Công tác quản lý dân cư là hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo vấn đề an ninh trật tự an toàn xã hội. Công tác quản lý dân cư được thể hiện thông qua việc đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú/tạm vắng. Vậy các trường hợp nào đi khỏi nơi cư trú cần phải khai báo tạm vắng?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp đi khỏi nơi cư trú phải khai báo tạm vắng:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Luật cư trú năm 2020 có quy định về khái niệm tạm vắng. Theo đó, tạm vắng là việc công dân vắng mặt tại nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định. Trong đó, nơi cư trú bao gồm các địa điểm cơ bản sau đây:
– Nơi thường trú của công dân. Nơi thường trú được xem là nơi công dân đó sinh sống ổn định lâu dài và công dân đã thực hiện thủ tục đăng ký thường trú;
– Nơi tạm trú của công dân. Nơi tạm trú được xem là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định sau khi rời khỏi nơi thường trú và đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú;
– Nơi ở hiện tại của công dân. Nơi ở hiện tại được xem là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đó đang thường xuyên sinh sống. Trong trường hợp công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú sẽ được xác định là nơi ở hiện tại mà công dân đó đang thực tế sinh sống.
Đồng thời, pháp luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm khai báo tạm vắng của công dân. Căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Luật cư trú năm 2020 có quy định về khai báo tạm vắng. Theo đó, trong trường hợp công dân đi khỏi nơi cư trú, công dân cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ khai báo tạm vắng trong những trường hợp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, công dân đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi mà công dân đó đang cư trú trong khoảng thời gian từ 01 ngày trở lên đối với các đối tượng được xác định là bị can/bị cáo đang được tại ngoại, những đối tượng được xác định là người bị kết án tuy nhiên chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án tuy nhiên đang được tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án. Những đối tượng được xác định là người bị kết án phạt tù theo bản án có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền tuy nhiên được hưởng án treo đang trong thời gian thực hiện thử thách. Những đối tượng được xác định là người đang phải chấp hành án phạt dưới hình thức quản chế tại địa phương, cải tạo không gian giữ. Những đối tượng được xác định là người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thực hiện thử thách.
Thứ hai, công dân đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi họ đang cư trú trong thời gian từ 01 ngày trở lên đối với những người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã/phường, những đối tượng được xác định là người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc tuy nhiên đang được hoãn chấp hành án hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành. Những đối tượng được xác định là người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào các trường giáo dưỡng bắt buộc.
Thứ ba, trường học công dân đi khỏi phạm vi địa giới hành chính cấp huyện nơi công dân đó đang cư trú trong khoảng thời gian từ 03 tháng liên tục đối với những đối tượng đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc những đối tượng được xác định là người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với nhà nước theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, công dân đi khỏi đơn vị địa giới hành chính cấp xã nơi họ đang thường trú trong khoảng thời gian từ 12 tháng liên tục trở lên đối với những người không thuộc các trường hợp nêu trên, ngoại trừ trường hợp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã thực hiện thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.
Theo đó thì có thể nói, pháp luật hiện nay quy định 04 trường hợp công dân đi khỏi nơi cư trú bắt buộc phải khai báo tạm vắng. Nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên nhưng không thực hiện nghĩa vụ khai báo tạm vắng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Đi khỏi nơi cư trú có thể khai báo tạm vắng bằng những hình thức nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Thông tư 55/2021/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, có quy định cụ thể về hoạt động khai báo tạm vắng. Cụ thể như sau:
Việc khai báo tạm vắng sẽ được thực hiện thông qua những hình thức cơ bản sau đây:
+ Công dân có thể khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú hoặc tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng do cơ quan đăng ký cư trú quy định cụ thể;
+ Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo vật niêm yết cụ thể;
+ Trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú hoặc khai báo tạm vắng thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của Bộ công an, công dịch vụ công quản lý cư trú;
+ Khai báo tạm vắng trên ứng dụng thiết bị điện tử.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, cơ quan đăng ký cư trú cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thông báo hoặc niêm yết công khai địa điểm, số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, địa chỉ trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của Bộ công an, cổng dịch vụ công quản lý cư trú, tên ứng dụng trên các thiết bị điện tử tiếp nhận khai báo tạm vắng, để công dân có thể dễ dàng nắm bắt, tiếp cận và lựa chọn hình thức khai báo tạm vắng sao cho phù hợp.
3. Đi khỏi nơi cư trú nhưng không khai báo tạm vắng bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề đăng ký và quản lý cư trú. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật sau đây:
+ Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin liên quan đến cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
+ Có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng;
+ Có hành vi không xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, các loại giấy tờ và tài liệu khác có liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó thì có thể nói, trong trường hợp cá nhân không thực hiện đúng quy định của pháp luật về khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú thì có thể sẽ bị phạt tiền với mức tối đa là 1.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú 2020;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Thông tư 55/2021/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú;
– Thông tư 66/2023/TT-BCA của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư 57/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình đăng ký cư trú.
THAM KHẢO THÊM: