Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người; nguồn gốc cơ bản của mọi thành quả học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất cũng nhờ có sức khỏe. Bởi vậy từ cổ xưa cho đến ngày nay vấn đề bảo vệ sức khỏe cho con người là một trong những mục tiêu trường tồn của nhân loại. Như vậy sức khỏe ngày nay không thể hiểu bó hẹp chỉ về thể chất, nghĩa là con người không có bệnh tật mà còn phải luôn được thoải mái về tinh thần.
PHẦN THỨ TÁM
Mục lục bài viết
1. Đại cương về giám định tổn hại sức khoẻ:
Ngành Y tế bảo vệ sức khỏe cho con người bằng chuyên môn nghiệp vụ phòng chống và khắc phục tất cả các hậu quả mà các tác nhân xâm phạm đến thể chất con người như vi khuẩn, virus, các tác nhân ngoại lực, các yếu tố lý hoá, v.v… Tuy nhiên trong mọi hoạt động của thầy thuốc không chỉ giới hạn trong khám chữa bệnh mà nhiều vấn đề liên quan đến tố tụng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người cũng cần đến sự hiểu biết về Y học; tìm hiểu những mối liên quan đến sự sống, cái chết, đến sức khỏe và tinh thần của con người trong các vụ việc bị đả thương (chấn thương) xảy ra khi mâu thuẫn cộng đồng bùng nổ luôn có ý nghĩa để xác định các yếu tố khách quan giúp cho việc nhận định nguyên nhân, tính chất của các vụ án xâm phạm đến thân thể con người, cán bộ làm công tác điều tra xét xử không thể giải quyết được đúng đắn vấn đề nếu không có sự tham gia của các giám định viên Y pháp.
Tại Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ giành độc lập dân tộc giải phóng Tổ quốc, sự hy sinh xương máu của quân và dân là vô giá. Để bù đắp một phần những tổn thất ấy, trong 9 năm chống Pháp, trên 10 năm chống Mỹ, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với Cách mạng.
Đặc biệt đối với thương bệnh binh, ngay từ những năm đầu chống Pháp, Chính phủ đã ban hành Bảng tỷ lệ thương tật, kèm theo Nghị định số 21/NĐ-LĐ ngày 16/3/1948 của Liên Bộ thương binh – Y tế – Quốc phòng. Tháng 11/1954 và tháng 5/1962 nó được bổ sung sửa đổi thành Bảng tiêu chuẩn định hạng thương tật 8 hạng vào tháng 1/1964. Ngày 18/9/1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 236/HĐBT bổ sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội, trên cơ sở Nghị định này liên Bộ Y tế – thương binh và xã hội ban hành Bảng tiêu chuẩn thương tật 4 hạng kèm theo Thông tư số 32/TT-TB ngày 27/11/1985 thay thế cho các Bảng tiêu chuẩn thương tật 6 hạng, 8 hạng và hướng dẫn Hội đồng giám định Y khoa các cấp, các ngành thực hiện. Qua quá trình vận dụng vào thực tế Bảng thương tật tiêu chuẩn 4 hạng được Viện giám định Y khoa tiếp tục nghiên cứu bổ sung sửa đổi thành Bảng tiêu chuẩn phân loại thương tật 4 hạng hoàn thành vào 25/5/1993, kèm theo Thông tư liên Bộ Y tế – Lao động thương binh và Xã hội số 12/TTLB ngày 26/7/1995 ban hành quy định về tiêu chuẩn thương tật, tiêu chuẩn bệnh tật mới được áp dụng hiện nay. Các bảng phân loại thương tật này ở các thời kỳ khác nhau cũng được vận dụng cho giám định Y pháp. Có thể nói từ trước đến nay giám định Y pháp không có Bảng tiêu chuẩn riêng để đánh giá mức độ tổn hại sức khỏe cho đương sự.
Tuy nhiên trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền, quản lý, điều chỉnh mọi hoạt động của xã hội bằng hệ thống pháp luật, do đó Quốc hội, Nhà nước ta đã, đang xây dựng, thông qua và ban hành các Bộ luật, hàng loạt các luật, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Bộ luật hình sự, Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Luật bảo vệ sức khỏe Nhân dân, v.v… Trên cơ sở hiến pháp quy định Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm…”, các điều khoản của Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự nghiêm khắc trừng phạt kẻ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe nhân phẩm, danh dự của công dân, còn nhấn mạnh đến các hình phạt đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Điều đó có nghĩa dù là ai cũng phải xử lý theo luật hình sự và tố tụng hình sự, không có ngoại lệ chiếu cố và xử lý nội bộ.
Đây là những nội dung yêu cầu cơ bản của giám định Y pháp nói sức khỏe nói riêng và cũng là những điểm khác nhau cơ bản giữa mục tiêu của Giám định Y khoa và Giám định Y pháp.
