Hoạt động định giá tài sản đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho các bên có liên quan hiểu rõ giá trị của tài sản, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong hoạt động giao dịch và đầu tư. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay, các trường hợp nào không được phép tham gia định giá tài sản?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp nào không được tham gia định giá tài sản?
Trước hết, định giá tài sản là khái niệm để chỉ hoạt động tư vấn, xác định các mức giá cụ thể cho từng loại tài sản nhất định làm căn cứ cho hoạt động trao đổi, giao dịch mua bán tài sản/hàng hóa/dịch vụ trên thị trường. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng được tham gia vào quá trình định giá tài sản. Có trường hợp pháp luật quy định không được phép tham gia vào quá trình định giá tài sản.
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (sửa đổi tại Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự), có quy định cụ thể về các trường hợp không được tham gia định giá tài sản. Theo đó, người thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ không được tham gia vào hoạt động định giá tài sản. Cụ thể bao gồm:
– Đồng thời là bị hại và đương sự trong vụ án, là người đại diện, người thân thích của bị hại/của đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
– Đã tham gia quá trình định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá;
– Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, tư cách là người làm chứng, tư cách là người giám định, tư cách là người phiên dịch hoặc người dịch thuật trong vụ án đó;
– Đã tiến hành thủ tục tố tụng trong vụ án;
– Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư khách quan trong khi thực hiện hoạt động định giá tài sản;
– Những đối tượng được xác định là người đang trong thời gian thi hành kỉ luật với hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo trở lên.
Theo đó thì có thể nói, người thuộc một trong những trường hợp nêu trên sẽ không được tham gia vào hoạt động định giá tài sản trong vụ án hình sự.
2. Chủ thể có thẩm quyền yêu cầu định giá tài sản trong vụ án hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 215 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về yêu cầu giám định tài sản. Cụ thể như sau:
– Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải ra văn bản yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Văn bản yêu cầu định giá tài sản cần phải có các nội dung cơ bản như sau:
+ Tên cơ quan yêu cầu định giá tài sản, họ tên của người có thẩm quyền yêu cầu định giá tài sản;
+ Tên của hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
+ Thông tin tài sản cần định giá, đặc điểm của tài sản cần định giá;
+ Tên của các loại tài liệu và giấy tờ có liên quan đến tài sản cần định giá;
+ Nội dung yêu cầu định giá tài sản;
+ Ngày tháng năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn cần phải chờ kết luận định giá tài sản.
– Trong khoảng thời gian 24h được tính kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu định giá tài sản cần phải giao văn bản hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản kèm theo các loại hồ sơ giấy tờ liên quan, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng giám định tài sản được yêu cầu, đồng thời cần phải gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện quyền công tố và kiểm soát quá trình điều tra;
– Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn đề dân sự trong các vụ án hình sự sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo đó thì có thể nói, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được xác định là chủ thể có thẩm quyền ra văn bản yêu cầu định giá tài sản khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự.
Đồng thời, Hội đồng định giá tài sản khi nhận được văn bản yêu cầu định giá tài sản cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (sửa đổi tại Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự), cụ thể bao gồm các nghiệp vụ sau:
– Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, tuân thủ trình tự và thủ tục định giá tài sản căn cứ theo quy định tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP, và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Thông báo kịp thời bằng văn bản cho các thành viên trong hội đồng định giá tài sản và nội dung định giá, thành phần, thời gian phiên họp, địa điểm phiên họp định giá tài sản;
– Thực hiện hoạt động định giá tài sản, trả kết quả định giá tài sản theo đúng thời hạn đã được yêu cầu. Trong trường hợp cần có thêm thời gian để tiến hành hoạt động định giá thì bắt buộc phải thông báo bằng văn bản, trong văn bản đó cần phải nêu rõ lý do chính đáng, gửi văn bản cho cơ quan yêu cầu định giá biết;
– Cần phải xác định trung thực và khách quan giá trị của các loại tài sản được yêu cầu định giá, đồng thời cần phải chịu trách nhiệm về kết luận định giá tài sản mà mình đưa ra;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp nào cần phải được tiến hành định giá lại tài sản?
Căn cứ theo quy định tại Điều 218 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề định giá lại tài sản. Theo đó:
– Trong trường hợp có sự nghi ngờ về kết quả định giá tài sản lần đầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Hoạt động định giá lại tài sản phải do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện;
– Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá tài sản lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Hoạt động định giá lại tài sản lần thứ hai cần phải do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực hiện. Kết luận định giá lại tài sản lần thứ hai sẽ được sử dụng để giải quyết vụ án.
Theo đó thì có thể nói, hoạt động định giá lại tài sản có thể được tiến hành trong các trường hợp sau:
– Khi có những nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu;
– Tồn tại những màu thuận giữa kết luận định giá tài sản lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá.
Đồng thời, đối với trường hợp định giá lại tài sản lần thứ hai thì cần phải đáp ứng được các điều kiện căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (sửa đổi tại Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự), thì mới được phép tiến hành trên thực tế.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 220 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trong những trường hợp đặc biệt, chủ thể có thẩm quyền đó là viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoàn toàn có thể ra quyết định về việc định giá lại tài sản khi có kết luận định giá lại lần thứ 02 của các Hội đồng định giá tài sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
– Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự;
– Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
THAM KHẢO THÊM: