Các bước thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án? Các trường hợp được miễn, giảm phí thi hành án dân sự? Cách tính thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự?
Sau khi ra quyết định, bản án thì Tòa án có trách nhiệm chuyển giao quyết định, bản án này kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan (nếu có) cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để thi hành án.
Mục lục bài viết
1. Các bước thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án:
Theo quy định tại Luật thi hành án dân sự, trình tự, thủ tục thi hành án dân sự được thực hiện ở cơ quan thi hành án như sau:
Bước 1: Ra quyết định thi hành án
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động hoặc khi có yêu cầu thi hành án thì ra quyết định thi hành án. Thời hạn ra quyết định thi hành án như sau:
Tối đa là 05 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được quyết định, bản án của Tòa án đối với phần bản án, quyết định sau: hình phạt tiền, truy thu tiền, án phí, lệ phí Tòa án, tài sản thu lợi bất chính; trả lại tiền hoặc tài sản cho đương sự; tịch thu vật chứng, tài sản (kể cả quyền sử dụng đất) để sung công quỹ hoặc tiêu hủy; thực hiện các khoản thu khác cho Nhà nước.
Ngay sau thời điểm ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tối đa là 03 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được quyết định về việc giải quyết phá sản của Tòa án.
Tối đa là 05 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự về việc thi hành án.
Bước 2: Gửi quyết định về thi hành án
Sau khi ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc. Đối với quyết định cưỡng chế thi hành án, ngoài Viện kiểm sát thì cơ quan thi hành án phải gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.
Bước 3: Thông báo về thi hành án
Cùng với việc gửi quyết định thi hành án cho Viện kiểm sát cùng cấp thì cơ quan thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ. Ngoài quyết định thì một số văn bản sau cũng phải thông báo: giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án.
Trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì việc thông báo này phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc. Cơ quan thi hành án có thể lựa chọn một trong các hình thức sau để thông báo:
+ Niêm yết công khai: thường được áp dụng khi người phải thi hành án không có nơi cư trú rõ ràng, cơ quan thi hành án sẽ gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng để thực hiện niêm yết.
+ Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng: thường được áp dụng khi cá nhân, tổ chức, cơ quan là đương sự có yêu cầu. Việc thông báo được thực hiện trên báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình được thành lập hợp pháp tại Việt Nam.
+ Gửi thông báo bằng văn bản: đây là hình thức thông báo được áp dụng nhiều nhất. Văn bản thông báo phải gửi trực tiếp cho cá nhân (phải có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận), cho cơ quan, tổ chức (phải có chữ ký nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản).
Bước 4: Xác minh điều kiện thi hành án
Việc xác minh điều kiện thi hành án được chia làm hai trường hợp như sau:
+ Nếu thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án:
Chấp hành viên phải thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
+ Nếu thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu:
Trong trường hợp đương sự mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp có thể nhưng vẫn không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của mình. Việc yêu cầu Chấp hành viên hỗ trợ xác minh điều kiện thi hành án cần được lập thành văn bản trong đó phải liệt kê tất cả biện pháp mà người có yêu cầu đã áp dụng mà không có kết quả và nộp kèm theo các tài liệu, chứng cứ.
Việc xác minh phải được thực hiện ngay nếu quyết định thi hành án dân sự là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, còn trong các trường hợp còn lại thì thời hạn xác minh là 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án. Việc các minh phải được lập thành biên bản trong đó phải nêu đầy đủ kết quả xác minh và có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh.
Bước 5: Thi hành án
Việc thi hành án sẽ được tiến hành trên cơ sở tự nguyện của người phải thi hành án, nếu hết thời hạn mà pháp luật quy định mà không tự nguyện thực hiện quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế thực hiện.
Theo Luật Thi hành án dân sự quy định, người phải thi hành án trong thời hạn 10 ngày được tự nguyện thực hiện quyết định thi hành án, thời hạn được tính bắt đầu từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo hợp lệ về quyết định thi hành án.
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án được tự nguyện thi hành quyết định thi hành án trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Nếu người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp để bảo đảm cho việc thi hành án (như: phong tỏa tài sản, tạm giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, hạn chế mọi giao dịch pháp lý liên quan đến tài sản). Khi áp dụng các biện pháp này, Chấp hành viên cần đưa ra quyết định bằng văn bản nêu rõ lý do và biện pháp áp dụng.
Khi hết thời gian tự nguyện thi hành án, tuy rằng người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng không thực hiện quyết định thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án. Hình thức thi hành án bằng biện pháp cưỡng chế còn có thể được Chấp hành viên áp dụng khi quyết định hay bản án của Tòa án có quy định.