Giám định Y khoa nhằm xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, dân quân, du kích, thanh niên xung phong và nhân dân trực tiếp chiến đấu hoặc tham gia chiến đấu, đi dân công phục vụ tiền tuyến bị thương bị bệnh, bệnh nghề nghiệp…, bị tổn hại đến sức khỏe, cần phải được xác định để thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những người có công vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tân lao động xây dựng bảo vệ Tổ quốc, để bù đắp một phần tổn thất sức lực cho họ, động viên họ tiếp tục công tác, lao động sản xuất.
Giám định Y pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe (THSK) cho công dân thuộc mọi tầng lớp xã hội, khi thân thể của họ bị xâm phạm dưới mọi hình thức, nhằm phục vụ cho cơ quan điều tra, truy tố và xét xử để định tội, lượng hình phạt được chuẩn xác và công bằng, bảo vệ quyền lợi của công dân mà hiến pháp, pháp luật đã quy định. Để định được tội danh, định được mức hình phạt đối với người phạm tội, chỗ dựa vững chắc cho cơ quan bảo vệ pháp luật là tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe cao hay thấp, nặng hay nhẹ đều phụ thuộc vào kết quả của giám định Y pháp. Điều 109 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ thì khách thể trực tiếp của tội phạm này là sức khỏe của người khác.
Trường hợp cố ý gây thương tích là gây thương tích nhẹ hoặc gây thương tích nặng hoặc gây cố tật, thì người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm theo tính chất thương tích thực tế xảy ra. Hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác có 4 khung tương xứng với tính chất của thương tích và hoàn cảnh nhóm phạm tội. Khung 1 (khung cơ bản) có mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm, đối với trường hợp gây thương tích không nặng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Vấn đề để phân biệt mức độ nặng, nhẹ của thương tích và mức độ tổn hại sức khỏe, phải căn cứ vào kết luận của giám định y pháp. Để chuẩn hóa, thống nhất mức độ nặng nhẹ của thương tích, của tổn hại sức khỏe, Nghị quyết 04/HĐBT ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự đã nêu rõ Sự phân biệt mức độ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cần phải dựa vào kết luận của giám định y pháp và khi cần thiết dựa vào cả kết luận của bác sĩ điều trị. Những kết luận đó cho biết mức độ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe khi sự việc mới xảy ra và khi đã điều trị xong. Đó là căn cứ giúp cho việc định tội và quyết định hình phạt, cũng như cho việc quyết định mức bồi thường dân sự.
Xét riêng về thương tích thì dựa vào những kết luận nói trên của cơ quan chuyên môn tham khảo luật hình của một số nước xã hội chủ nghĩa, qua thực tế xét xử của ta, có thể xác định:
1. Tỷ lệ thương tích từ 10% trở xuống, không thấy cố tật là thương tích nhẹ, chưa đến mức cần thiết phải xử lý về hình sự người gây thương tích đó.
2. Tỷ lệ thương tích từ 11 đến 30% là thương tích cần thiết phải xử lý về hình sự đối với người gây ra.
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.
3. Tỷ lệ thương tích từ 31 đến 60% là thương tích nặng, hoặc tổn hại nặng đến sức khỏe.
Phạm tội một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
a. Gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người
b. Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nan nhân.
c. Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.
d. Gây thương tích cho nhiều người hoặc gây tổn hại sức khỏe của nhiều người.
4. Tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên là thương tích rất nặng hoặc tổn hại rất nặng đến sức khỏe.
Hướng dẫn hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao về hình phạt của tội danh. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác rất nghiêm khắc, chặt chẽ với nhiều mức hình phạt khác nhau, căn bản dựa trên tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe, nên đòi hỏi giám định viên Y pháp phải công tâm, chuẩn xác, công bằng, nếu không chỉ cần tăng thêm hoặc giảm bớt một vài phần trăm thì có thể can phạm bị phạt tù hoặc ngoài vòng pháp luật hoặc hình phạt quá nặng hay quá nhẹ, dễ để lọt kẻ gian, làm oan người ngay.
