Mỗi loài động vật sẽ có những điều kiện môi trường sinh trưởng là khác nhau, tuy nhiên cũng sẽ có những yếu tố nhất định quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại động vật. Cùng bài viết này tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của động vật nhé.
Mục lục bài viết
1. Sinh trưởng và phát triển ở động vật là gì?
– Sinh trưởng của cơ thể động vật là quá trình gia tăng khối lượng và kích thước của cơ thể do tăng số lượng và kích thước tế bào.
– Phát triển của cơ thể động vật là quá trình biến đổi bao gồm sinh trưởng, phân hoá tế bào và phát sinh hình thái các cơ quan và cơ thể.
– Dựa vào đặc điểm sinh trưởng và phát triển ở động vật người ta chia thành các kiểu phát triển ở động vật như sau:
+ Phát triển không qua biến thái:
Biến thái là sự thay đổi đột ngột về hình thái, cấu tạo và sinh lí của động vật sau khi sinh ra hoặc nở từ trứng ra.
Phát triển của động vật không qua biến thái là kiểu phát triển mà con non có các đặc điểm hình thái, cấu tạo và sinh lí tương tự con trưởng thành.
Đa số động vật có xương sống (bò sát, chim, thú) và rất nhiều loài động vật không xương sống phát triển không qua biến thái, ví dụ như gà, chó, mèo, trâu, bò…
+ Phát triển qua biến thái hoàn toàn:
Phát triển của động vật qua biến thái hoàn toàn là kiểu phát triển mà ấu trùng có hình dạng, cấu tạo và sinh lí rất khác với con trưởng thành, trải qua giai đoạn trung gian, ấu trùng biến đổi thành con trưởng thành.
Có ở đa số loài côn trùng (bướm, ruồi, ong…) và lưỡng cư… như ong, muỗi, ếch…
+ Phát triển qua biến thái không hoàn toàn:
Phát triển ở động vật qua biến thái không hoàn toàn là kiểu phát triển mà ấu trùng phát triển chưa hoàn thiện (gần giống với con trưởng thành), trải qua nhiều lần lột xác ấu trùng biến đổi thành con trưởng thành
Có ở một số loài côn trùng như: châu chấu, ve sầu, cào cào, gián…
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật:
2.1. Các nhân tố bên trong:
Các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật gồm có:
– Yếu tố di truyền: hệ gen chi phối đến tuổi thọ, tốc độ, giới hạn, thời gian sinh trưởng và phát triển của loài động vật đó.
– Giới tính: ở mỗi thời kì phát triển quá trình sinh trưởng và phát triển của giới đực và giới cái không giống nhau.
– Hoocmôn sinh trưởng phát triển:
+ Ở động vật có xương sống, có 4 loại hoocmôn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển, đó là :
Hoocmôn sinh trưởng (GH) do tuyến yên tiết ra, có tác dụng chính là kích thích phân chia tế bào làm tăng kích thước tế bào và kích thích sự tế bào qua quá trình tăng tổng hợp protein, kích thích phát triển của xương.
Hoocmôn tirôxin do tuyến giáp tiết ra, có tác dụng điều hoà quá trình chuyển hoá vật chất, kích thích sự sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể. Riêng đối với lưỡng cư, tirôxin là nhân tố chủ đạo trong quá trình biến thái từ nòng nọc thành con trưởng thành (ví dụ: ếch)
Hoocmôn ơstrôgen (ở nữ) và hoocmôn testostêrôn (ở nam) do tuyến sinh dục tiết ra, Ơstrogen được sản xuất tại buồng trứng, Testosteron được sản xuất ở tinh hoàn có tác dụng chính là kích thích sự sinh trưởng và phát triển mạnh trong giai đoạn dậy thì do tăng quá trình phát triển xương và kích thích phân hoá tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục phụ thứ cấp, đồng thời tăng tổng hợp protein và phát triển cơ bắp.
+ Ở động vật không xương sống, có 2 loại hoocmôn chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển, đó là :
Ecđixơn do tuyến trước ngực tiết ra, có tác dụng kích thích lột xác ở sâu bướm, kích thích sâu biến đổi thành nhộng và bướm.
