Chung cư nhà ở xã hội đang trở thành một lựa chọn tối ưu cho các gia đình có thu nhập thấp, gia đình chính sách có nhu cầu sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về các loại phí phải đóng khi ở chung cư nhà ở xã hội bao gồm những gì và hết khoảng bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Các loại phí phải đóng khi ở chung cư nhà ở xã hội:
1.1. Phí dịch vụ hàng tháng:
Phí dịch vụ hàng tháng là khoản phí sẽ do chủ đầu tư và chủ nhà thỏa thuận với nhau ở thời điểm ban đầu trước khi mua nhà. Do đó, đây là khoản phí mà người mua nhà chung cư nhà ở xã hội cần lưu ý và thương lượng trước khi ký hợp đồng với chủ đầu tư. Khoản phí dịch vụ này phụ thuộc vào diện tích đối với căn hộ chung cư cũng như loại chung cư mà người mua sở hữu.
Theo khảo sát trên thị trường nhà ở hiện nay, phí dịch vụ hàng tháng ở những dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp, nhà giá rẻ, nhà ở xã hội rơi vào khoảng 3.000-5.000 đồng/m2/tháng. Do đây là khoản phí đóng hằng tháng cho nên nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau này, người mua nên tìm hiểu, thỏa thuận trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán căn hộ.
1.2. Phí bảo trì:
Để đảm bảo cho việc sử dụng chung cư nhà ở xã hội được lâu dài và đảm bảo an toàn. Thì các chung cư nhà ở xã hội thu một khoản phí gọi là phí bảo trì chung cư. Đây là khoản phí được sử dụng để bảo trì các hạng mục thuộc sở hữu chung tại tòa nhà bị xuống cấp trong quá trình sử dụng. Căn cứ theo khoản 1 Điều 107 Luật Nhà ở 2014 thì bảo trì chung cư là bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu. Đối với phần sở hữu riêng, chủ sở hữu nhà ở chung cư có trách nhiệm tự bảo trì đối với phần riêng này. Còn đối với phần sở hữu chung thì chủ sở hữu có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho chủ đầu tư để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Như vậy, phí bảo trì chung cư được hiểu là kinh phí được đóng góp từ chủ sở hữu nhà chung cư cho chủ đầu tư để thực hiện việc bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Để phân biệt rõ giữa phần sở hữu riêng và chung của nhà chung cư thì căn cứ quy định tại Điều 100 Luật Nhà ở 2014 như sau:
– Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm:
+ Phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;
+ Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư;
+ Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.
– Phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm:
+ Phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư;
+ Bao gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật,…. Các bộ phận này đảm nhận vai trò rất quan trọng trong việc làm khung sườn cho kết cấu chịu lực của chung cư và một số trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc dùng chung trong nhà chung cư.
+ Để đảm bảo cho việc sinh sống và phục vụ đầy đủ các loại tiện ích của chung cư, Các hệ thống cấp điện nước, cấp ga, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống thoát nước, hầm bể phốt, cột thu lôi, trụ cứu hỏa và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;
+ Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài như bãi đậu xe, đường đi bộ, … nhưng được kết nối với nhà chung cư đó;
+ Các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư như sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt.
Việc phân định rõ ràng các hạng mục công trình thuộc phần sở hữu riêng và chung của nhà chung cư. Đảm bảo cho việc thực hiện tự bảo trì và đóng phí bảo trình đối với các các công trình của chung cư một cách rõ ràng, tránh sự chồng chéo trách nhiệm.
Về khoản phí bảo trì, căn cứ theo quy định tại Điều 108 Luật Nhà ở 2014 thì chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư phải đóng phí bảo trì bằng 2% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua. Khoản phí này sẽ phụ thuộc vào giá trị căn hộ chung cư, giá trị căn hộ càng cao thì mức phí này cũng cao và ngược lại.
Ví dụ, căn hộ có giá trị 1 tỷ thì mức phí bảo trì mà người mua phải đóng là 20 triệu đồng.
1.3. Phí gửi xe:
Để đảm bảo cho việc các phương tiện đi lại của gia đình được cất giữ và bảo vệ, các gia đình thường sẽ phải tốn một chi phí gọi là phí gửi xe. Đây là chi phí mà chủ sở hữu căn hộ chung cư phải chi trả khi gửi phương tiện đi lại ở chung cư. Trường hợp gia đình không sử dụng xe hay không gửi phương tiện đi lại ở nhà xe chung cư thì sẽ không phải đóng loại phí này. Mức phí này sẽ phụ thuộc tùy theo loại phương tiện, số lượng phương tiện và theo quy định tại từng chung cư. Việc quyết định mức giá thu phí đối với các loại xe sẽ do ban quản trị nhà chung cư họp với cư dân để quyết định. Tuy nhiên, mức thu không vượt quá khung giá tối đa trông giữ phương tiện đi lại ở chung cư do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ấn định tại từng địa phương.
