Những vụ việc không được hòa giải ở cơ sở mới nhất năm 2023. Thủ tục hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chào luật sư, tôi muốn hỏi các trường hợp không hòa giải tại cơ sở là trường hợp nào?
Luật sư tư vấn:
Với truyền thống coi trọng nghĩa tình của người dân Việt Nam, luôn mong muốn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải, cho thấy việc hòa giải tranh chấp giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội để xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Điều đó được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước khi đã xác định tăng cường giải quyết tranh chấp bằng hòa giải nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã được cụ thể hóa bằng nhiều loại hình hòa giải ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như hòa giải ở cơ sở, hòa giải thương mại, hòa giải lao động, hòa giải tranh chấp đất đai, hòa giải tại tòa án,…
Câu hỏi của bạn liên quan đến thủ tục hòa giải ở cơ sở được quy định tại Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, thay thế cho Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998).
Theo quy định tại Điều 2 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì hòa giải ở cơ sở được hiểu là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định. Trong đó cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác.
Hòa giải ở cơ sở không phải là thủ tục bắt buộc nhưng lại là hình thức hòa giải dễ mang đến hiệu quả nhất, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và giảm việc các bên kiện tụng tại tòa án.
Mục lục bài viết
1. Các tranh chấp được tiến hành hòa giải ở cơ sở:
Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
– Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
– Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
+ Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 157 của
+ Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 230 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
+ Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại
– Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
2. Thủ tục hòa giả ở cơ sở:
* Thẩm quyền hòa giải: Việc hòa giải được tiến hành thông qua hòa giải viên ở cơ sở. Trường hợp các bên ở các cơ sở khác nhau thì việc hòa giải do hòa giải viên ở hai cơ sở thực hiện theo sự phối hợp, phân công của tổ hòa giải.
Hòa giải viên là người được công nhận để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:
– Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
– Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
* Các bước tiến hành hòa giải:
Bước 1. Tiếp nhận căn cứ hòa giải
Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau:
– Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;
– Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;
-Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bước 2. Phân công hòa giải viên
Hòa giải viên trước hết do các bên lựa chọn, nếu các bên không lựa chọn thì tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải
Lưu ý:
– Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
– Trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải viên vi phạm nguyên tắc hoạt động hòa giải hoặc nghĩa vụ khác của hòa giải viên thì tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên khác thực hiện việc hòa giải.
Bước 3. Tiến hành phiên hòa giải
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.
– Địa điểm hòa giải: Nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.
– Thành phần tham gia phiên hòa giải: Hòa giải viên, các bên trong tranh chấp. Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.
– Phương thức hòa giải: Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.
Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.
Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.
Trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành.
Bước 4. Kết thúc hòa giải
Việc hòa giải kết thúc khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Các bên đạt được thỏa thuận.
– Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải.
– Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.
3. Những vụ việc không được hòa giải ở cơ sở:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP thì không hòa giải ở cơ sở đối với các trường hợp sau đây:
– Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
– Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP
– Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
+ Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;
+ Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.