Các nguyên tắc trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam? Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam?
Trong giai đoạn điều tra cơ quan điều tra phải thực hành một số hoạt động tố tụng cần thiết như tạm giam và tạm giữ các đối tượng theo quy định của pháp luật. Đây đều là những biện pháp ngăn chặn được quy định tại bộ luật tố tụng hình sự và theo đó người bị tạm giam tạm giữ sẽ bị hạn chế một số quyền như tự do đi lại… Việc tạm giam hay tạm giữ một người nào đó phải thực hiện theo trình tự thủ tục luật định và quan trọng hơn là phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Dưới đây công ty Luật dương Gia chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Căn cứ theo quy định tại điều 4. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 quy định cụ thể:
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.
3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.
5. Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Căn cứ theo quy định như trên chúng ta có thể thấy dựa vào quy định mà pháp luật đề ra nguyên tắc đầu tiên được nhắc đến theo quy định tại khoản 1 như trên chúng ta có thể hiểu theo quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam căn cứ heo quy định tại khoản 1, Điều 31
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy có thể dựa trên quy định này chúng ta thấy một người chỉ bị coi là có tội khi người đó phải được chứng minh là có tội theo trình tự luật định và phải có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Bản án sơ thẩm của tòa án không phải có hiệu lực ngay sau khi được tuyên mà chỉ khi bản án sơ thẩm đó không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án đó sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Chính vì thê nên người đang bị tạm giữ, tạm giam trừ trường hợp người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án chưa bị coi là có tội mà mới chỉ nghi phạm tội. Do họ chưa phải là người có tội nên các biện pháp áp dụng với họ chỉ mang tính tạm tức là chưa chính thức. Theo đó, nếu trong các trường hợp mà không chứng minh được người bị tạm giữ, tạm giam có tội thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền phải trả tự do cho họ. Về tính chất có thể thấy trường hợp những người bị tạm giữ, tạm giam vẫn là công dân bình thường, chỉ khác công dân bên ngoài ở chỗ họ bị cưỡng chế tạm trú trong một nơi có sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước theo đó nên quy định về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con người là chính đáng và hợp lý.
Ngoài ra qua 05 nguyên tắc như trên thì có điểm chung đó là đều với mục đích thực thi và áp dụng quy định của pháp luật theo những quy định chung và để có thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành. Bên cạnh đó trong hai trường hợp là người bị tạm giữ và người bị tạm giam có bản chất khác nhau nên do đó, cần quy định rạch ròi về quyền và nghĩa vụ đối với từng nhóm đối tượng. Ngoài ra, nên áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để đảm bảo, bảo lĩnh,… đối với diện đối tượng hợp lý. Các cơ sở giam giữ cần tiếp tục cải thiện điều kiện giam giữ cũng như các chế độ khác cho người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
Như chúng tôi đã nhắc tới việc bảo đảm quyền con người cho công dân như quy định trên. Ngoài ra còn có các quy định để đảm bảo khi công dân bị tạm giam tạm giữ vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan cụ thể đó là thông qua việc quy định thực hiện quyền bầu cử theo quy định tại Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định tại Điều 24 của Luật Trưng cầu ý dân.
2. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Căn cứ theo quy định tại điều 5. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 quy định cụ thể:
” Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.”
Theo đó các cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân bao gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong phạm vi cả nước (cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an); Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh); Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp huyện).
Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân bao gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam (cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng); Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ khu vực thuộc phạm vi quản lý; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh thực hiện quản lý tạm giữ đối với Buồng tạm giữ của đồn biên phòng.
Riêng đối với hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an; Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; Trại tạm giam Công an cấp tỉnh; Trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương (trại tạm giam cấp quân khu); Nhà tạm giữ Công an cấp huyện; Nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; Buồng tạm giữ của đồn biên phòng ở hải đảo, biên giới xa trung tâm hành chính cấp huyện.
Như vậy có thể thấy các cơ quan tổ chức cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam như chúng tôi đã nêu như trên có trách nhiệm phối hợp với nhau trong công tác tạm giam tạm giữ đối với các đối tượng bị tạm giam tạm giữ để có thể bảo đảm tốt nhất và hiệu quả công tác quản lý giam giữ và phục vụ tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam của ngành Kiểm sát. Từ đó có thể tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới nhằm xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật và các vụ việc phát sinh trong quá trình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và ngoài ra thực hiện chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ thực hiện khâu công tác tạm giữ, tạm giam nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng về các chế độ, chính sách đặc thù riêng đối với những cơ quan và các cán bộ làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Các nguyên tắc trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam” và các thông tin pháp lý dựa trên quy định của pháp luật hiện hành