Thông thường, mức thu đối với máy dao động từ 150.000-250.000 đồng/xe/tháng, còn với ô tô sẽ cao hơn, từ 800.000-2.000.000 đồng/xe/tháng. Bên cạnh đó, nhiều chung cư có thể phụ thu thêm phí với những căn hộ gửi nhiều hơn quy định đối với mỗi căn hộ chung cư. Điều này, giúp nhằm hạn chế số lượng xe gửi ở chung cư đảm bảo an toàn cháy nổ cho nhà xe và chung cư.
1.4. Phí Điện, nước:
Đây là khoản phí mà các gia đình cần phải cân nhắc cho việc sử dụng, do chi phí cao hay thấy đều phụ thuộc vào mức sử dụng của gia đình. Chi phí này được tính dựa theo bảng giá do Nhà nước quy định.
Theo đó, tiền điện đối với nhóm khách hàng sinh hoạt gồm 6 bậc, theo nguyên tắc dùng càng nhiều điện giá điện càng cao. Cụ thể:
Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 có giá thấp nhất là 1.728 đồng/kWh.
Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 có giá là 1.786 đồng/kWh.
Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 có giá là 2.074 đồng/kWh.
Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 có giá là 2.612 đồng/kWh.
Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 có giá là 2.919 đồng/kWh.
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.015 đồng/kWh.
(Giá trên chưa bao gồm 10% thuế VAT)
Về tiền nước, hiện nay được tính theo mức độ tiêu thụ của gia đình, đơn giá dao động từ 6.000 – 16.000 đồng/m3.
1.5. Internet, truyền hình:
Chi phí này phụ thuộc vào chính sách của đơn vị cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng của gia đình, chi phí này hiện nay dao động từ 70.000 – 300.000 đồng/tháng.
2. Phí quản lý chung cư nhà ở xã hội:
Được quy định chi tiết tại Điều 31 Thông tư số
Mục đích của nguồn quỹ quản lý vận hành chung cư được ban quản trị tòa nhà sử dụng cho các việc sau:
– Chi trả chi phí cho dịch vụ bảo vệ, đảm bảo an ninh khu nhà như: Ban quản lý, lễ tân, nhân viên bảo vệ.
– Chi trả cho dịch vụ vệ sinh như: Thu gom rác thải, lau dọn hành lang, quét dọn nơi công cộng, diệt côn trùng,…
– Chi trả cho dịch vụ chăm sóc cảnh quan như: Chăm sóc cây xanh, vườn hoa, trang trí khu vực công cộng trong khu nhà.
– Chi trả cho hoạt động bảo dưỡng, vận hàng các tiện ích chung như: Hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy bơm nước, thang máy,…
– Chi trả cho các hoạt động liên quan tới vận hành tòa nhà khác.
3. Các lưu ý để tiết kiệm chi phí khi sử dụng nhà chung cư:
– Nghiên cứu về giá cả trước khi mua: Tùy vào nhu cầu của gia đình phải đăt những tiêu chí lựa chọn chung cư khác nhau. Sau đó, tiến hành khảo sát, so sánh giá giữa nhiều căn hộ khác nhau để có lựa chọn phù hợp nhất.
– Nghiên cứu về vị trí: Vị trí của chung cư sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình (Vị trí tầng nhà ở, khoảng cách của chung cư đến nơi làm việc hay các trung tâm thương mại, tiện ích khác,…) . Một vị trí thuận lợi giúp ích cho việc tối ưu hóa các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
– Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, nước: Gia đình nên kiểm tra kỹ các hệ thống điện cũng như nguồn nước trong nhà tránh trường hợp rò rỉ gây nguy hiểm và lãng phí.
– Thương lượng các chi phí dịch vụ: Trước khi tiến hành ở cần thương lượng với chủ đầu tư về các giá cả khu vực giữ xe, nơi để rác, khoản phí dịch vụ khác để nhằm tiết kiệm nhất có thể.
Theo các phân tích trên, tổng các phí phải đóng khi ở chung cư của một hộ gia đình sẽ khá là cao. Và đây là một yếu tố mà các gia đình cần cân nhắc khi lựa chọn sử dụng chung cư nhà ở xã hội. Tất nhiên, các chi phí này còn tùy thuộc vào diện tích căn hộ, số lượng phương tiện và mức chi tiêu, sử dụng của hộ gia đình và nhiều yếu tố khác.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Nhà ở 2014;
– Thông tư 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.