Juvenin do thể allata tiết ra, có khả năng phối hợp với ecđixơn gây lột xác ở sâu bướm và gây ức chế sâu biến đổi thành nhộng và bướm.
2.2. Các nhân tố bên ngoài:
Có nhiều nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật và người. Điển hình là thức ăn, nhiệt độ, ánh sáng,… Trong số đó, thức ăn là nhân tố chi phối mạnh mẽ nhất.
– Thức ăn: Thức ăn là yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật, nếu thiếu protein thì động vật sẽ rơi vào trạng thái gầy yếu và chậm lớn, dễ mặc bệnh, thiếu vitamin thì sẽ gây ra bệnh còi xương chậm lớn. Trường hợp ăn quá nhiều thì có thể sẽ rơi vào trạng thái béo phì.
– Nhiệt độ: Mỗi loài động vật khác nhau sẽ sinh trưởng và phát triển ở mức nhiệt độ môi trường khác nhau, nếu quá cao hoặc quá thấp thì đều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Theo đó, do sự thích nghi với nhiệt độ, người ta còn chia động vật thành 2 nhóm:
+ Động vật biến nhiệt: là loại động vật có thân nhiệt phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nên thường chịu tác động mạnh mẽ khi nhiệt độ môi trường đột biến mạnh.
+ Động vật đẳng nhiệt (động vật hằng nhiệt): Là loại động vật có thân nhiệt ổn định ít phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường sống. Ví dụ như con người là động vật đẳng nhiệt với thân nhiệt trung bình là 36,5-37 độ C không thay đổi dù nhiệt độ môi trường có nóng lên hay lạnh hơn.
– Ánh sáng: Ánh sáng cung cấp vitamin D, ảnh hưởng đến nhiệt độ rồi qua đó tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển.
Hiện nay trên thực tế, một số tác nhân có ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển ở động vật như ma tuý, rượu và thuốc lá… Những nhân tố này có thể làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của phôi thai người và gây nên dị tật ở trẻ sơ sinh.
3. Một số biện pháp điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật:
Như vậy, dựa vào sự tác động của các nhân tố trên, chúng ta có thể xây dựng các biện pháp có thể điều khiển sinh trưởng ở người và động vật như cải tạo giống, cải thiện nguồn thức ăn và môi trường sống của động vật cũng như nâng cao chất lượng dân số thông qua việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao, tư vấn di truyền, chống lạm dụng các chất kích thích….
Cải tạo giống:
Cải tạo giống được coi là biện pháp hữu hiệu và được sử dụng nhiều nhất hiện nay, bằng biện pháp lai giống, chọn lọc nhân tạo…để tạo ra các loại giống vật nuôi cho năng suất cao và thích nghi được với điều kiện ở từng vùng khác nhau.
– Chọn lọc nhân tạo: Nhằm tạo ra những giống vật nuôi cho năng suất cao nhất, trong thời gian ngắn nhất.
– Lai giống: Lai giữa giống địa phương và các giống nhập ngoại để tạo ra các giống vừa có năng suất cao, vừa thích nghi tốt điều kiện môi trường địa phương
Cải thiện môi trường sống của động vật:
Việc cải thiện môi trường sống của động vật nhằm mục đích: làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.
Một số biện pháp cải thiện môi trường sống của động vật như:
– Có các chế độ ăn thích hợp với động vật nuôi trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau (khi mang thai, con non, …)
– Chuẩn bị chuồng trại ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, tắm cho động vật để động vật không mắc bệnh và không tốn năng lượng cho điều hòa thân nhiệt khi trời nóng.
– Tiêm phòng các bệnh thường gặp cho vật nuôi.
Cải thiện chất lượng dân số:
– Thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
– Nâng cao đời sống, cải thiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao, ..
– Tư vấn di truyền, phát hiện sớm các đột biến trong phát triển phôi thai.
– Bảo vệ môi trường, hạn chế làm ô nhiễm môi trường.
– Chống lạm dụng các chất kích thích, ma túy, rượu bia, thuốc lá,…
4. Bài tập luyện tập:
Câu 1. Testosterone được sinh sản ra ở cơ quan nào sau đây?
