Các nguyên tắc tuyển dụng viên chức theo Luật Viên chức?
Tuyển dụng viên chức là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh dự tuyển, là việc tuyển chọn người xứng đáng nhất cho công việc, vị trí cần tuyển. Do đó, việc đặt ra các nguyên tắc tuyển dụng được coi là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình tuyển dụng viên chức nhằm mục đích bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ ở các đơn vị tuyển dụng viên chức. Vậy các nguyên tắc tuyển dụng viên chức được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Các nguyên tắc tuyển dụng viên chức theo
Luật sư
– Cơ sở pháp lý:
+ Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
1. Các nguyên tắc tuyển dụng viên chức theo Luật Viên chức
– Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, nguyên tắc tuyển dụng viên chức được quy định Điều 21 Luật Viên chức bao gồm 5 nguyên tắc, đó là:
(1) Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
(2) Bảo đảm tính cạnh tranh.
(3) Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
(4) Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
(5) Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.
– Thứ nhất, nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
Trong hoạt động tuyển dụng viên chức, công khai nghĩa là mọi hoạt động trong quá trình tuyển dụng viên chức đều phải được công bố hoặc phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho mọi người có thể tiếp cận được một cách dễ dàng. Bởi lẽ đó mà để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tuyển dụng viên chức thì đòi hỏi tất cả các khâu trong quá trình tuyển dụng từ việc xây dựng nhu cầu, kế hoạch tuyển dụng, thông báo tuyển dụng đến tổ chức ôn thi, tổ chức thi/xét tuyển, thông báo kết quả tuyển dụng. Đây là những quy định đảm bảo quyền được thông tin của cá nhân theo quy định của Hiến pháp, là cơ sở quan trọng nhằm thực hiện, cụ thể hóa nguyên tắc công khai, minh bạch trong tuyển dụng viên chức.
Bản chất khách quan của việc tuyển dụng viên chức là tìm được những người phù hợp với công việc, với mong muốn, nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập, chống tiêu cực trong tuyển dụng. Bảo đảm công bằng là tất cả các công dân đều có thể nhận được việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập nếu họ đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của luật pháp và yêu cầu cụ thể của vị trí công việc cần tuyển dụng. Cho đến nay, pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn chưa có giải thích cặn kẽ như thế nào được coi là tuyển dụng công bằng, khách quan, Giả sử cùng ứng tuyển vào một vị trí việc làm nhưng đối tượng đăng ký dự tuyển có thể ở các trình độ khác nhau: cao đẳng, đại học hoặc cùng ở trình độ tương đương nhưng hệ đào tạo là chính quy hoặc tại chức thì việc đơn vị sự nghiệp công lập chỉ tuyển dụng trình độ đại học hệ chính quy và chỉ tuyển dụng giới tính nam có được coi là công bằng hay không?
– Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh
Để bảo đảm tính cạnh tranh trong tuyển dụng viên chức thì số lượng người đăng ký dự tuyển cần phải nhiều hơn so với số lượng viên chức cần được tuyển dụng. Do đó các quy định của pháp luật càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì càng tuyển chọn được đúng người bấy nhiêu. Bảo đảm tính cạnh tranh trong tuyển dụng không những lựa chọn được đúng đối tượng cần tuyển mà còn giúp nâng cao uy tín, vị thế của đơn vị sự nghiệp công lập. Trên thực tế không phải lúc nào số lượng người đăng ký dự tuyển cũng nhiều hơn so với số lượng viên chức cần được tuyển dụng (nhất là đối với các vị trí việc làm có thu nhập thấp hoặc ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn). Muốn bảo đảm tính cạnh tranh cao thì các quy định về cách tính điểm và xác định người trúng tuyển, các quy định về ưu tiên cũng phải rõ ràng, thể hiện tính công bằng.
