Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Unfair competition behavior) là gì? Hành vi cạnh tranh không lành mạnh tiếng Anh là gì? Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm tại Việt Nam? Đặc trưng pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh? Phân biệt cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh? Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh? Xử lý vi phạm cạnh tranh không lành mạnh?
Trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa như hiện nay, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế chung đất nước. Đồng nghĩa với sự phát triển là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, bên cạnh những cuộc cạnh tranh lành mạnh về chất lượng, giá cả,…để cùng nhau phát triển thì tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cố tình chơi xấu để hạ uy tín, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Do đó, để đảm bảo tối đa sự cạnh tranh và phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp, pháp luật Việt Nam đã đưa ra những quy định về các hành vị cạnh tranh không lành mạnh bị cấm và bài viết này sẽ tìm hiểu về những hành vi đó.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định số 75/2019/NĐ-CP.
1. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?
Căn cứ tại Khoản 6 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018 quy định như sau:
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
2. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh tiếng Anh là gì?
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh tiếng Anh là “Unfair competition behavior”.
3. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm tại Việt Nam?
Căn cứ tại Điều 45 Luật cạnh tranh 2018 quy định, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm bao gồm:
– Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:
+ Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
+ Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Việc áp dụng quy định chống xâm phạm bí mật kinh doanh cần kết hợp cơ chế bồi thường thiệt hại. Biện pháp khắc phục thiệt hại quan trọng nhất là giải quyết bồi thường thiệt hại 1 lần & toàn bộ giá trị của bí mật thương mại đã bị bộc lộ. Hiện nay, pháp luật cạnh tranh chưa có quy định cụ thể liên quan tới vấn đề này & cơ quan cạnh tranh cũng không có thẩm quyền giải quyết.
– Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
+ Đối tượng hướng đến của hành vi này là khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác.
+ Biểu hiện cụ thể của doanh nghiệp này là khách hàng hoặc đối tác của đối thủ ngừng mua bán hàng hóa cung ứng dịch vụ cho đối thủ.
– Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
+ Đối tượng được thông tin: khách hàng, người tiêu dùng
+ Tính “trực tiếp” hay “gián tiếp” thể hiện trên đường đi của thông tin từ bên vi phạm tới khách hàng
+ Trên thực tế khó phát hiện tính xác thực của các tin tức trên thị trường.
+ Trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng thông tin tiêu cực có thật về đối thủ để hạ uy tín nhưng những thông tin này không đầy đủ, không phản ánh được thực tế khách quan; gây nhận thức sai lệch về đối thủ, Luật cạnh tranh cần đưa thêm vào để làm rõ phạm vi điều chỉnh.
+ Hậu quả : gây “ ảnh hưởng xấu về uy tín”, trên thực tế rất khó định lượng, pháp luật cần có căn cứ trên thực tế để xác định hành vi.
– Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
+ Hành vi nhận diện: “làm cản trở, gián đoạn” hoạt động doanh nghiệp khác. Trên thực tế, mọi hành vi cạnh tranh dù hợp pháp & chính đáng thì đều có khả năng ảnh hưởng xấu tới hoạt động của đối thủ, như vậy điều luật quy định chưa đủ rõ ràng, cần xem xét cụ thể, đánh giá xem có phù hợp với các điều kiện dưới hay không:
Tồn tại quan hệ cạnh tranh giữa 2 bên
Hành vi cạnh tranh không trung thực, không thiện chí, đi ngược thông lệ; chuẩn mực đạo đức về kinh doanh
Hành vi cạnh tranh không bị điều chỉnh bởi 1 quy định khác của pháp luật cạnh tranh hay pháp luật khác.
– Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
+ Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;
+ So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
– Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.
4. Đặc trưng pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
– Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện nhằm mục đích lợi nhuận.
– Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi có tính chất độc lập, đi ngược với các thông lệ tốt, các nguyên tắc đạo đức kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.
– Hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho các đối tượng khác.
