp người lao động phải ngừng việc, cách trả lương trong 03 trường hợp này được tính như sau:
2.1. Ngừng việc do lỗi của doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải trả đủ tiền lương cho người lao động. Tiền lương trả cho người lao động trong trường hợp này là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian.
2.2. Ngừng việc do lỗi của người lao động
Trường hợp này, doanh nghiệp không phải trả lương cho người lao động có lỗi đó, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
2.3. Ngừng việc vì sự cố về điện, nước
(mà không do lỗi của doanh nghiệp, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như: thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế)
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Tiền lương ngừng việc trong trường hợp này do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Ví dụ: A là công nhân cho doanh nghiệp B. Thời gian gần đây do biến động thị trường, hàng sản xuất ra tiêu thụ không được nên doanh nghiệp B cho A nghỉ 03 ngày/tuần.
Tình huống này rơi vào trường hợp 03 nêu trên, nguyên nhân làm cho A ngừng việc không phải do lỗi của bên nào. Bởi: doanh nghiệp B gặp khó khăn về vấn đề kinh tế (hàng sản xuất ra không tiêu thụ được) nên doanh nghiệp B mới cho A nghỉ 03 ngày /tuần.
Như vậy, tiền ngưng việc lúc này mà doanh nghiệp B phải trả cho A là do hai bên tự thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
3. Thời gian trả lương do ngừng việc
Theo quy định tại
“Điều 23. Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng.
Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng”.
Đồng thời, theo Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thi hành một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP cũng được quy định:
“Điều 5. Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng
Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng theo quy định tại Điều 23
Người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc.
2. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng”.
Thời hạn trả lương được xác định khác nhau tùy vào hình thức trả lương. Người lao động hưởng giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gôp một lần. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng 1 lần hoặc nửa tháng 1 lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào 1 thời điểm cố định trong tháng. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên, nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Thời hạn trả lương được ghi trong hợp đồng hoặc trong quy chế trả lương, quy chế tiền lương của người sử dụng lao động. Việc thực hiện đúng kỳ hạn trả lương có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động bởi nó gắn với kế hoạch chi tiêu tài chính của bản thân và gia đình người lao động và phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh thu chi tài chính, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người sử dụng lao động và của người lao động
Như vậy,thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng .Thời hạn trả lương tuỳ vào tính chất công việc và hình thức trả lương mà người sử dụng lao động đã lựa chọn.Người sử dụng lao động phải tôn trọng và trả lương cho người lao động đúng thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc theo đúng thời hạn người sử dụng lao động đã quy định phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Công ty có được giữ lương, nợ lương của người lao động hay không?
Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì:
“Điều 90. Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”
Bên cạnh đó, Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động trả lương cho người lao động bằng hình thức sau:
“1. Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
a) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
b) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
c) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
d) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.
Tiền lương theo sản phẩm được trả căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
Tiền lương khoán được trả căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.”
Đặc biệt tại Điều 96 “Bộ luật lao động 2019” có quy định rõ về nguyên tắc trả lương cho người lao động: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Nguyên tắc trả lương cho người lao động này được quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động theo đó:
“Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử trả dụng lao động phải thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:
a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”
Cụ thể:
– Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản:
Tiền trả thêm (ít nhất) | = | Số tiền trả chậm | x | Lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố |
Khi Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Căn cứ quy định nêu trên, có thể khẳng định, chỉ khi bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà doanh nghiệp đã tìm cách khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hẹn thì mới được nợ lương nhân viên và chỉ nợ trong vòng 01 tháng.
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn và được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc.
– Nếu do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì:
+ Không được trả chậm quá 01 tháng.
+ Người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:
Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.