Việt Nam chính thức bị thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược năm 1858. Trong thời gian xâm lược, thực dân Pháp đã xác lập các quy chế chính trị-pháp lý, dần dần hoàn chỉnh và củng cố chính quyền thực dân phong kiến cùng các phương tiện cai trị hữu hiệu.
Mục lục bài viết
1. Quy chế chính trị của Pháp ở Việt Nam thời kì Pháp thuộc:
1.1. Khái niệm quy chế chính trị:
Theo định nghĩa từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do NXB Đà Nẵng phát hành năm 2007 thì “quy chế là những điều đã được quy định thành chế độ để mọi người theo đó mà thực hiện trong những hoạt động nhất định nào đó.”
Như vậy, quy chế chính trị là những điều đã được quy định thành chế độ về chính sách cai trị của giai cấp thống trị, theo đó, giai cấp bị thống trị buộc phải thực hiện theo. Thực dân Pháp đã thực hiện nhiều quy chế chính trị khác nhau đối với các nước thuộc địa: quy chế bảo hộ, quy chế nửa bảo hộ, quy chế lãnh đại thuế, quy chế thuộc địa.
1.2. Các quy chế chính trị của Pháp ở Việt Nam:
Sau khi đánh chiếm Bắc kỳ và Trung kỳ, kể từ hiệp ước 1883 và Hiệp ước 1884, Pháp chuyển hai xứ này trực thuộc Bộ chiến tranh Pháp, sau đó sang Bộ ngoại giao, trong khi Nam kỳ vẫn trực thuộc Bộ hải quân và thuộc địa. Sự thiếu thống nhất này đã gây ra cho Pháp không ít khó khăn. Trước tình hình đó và để tăng cường, ổn định nền thống trị, đẩy mạnh khai thác thuộc địa, Pháp đã tiến hành hoàn chỉnh và củng cố một bước mới chính quyền thuộc địa.
Ngày 17/10/1887, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập “Liên bang Đông Dương” thuộc Pháp. Có thể nói, Sắc lệnh thành lập này cùng với một số sắc lệnh được ban hành sau đó quy định về Toàn quyền Đông Dương là những văn bản có tính lập pháp, tạo ra cơ sở pháp lý cơ bản để hoàn thiện và củng cố chính quyền thuộc địa ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Về quy chế chính trị, toàn liên bang Đông Dương là đất thuộc địa của Pháp, là lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp. Trong đó, Việt Nam được chia ra làm ba xứ với những quy chế chính trị pháp lý tương ứng:
– Bắc kỳ (từ Ninh Bình ra Bắc): Quy chế “nửa bảo hộ” (trừ hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng được hưởng quy chế đất “thuộc địa”).
– Trung kỳ (từ Thanh Hóa vào tới Bình Thuận): Quy chế “bảo hộ” (trừ thành phố Đà Nẵng hưởng quy chế “thuộc địa”).
– Nam kỳ: Quy chế “thuộc địa”.
Dù là quy chế chính trị khác nhau nhưng thực chất đều thuộc địa. Ba xứ ở Việt Nam thường được người Pháp gọi chung bằng một địa danh “An Nam thuộc Pháp”. Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ hưởng các quy chế chính trị khác nhau, nên có những hình thức tổ chức chính quyền và các quy chế pháp lý khác nhau.
2. Quy chế pháp lý của Pháp ở Việt Nam thời kì Pháp thuộc:
2.1. Khái niệm quy chế pháp lý:
Quy chế pháp lý là những quy định về pháp luật do giai cấp thống trị áp trị đề ra và áp đặt nhằm tạo ra một phương tiện cai trị hữu hiệu.
2.2. Các quy chế pháp lý của Pháp ở Việt Nam:
Do có hai nguồn luật , ba quy chế chính trị, nên có nhiều loại quy chế pháp lý.
Nếu xét theo vùng, ở ba xứ có ba quy chế chính trị khác nhau, nên mỗi xứ có một quy chế pháp lý:
– Nam kỳ (cùng ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) là đất thuộc địa, nên khi xét xử,
Về việc hộ, có Bộ dân luật giản yếu áp dụng cho người Việt Nam. Đối với người Pháp và những người ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp (Âu, Mỹ, Nhật, Trung Hoa) thì tòa áp dụng Bộ dân luật Pháp.
Về hình, tòa áp dụng Bộ hình luật tu chính nếu phạm nhân là người Việt Nam, Bộ luật hình của nước Pháp nếu phạm nhân là người Pháp và những ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp.