Việc tổ chức cưỡng chế phải được thực hiện trong các ngày làm việc bình thường trong khoảng thời gian bắt đầu từ 06 giờ đến 22 giờ. Không được cưỡng chế thi hành án trong các ngày nghỉ, ngày lễ mà Chính phủ đã quy định; trong thời gian từ sau 22 giờ đến trước 06 giờ ngày kế tiếp của các ngày làm việc bình thường và có thể trong một số trường hợp đặc biệt mà luật định.
Bước 6: Thanh toán tiền thi hành án
Việc thanh toán tiền, tài sản khi người phải thi hành án tự nguyện thực hiện quyết định thi hành án hay bị đưa ra quyết cưỡng chế thi hành án đều được chi trả theo thứ tự ưu tiên như sau:
+ Đầu tiên là các chi phí thi hành án và tiền để người thi hành án giao nhà là nơi ở duy nhất (nếu bị cưỡng chế giao nhà mà Chấp hành viên nhận thấy số tiền còn lại sau khi thực hiện các nghĩa vụ thanh toán không đủ để người đó tìm kiếm nơi ở mới thì sẽ trích lại khoản tiền tương ứng với tiền thuê nhà trung bình trong 01 năm).
+ Sau khi đã trừ hai khoản trên thì số tiền thi hành án được chi trả cho tiền cấp dưỡng; tiền công lao động, tiền lương, các khoản trợ cấp theo quy định
Trong trường hợp quyết định thi hành án được thi hành cho nhiều người, trong cùng một hàng thứ tự ưu tiên thanh toán thì những người được thi hành án sẽ được thanh toán dựa trên tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án.
Trong trường hợp số tiền thi hành án thu được từ quyết định cưỡng chế – thi hành án bắt buộc thì việc thi hành án cho nhiều người được ưu tiên cho những người đã có yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Những người được thi hành án còn lại được thanh toán số tiền còn lại theo quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
Sau khi hoàn thành hết tất cả nghĩa vụ thanh toán tiền để thực hiện quyết định thi hành án thì số tiền còn lại từ việc thanh lý tài sản sẽ được trả cho người phải thi hành án.
Trong trường hợp giải quyết phá sản thì việc thanh toán tiền thực hiện quyết định thi hành án được thực hiện theo thứ tự quy định pháp luật về phá sản.
Trong trường hợp việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản theo quyết định, bản án áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì số tiền thu được sau khi trừ các chi phí về thi hành án được ưu tiên thanh toán cho các nghĩa vụ được bảo đảm.
Bước 7: Kết thúc thi hành án
Việc kết thúc thi hành án được diễn ra khi có một trong các quyết định sau: Quyết định của cơ quan thì hành án về việc trả đơn yêu cầu thi hành án; Quyết định của cơ quan thi hành án về việc đình chỉ thi hành án; Giấy tờ, tài liệu chứng minh đương sự đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình trong quyết định thi hành án.
Đương sự trong vụ việc hay vụ án dân sự có quyền yêu cầu cơ quan thì hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án trong vụ việc hay vụ án dân sự đó khi người phải thi hành án đã thực hiện xong quyết định thi hành án. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án cho đương sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, bắt đầu tính từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Các trường hợp được miễn, giảm phí thi hành án dân sự:
Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau:
– Giảm 80% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Miễn phí thi hành án đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Miễn phí thi hành án đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử (như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ…).
– Để được miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án theo mẫu 1 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau kéo dài).
Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) được nộp cho cơ quan thu phí. Thủ trưởng cơ quan thu phí nơi nhận đơn xem xét, ra quyết định việc miễn hoặc giảm phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.
– Trường hợp người làm đơn không được miễn hoặc giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lý do về việc không được miễn hoặc giảm phí thi hành án. Thời gian xem xét việc miễn hoặc giảm phí thi hành án không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án.
3. Cách tính thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự:
Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Đương sự có quyền yêu cầu thi hành án trong thời hiệu yêu cầu thi hành án quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
b) Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2014, nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh gồm:
a) Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp quy định tại các Điểm b, c, d, đ và e Khoản này;
b) Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có;
c) Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó;
d) Đối với trường hợp do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra bản án, quyết định, cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
đ) Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa đối với tổ chức phải thi hành án thì phải có xác nhận của cơ quan ra quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa.
e) Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án.
Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2014 và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có.
Trường hợp không còn quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án xác nhận về việc đã trả đơn và thụ lý giải quyết việc thi hành án.
Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận.
Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước, sau khi khấu trừ tiền, tài sản mà họ phải thi hành theo quyết định thi hành án khác, nếu có.