5. Phân biệt cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh?
Cạnh tranh lành mạnh
– Khái niệm:
Cạnh tranh lành mạnh “là hình thức cạnh tranh công khai, công bằng và ngay thẳng giữa các đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh”
– Đặc trưng của Cạnh tranh lành mạnh như sau:
+ Cạnh tranh bằng tiềm năng vốn có của DN;
+ Có mục đích thu hút khách hàn
+ không trái pháp luật & tập quán kinh doanh lành mạnh
Cạnh tranh lành mạnh đem lại cho người tiêu dùng chất lượng sản phẩm ngày càng cao, sự đa dạng sản phẩm theo nhu cầu, giá cả hợp lý; đem lại cho đời sống kinh tế – xã hội những thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật, sự hợp lý trong việc sử dụng các nguồn lực kinh tế như: vốn, lao động, nguyên liệu. Đối với doanh nghiệp, canh tranh lành mạnh sẽ là trọng tài công bằng để lựa chọn những nhà kinh doanh có đủ năng lực, đủ bản lĩnh để tồn tại và kinh doanh hiệu quả
Cạnh tranh không lành mạnh
Điều 10 Bis Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định: “bất cứ hành vi cạnh tranh nào trái với các hoạt động thực tiễn, không trung thực trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh ”
Khi nhu cầu lợi nhuận cám dỗ con người đến với những thủ đoạn thái quá trong cạnh tranh, thì các hành vi cạnh tranh ấy trở thành nỗi ám ảnh và có thể thúc đẩy con người gây ra nhiều hoạt động tiêu cực gây hậu quả bất lợi cho sự phát triển, xâm hại lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp khác, của người tiêu dùng.
Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi:
– Nhằm mục đích cạnh tranh phát sinh trong kinh doanh
– Trái với pháp luật hoặc tập quán kinh doanh thông thường
– Gây thiệt hại cho đối thủ hoặc cho khách hàng
6. Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh?
Khái niệm:
Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh là những quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Các văn bản pháp luật quy định trực tiếp về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam:
– Luật cạnh tranh 2018
– Số 06: VBHN/BCT- Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh
Đặc điểm:
– Pháp luật cạnh tranh không lành mạnh thường đặt ra các điều Khoản mở để từ đó xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh không được thực hiện.
– Tính chất tiếp cận từ mặt trái: Trong khi các văn bản pháp luật về kinh tế khác tập trung quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ – những việc được làm và phải làm – của chủ thể tham gia kinh doanh, thì pháp luật cạnh tranh chỉ khoanh vùng các hành vi bị ngăn cấm trong hoạt động cạnh tranh, chứ không hướng dẫn các đối tượng điều chỉnh cần làm những gì hoặc phải làm những gì.
– Tính chất không triệt để trong nội dung điều chỉnh: các quy định của pháp luật cạnh tranh không lành mạnh, không bao giờ quy định đầy đủ và triệt để toàn bộ các hành vi phản cạnh tranh tồn tại trong nền kinh tế xã hội. Quy định của luật thường đặt ra điều Khoản mở cho phép cơ quan công quyền có thể bổ sung các hành vi mới xuất hiện có ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh và xét thấy cần điều chỉnh, ngăn chặn.
Mục đích:
– Thực hiện việc duy trì năng lực cạnh tranh thực tế của các doanh nghiệp.
– Có mục tiêu ngăn ngừa và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trái với đạo đức, tập quán kinh doanh.
Ý nghĩa
– Bảo vệ và khuyến khích cạnh tranh
– Bảo vệ lợi ích chính đáng cho các chủ thể kinh doanh ( chủ thể cạnh tranh), cho người tiêu dung và lợi ích công cộng
– Chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
– Luật chống Cạnh tranh không lành mạnh không cho phép cạnh tranh chống nhau, mà chỉ cho phép cạnh tranh bên nhau nhằm thu hút người tiêu thụ.
7. Xử lý vi phạm cạnh tranh không lành mạnh?
Căn cứ tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, mức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể như sau:
– Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng.
– Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
+ Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
+ Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
+ Hình thức xử phạt bổ sung:
. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
. Tịch thu Khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
– Hành vi ép buộc trong kinh doanh
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
– Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp ép buộc khách hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh.
– Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
+ Tịch thu Khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
– Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
– Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
– Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
+ Tịch thu Khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai.
– Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
– Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực thi hành;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
+ T ịch thu Khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
– Hành vi lôi kéo khách hàng bất chính
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
+ Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;
+ So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
– Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 1 Điều này đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
+ Tịch thu Khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc cải chính công khai;
– Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ
– Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
– Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 1 Điều này đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
+ Tịch thu Khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.