- Tuyến giáp.
- Tuyến yên.
- Tinh hoàn.
- Buồng trứng.
Đáp án: C
Hướng dẫn giải: Testosterone được sinh sản ra ở tinh hoàn.
Câu 2. Nếu tuyến yên sản sinh ra quá ít hoocmôn sinh trưởng ở giai đoạn trẻ em sẽ dẫn đến hậu quả gì sau đây?
- Chậm lớn hoặc ngừng lớn, trí tuệ kém.
- Người bé nhỏ.
- Các đặc điểm sinh dục phụ nữ kém phát triển.
- Các đặc điểm sinh dục nam kém phát triển.
Đáp án: B
Hướng dẫn giải: Nếu tuyến yên sản sinh ra quá ít hoocmôn sinh trưởng ở giai đoạn trẻ em sẽ dẫn đến cơ thể bé nhỏ.
Câu 3. Hoocmôn sinh trưởng (GH) được sinh sản ra ở
- tuyến giáp.
- buồng trứng.
- tuyến yên.
- tinh hoàn.
Đáp án: C
Hướng dẫn giải: Hoocmôn sinh trưởng (GH) được sinh sản ra ở tuyến yên.
Câu 4. Các hoocmôn chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật có xương sống là
- hoocmôn sinh trưởng và ơstrogen.
- hoocmôn sinh trưởng và testosterone.
- testosterone và tirôxin.
- hoocmôn sinh trưởng, tirôxin, testosterone và ơstrogen.
Đáp án: D
Hướng dẫn giải: Các hoocmôn chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật có xương sống là hoocmôn sinh trưởng, tirôxin, testosterone và ơstrogen
Câu 5. Khi trời rét, động vật biến nhiệt phát triển chậm vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa trong cơ thể
- giảm dẫn tới hạn chế tiêu thụ năng lượng.
- mạnh hơn tạo nhiều năng lượng để chống rét.
- giảm, sinh sản tăng.
- tăng, sinh sản giảm.
Đáp án: A
Hướng dẫn giải: Khi trời rét, động vật biến nhiệt phát triển chậm vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa trong cơ thể giảm dẫn tới hạn chế tiêu thụ năng lượng.
Câu 6. Sự sinh trưởng và phát triển của động vật hằng nhiệt khi đến mùa rét bị ảnh hưởng vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa
- và sinh sản giảm.
- trong cơ thể giảm, sinh sản giảm.
- trong cơ thể giảm dẫn tới hạn chế tiêu thụ năng lượng.
- trong cơ thể tăng tạo nhiều năng lượng để chống rét.
Đáp án: D
Hướng dẫn giải: Sự sinh trưởng và phát triển của động vật hằng nhiệt khi đến mùa rét bị ảnh hưởng vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa trong cơ thể tăng tạo nhiều năng lượng để chống rét.
Câu 7. Tirôxin được sản sinh ra ở
- tuyến giáp.
- tuyến yên.
- tinh hoàn.
- buồng trứng.
Đáp án: A
Hướng dẫn giải: Tirôxin được sản sinh ra ở tuyến giáp.
Câu 8. Nhân tố nào sau đây ảnh hưởng mạnh nhất đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật?
- Thức ăn.
- Nhiệt độ.
- Ánh sáng.
- Ôxi.
Đáp án: A
Hướng dẫn giải: Nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật là thức ăn.
Câu 9. Hoocmôn ecđixơn có tác dụng
- gây ức chế sự lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
- gây ức chế sự lột xác của sâu bướm, kìm hãm sâu biến thành nhộng và bướm.
- gây lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
- gây lột xác của sâu bướm, ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.
Đáp án: C
Hướng dẫn giải: Hoocmôn ecđixơn có tác dụng gây lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
Câu 10. Hooc môn juvenin có tác dụng
- gây lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
- gây lột xác của sâu bướm, ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.
- ức chế sự lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
- ức chế sự lột xác của sâu bướm, kìm hãm sâu biến thành nhộng và bướm.
Đáp án: C
Hướng dẫn giải: Hoocmôn juvenin có tác dụng gây lột xác của sâu bướm, ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.