– Thứ ba, nguyên tắc tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm
Tuyển chọn đúng người giúp các đơn vị sự nghiệp công lập giảm bớt chi phí tuyển dụng, đào tạo lại đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn Để tuân thủ nguyên tắc tuyển chọn đúng người thì việc tuyển dụng viên chức phải được thực hiện một cách khách quan, khoa học trên cơ sở hệ thống tiêu chí, quy trình đánh giá về phẩm chất, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển phù hợp với các yêu cầu của mỗi vị trí việc làm. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong thời gian tới trong tương lai
– Thứ tư, nguyên tắc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Để cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chín là nhấn mạnh đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý của họ trong đơn vị, cụ thể hóa công việc họ đảm nhận, từ lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát đến đánh giá chất lượng công việc của nhân viên cấp dưới. Nguyên tắc này được xác lập trên cơ sở quan điểm tăng cường tính độc lập, tự chủ, năng động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời kỳ mới.
Theo tinh thần của nguyên tắc này thì đối với người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ có trách nhiệm đặt ra các quy định làm cơ sở để tuyển dụng viên chức đối với những vấn đề mà pháp luật không quy định, chủ động tổ chức tuyển dụng viên chức ở đơn vị mình theo quy định của pháp luật. Đối với người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ có trách nhiệm đặt ra các quy định và tổ chức tuyển dụng viên chức của đơn vị mình trong phạm vi những vấn đề được cơ quan có thẩm quyền phân cấp. Như vậy, để xác định phạm vi trách nhiệm trong tuyển dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập nào được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập nào chưa được giao quyền tự chủ.
Có thể thấy rằng, nguyên tắc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là nguyên tắc duy nhất có sự khác biệt so với các nguyên tắc trong tuyển dụng công chức (Điều 38 Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Tuy nhiên, một hạn chế hiện nay là pháp luật hiện hành chưa phân định rạch ròi việc nào do tập thể chịu trách nhiệm, việc nào do người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc lập kế hoạch tuyển dụng, xây dựng tiêu chí tuyển dụng cũng như việc xét tuyển cần phải có sự tham gia trực tiếp của người đứng đầu.
– Thứ năm, nguyên tắc ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số
Theo tinh thần của nguyên tắc này, có thể hiểu có 3 đối tượng được ưu tiên tuyển dụng làm viên chức theo những mức độ khác nhau (người có tài năng được tru tiên ở mức cao nhất, sau đó là người có công với cách mạng và cuối cùng là người dân tộc thiểu số), Thứ tự ưu tiên này là phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp của viên chức bởi đây là hoạt động có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những bất cập như: theo Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn hiện hành không quy định như thế nào là “người có tài năng”, không đưa ra bất cứ một tiêu chí hay đặc điểm nào để mô tả khái niệm này. Tài năng là một danh từ chỉ năng lực xuất sắc, có khả năng làm giỏi và có sáng tạo trong một công việc, một ngành, một lĩnh vực cụ thể. Xác định một người có tài năng bao giờ cũng phải gắn với một ngành, một lĩnh vực hoặc một nghề cụ thể trong hoạt động của đời sống xã hội. Do đó, quan dụng nhân tài được thể hiện trong Luật Viên chức mặc dù rất hay về mặt ý tưởng nhưng sẽ rất khó khăn đi vào thực tế.
Luật Viên chức trao quyền quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển nhưng không trao quyền quy định về đối tượng được ưu tiên tuyển dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp với nguyên tắc để cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong tuyển dụng viên chức. Có thể thấy, do yêu cầu công việc và thực trạng của đội ngũ viên chức hiện có mỗi đơn vị sự nghiệp công lập là không giống nhau, nên cần thiết phải trao cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyền quy định thêm về đối tượng được ưu tiên tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị mình.
Tóm lại, các nguyên tắc tuyển dụng viên chức không có sự khác biệt nhiều so với các nguyên tắc tuyển dụng công chức được quy định tại Điều 38 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Sự khác biệt duy nhất giữa 2 nhóm nguyên tắc này, đó là nguyên tắc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong tuyển dụng viên chức (không có nguyên tắc tương tự trong việc tuyển dụng công chức). Do đó nguyên tắc này cần phải được xác định là tư tưởng chủ đạo quyết định những điểm khác biệt về thủ tục tuyển dụng, các tiêu chí đánh giá và xác định người trúng tuyển vào viên chức so với thủ tục tuyển dụng, các tiêu chí đánh giá và xác định người trúng tuyển vào công chức.