2. Khái niệm giám định tổn hại sức khoẻ:
Giám định tổn hại sức khỏe là xác định tình trạng sức khỏe của con người sau khi bị các tác nhân ngoại lai hoặc tác nhân nội tại tác động vào cơ thể làm suy giảm thể chất và tinh thần đến mức độ nào, phục vụ cho công tác tố tụng. Các tác nhân ngoại lai được thể hiện rất đa dạng, phong phú, phổ biến nhất thường gặp trong các vụ án là vật tày, vật sắt, vật nhọn. Các tác nhân lý học như bỏng lửa, bỏng điện, bỏng do tia tử ngoại, bỏng do lạnh (nhiệt độ quá thấp), v.v…Tác nhân hóa học thể hiện bởi bỏng acid, bỏng do chất kiềm, bị đầu độc, thuốc độc, v.v… Các tác nhân sinh học được biết khi làm lây nhiễm các bệnh hoa liễu giang mai, lậu, HIV, AIDS, v.v… các tác nhân nội tại được hiểu là các loại bệnh tật của con người được xác định cũng phục vụ cho công tác tố tụng ví như phạm nhân đang bị bệnh hiểm nghèo được hoãn thi hành án, hoãn truy tố xét xử hay được ra trại cải tạo sớm để chữa bệnh, v.v…
3. Các loại hình giám định tổn hại sức khoẻ:
Tổn hại sức khỏe do hung khí gây thương tích cho nạn nhân xảy ra trong mâu thuẫn sung đột.. dưới nhiều hình thái tổn thương, đa dạng, phức tạp với mức độ khác nhau, như bầm dập phần mềm, chấn động não, chấn thương sọ não, gãy xương, dập, vỡ, thủng, rách các phủ tạng, v.v… Đây là loại hình giám định tổn hại sức khỏe phổ biến nhất chiếm khoảng 70% trong công tác giám định.
Tổn hại sức khỏe sau hiếp dâm, bao gồm tổn thương màng trinh, rách túi cùng, rách thành âm đạo và các tổn thương khác trên người nạn nhân như các thương tích bầm tím, vết cào cấu, vết cắn, thương tích do đâm chém, bóp cổ, v.v … hay gặp trong ác dâm (Sadism).
Giám định sức khỏe chấp hành án, đây cũng là một yêu cầu của cơ quan bảo vệ pháp luật trong các trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật, người phạm tội phải vào trại cải tạo, nhưng họ bị ốm, nên cần phải giám định, nếu họ thực sự có bệnh thì luật pháp cho phép họ tạm thời được tại ngoại để chữa bệnh.
Giám định sức khỏe ân xá cho phạm nhân, ngoài những đợt đặc xá cho những phạm nhân cải tạo tốt, trong dịp lễ quốc khánh hàng năm còn những trường hợp nạn nhân có tiến bộ và sắp hết hạn tù, nhưng bị bệnh nặng, được giám định y pháp xác nhận cần phải được điều trị cũng được chiếu cố ra tù trước hạn để chữa bệnh.
Giám định sức khỏe phục vụ xét xử cũng gặp trong các trường hợp sơ vụ án đã đầy đủ, nhưng can phạm thường xuyên cáo ốm vào nằm viện, cản trở công tác xét xử, hoặc đã biết bị can có bệnh, nhưng liệu có đủ sức chịu đựng khi ra trước vành móng ngựa để
Giám định sức khỏe tiền hôn nhân nhằm phát hiện bệnh di truyền, các bệnh lây nhiễm như giang mai, bệnh lậu, HIV, AIDS và các dị tật bẩm sinh của đường sinh dục như không có âm đạo, ái nam ái nữ, v.v… đảm bảo sức khỏe, hạnh phúc lâu dài cho các cặp vợ chồng đồng thời duy trì và phát triển giống nòi của dân tộc.
Giám định sức khỏe viết di chúc, chủ yếu xác định tình trạng sức khỏe tâm thần còn minh mẫn để viết di chúc thừa kế tài sản cho thân nhân trong gia đình, nội tộc, hoặc di chúc hiến thân cho khoa học (ghép tạng, đào tạo thầy thuốc…) nhằm đảm bảo tính khách quan, tính pháp lý khi tranh chấp xảy ra.
Giám định năng lực tình dục, gặp trong những vụ án hiếp dâm mà bị can khai với nhà chức trách rằng họ bị vu cáo, bởi họ có bệnh thiểu năng hoặc bất lực tình dục (liệt dương) thì cần thiết phải có ý kiến của thầy thuốc Y pháp xác định.
Giám định tìm cha (phụ hệ) tuy không thuộc phạm trù giám định tổn hại sức khỏe, nhưng ngày nay trong lĩnh vực y pháp giám định tìm cha đang là một nhu cầu thực tế của xã hội đòi hỏi ngày càng tăng phục vụ cho tư pháp, trước hết là các vụ hiếp dâm để lại hậu quả nạn nhân có thai sinh con, đứa trẻ đó đích thực là con của người phạm tội thì pháp luật buộc họ phải có trách nhiệm cấp dưỡng. Giám định tìm cha còn phục vụ cho tố tụng xác định người con chính thống để được thừa kế, hoặc được mang họ của bố theo quy định của pháp luật. Đôi khi giám định tìm cha cũng còn được thực hiện trong những trường hợp trả nhầm con cho sản phụ xảy ra ở các nhà hộ sinh hay trong khoa sản của các bệnh viện.