Về tố tụng, Tòa đều áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự hoặc Bộ luật tố tụng hình sự của nước Pháp;
– Ở Trung kỳ (trừ thành phố Đà Nẵng) là đất bảo hộ, nên khi xét xử, Tòa án Nam triều sẽ áp dụng luật pháp Nam triều đã được ban bố thi hành ở đây: Bộ trung kỳ pháp viện biên chế, Bộ dân luật Trung kỳ, Bộ dân sự, thương sự tố tụng Trung kỳ, Bộ hình luật Trung kỳ, Bộ luật tố tụng hình sự Trung kỳ;
– Ở Bắc kỳ (trừ hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng) là đất nửa bảo hộ nửa thuộc địa, nên tại các tòa án Nam triều ở đây cũng áp dụng luật pháp Nam triều đã được ban bố thi hành ở Bắc kỳ: Bộ Bắc kỳ pháp viện biên chế, Bộ dân luật Bắc kỳ, Bộ dân sự, thương sự tố tụng Bắc kỳ, Bộ hình luật Bắc kỳ, Bộ hình sự tố tụng Bắc kỳ.
Nếu xét về đối tượng của sự áp dụng pháp luật, thì có hai quy chế pháp lý áp dụng cho hai loại người:
Một là, người Pháp và những ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp, người Việt Nam sinh ra ở vùng đất thuộc địa, tất cả loại người này, dù đang sống ở đâu trên đất nước Việt Nam, đều được xét xử tại tòa án Pháp và được áp dụng pháp luật của Pháp;
Hai là, người Việt Nam là thần dân của hoàng đế Đại Nam, những ngoại kiều không được hưởng biệt đãi như người Pháp, đều được xử tại tòa án Nam triều và được áp dụng luật pháp của Nam triều.
Pháp luật thời Pháp thuộc, dù về hình thức có hai hệ thống, có nhiều quy chế pháp lý khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một, đó là một nền pháp luật thuộc chế độ thuộc địa.
3. Tác động của quy chế chính trị – pháp lý của thực dân Pháp đối với Việt Nam:
Gần một thế kỷ, bằng việc thực hiện các quy chê chính trị – pháp lý trên đất nước Việt Nam, thực dân pháp đã biến Việt Nam (cả trên thực tế và tư cách pháp lý) đã trở thành một bộ phận chính quyền thuộc địa của chính quốc. Chính quyền và pháp luật ở Việt Nam thời Pháp thuộc là công cụ chính trị chủ yếu mà thông qua đó, thực dân pháp duy trì chế độ thuộc địa – nửa phong kiến, bảo vệ quyền lợi của chính quốc và tập đoàn phong kiến bản xứ.
Bằng việc xác lập quy chế chính trị ở Việt Nam, thực dân pháp đã chia nước ta làm ba kỳ, thực hiện chia để trị hòng xóa bỏ sức mạnh thống nhất và đoàn kết đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Triều Nguyễn không còn là một nhà nước phong kiến tự chủ mà đã dần mất hết quyền lực, trở thành chình quyền bù nhìn tay sai của thực dân Pháp.
Bên cạnh việc tác động tiêu cực thì quy chế chính trị – pháp lý của thực dân Pháp cũng có những tác động tích cực. Trong pháp luật, ở mức độ hạn chế, triều Nguyễn đã tiếp thu được một số tư tưởng chính trị – pháp lý tư sản phương Tây. Việc ban hành các bộ luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, các nhà làm luật đã bắt đầu phân chia luật pháp thành các ngành luật. Trong các bộ luật đã thể hiện một số yếu tố tiến bộ của luật pháp phương Tây, về kỹ thuật lập pháp, khái niệm pháp lý, hình thức pháp luật,… Tuy vậy, sự tiếp thu vẫn còn ở một mức độ hạn chế, các thiết chế chính trị – pháp lý cơ bản của nền dân chủ tư sản không hề được áp dụng.
Thời kì thuộc Pháp, Pháp đã thực hiện nhiều quy chế chính trị – pháp lý khác nhau để tiến hành cai trị Việt Nam. Những quy chế này có tác động lớn đến chính trị và pháp lý Việt Nam thời bấy giờ.Trong suốt thời kì Pháp thuộc, dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh, để giành lại độc lập dân tộc. Cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ chủ tịch, nhân dân ta đã đánh đổ chế độ thuộc địa và xây dựng một xã hội mới.