Các trường hợp nào hộ kinh doanh bị đóng mã số thuế? Đây là vấn đề nhiều người kinh doanh hiện nay đang chưa nắm rõ nên các thủ tục, quy trình thực hiện không đúng với quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp nào hộ kinh doanh bị đóng mã số thuế?
Hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh được ưu chuộng và có rất nhiều ưu điểm hiện nay. Hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân làm chủ hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình thực hiện đăng kí thành lập và sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Đối với trường hợp cá nhân đăng kí hộ kinh doanh hoặc trường hợp người được các thành viên trong hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh (các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh) thì sẽ được coi là chủ hộ kinh doanh.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT thì mã số thuế của hộ kinh doanh chính là mã số hộ kinh doanh được tạo tự động từ Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và được in trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cùng với mã số đăng ký hộ kinh doanh.
Căn cứ Điều 39 Luật quản lý thuế quy định các trường hợp hộ kinh doanh bị đóng mã số thuế (hay chính là bị chấm dứt hiệu lực của mã số thuế) bao gồm:
– Chấm dứt hoạt động kinh doanh.
– Hộ kinh doanh bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương. Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận gồm:
+ Các nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh giả mạo.
+ Không thực hiện thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và Cơ quan thuế khi ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục.
+ Hộ kinh doanh kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật cấm.
+ Hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không có quyền thành lập hộ kinh doanh.
+ Hộ kinh doanh không tuân thủ quy định về việc nộp báo cáo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
+ Các trường hợp khác trên cơ sở quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Dựa vào các quy định trên, có thể thấy hộ kinh doanh sẽ bị đóng mã số thuế trong 02 trường hợp sau:
– Chấm dứt hoạt động kinh doanh.
– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
2. Hồ sơ, thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế của hộ kinh doanh:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
– Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế (theo mẫu số 24/ĐK-TCT).
– Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (bản sao – nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên, hộ kinh doanh nộp hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Thời hạn là trong vòng 10 ngày tính từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động kinh doanh.
– Nếu như hồ sơ đăng ký thuế điện tử thì người nộp thuế sẽ truy cập vào Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn để khai tờ khai và gửi kèm các hồ sơ theo quy định dưới dạng điện tử (nếu có), ký điện tử và gửi cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ:
– Trường hợp người nộp thuế nộp trực tiếp tại cơ quan thuế: khi nhận được hồ sơ, công chức thuế sẽ tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận vào hồ sơ. Sau đó ghi rõ ngày nhận hồ sơ, số lượng tài liệu theo bảng kê danh mục hồ sơ, viết phiếu hẹn ngày trả kết quả, thời hạn xử lý hồ sơ đã tiếp nhận.
– Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính: khi nhận được, công chức thuế đóng dấu tiếp nhận, ghi ngày nhận hồ sơ vào hồ sơ và ghi số văn thư của cơ quan thuế.
– Trường hợp hồ sơ gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: cán bộ sẽ tiếp nhận sau đó thực hiện kiểm tra, giải quyết hồ sơ thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan thuế.
Bước 4: Giải quyết:
– Cơ quan thuế quản lý trực tiếp ban hành thông báo về việc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để nộp hồ sơ giải thể hoặc chấm dứt hoạt động đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Cơ quan thuế quản lý khoản thu thực hiện:
+ Thực hiện phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để quyết toán nghĩa vụ của người nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý khoản thu, xử lý bù trừ nghĩa vụ thuế hoặc hoàn trả theo quy định của pháp luật.
+ Thực hiện thủ tục bù trừ hoặc hoàn trả kiêm bù trừ đối với các nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định.
+ Đối với người nộp thuể đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với khoản thu thuộc cơ quan quản lý thì thực hiện cập nhật thông tin của họ vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo ngày người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý khoản thu.
3. Nghĩa vụ của hộ kinh doanh phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế:
– Phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn nếu có sử dụng hóa đơn.
– Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế: hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định với cơ quan quản lý thuế.
– Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai: hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có).
4. Hộ kinh doanh đóng mã số thuế có khôi phục lại được không?
Căn cứ Điều 40 Luật quản lý thuế quy định người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh nếu được khôi phục tình trạng pháp lý thì sẽ được đồng thời khôi phục mã số thuế.
Như vậy, trường hợp hộ kinh doanh sau khi bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nếu được khôi phục lại thì đồng thời sẽ được khôi phục mã số thuế. Cụ thể:
– Có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương của cơ quan có thẩm quyền.
– Hộ kinh doanh có nhu cầu tiếp tục thực hiện đăng ký kinh doanh sau khi đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế chưa ban hành thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
– Có văn bản thông báo hộ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng chưa bị thu hồi giấy phép và chưa bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Và để khôi phục lại được mã số thuế sau khi bị chấm dứt hiệu lực, hộ kinh doanh làm hồ sơ gửi đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp gồm:
– Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế.
– Các giấy tờ khác có liên quan đến việc yêu cầu khôi phục lại mã số thuế.
Lưu ý: Khi hộ kinh doanh được khôi phục mã số thuế thì vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày quyết định khôi phục tình trạng pháp lý của cơ quan đăng ký kinh doanh có hiệu lực hoặc ngày cơ quan thuế thông báo khôi phục mã số thuế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế.
Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.