Các giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con? Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con được dùng trong trường hợp nào? Trình tự, thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con?
Mỗi cá nhân khi sinh ra đều có cha mẹ, và các loại hình văn bản ghi nhận lại quan hệ cha, mẹ với con khi cá nhân được sinh ra được dùng để làm tài liệu chứng minh mối quan hệ cha mẹ, con. Đây là các văn bản có giá trị pháp lý được sử dụng chủ yếu vào hoạt động đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha, mẹ con. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về các giấy tờ, tài liệu này cũng như việc sử dụng các giấy tờ, tài liệu này trên thực tế.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
* Cơ sở pháp lý:
– Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
– Thông tư số 04/2020/TT- BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch.
1. Các giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con
Từ tên gọi “các giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con” thì có thể hiểu đây là văn bản chứa đựng những thông tin có giá trị thể hiện một cá nhân có mối quan hệ cha – con hoặc mối quan hệ mẹ- con với một cá nhân khác, tức có quan hệ về mặt huyết thống.
Tại Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT- BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con được quy định như sau:
“Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”
Theo quy định trên, thì loại hình văn bản thứ nhất đóng vai trò chứng minh quan hệ cha – con, mẹ – con đó chính là văn bản do các cơ quan y tế, cơ quan giám định,… có xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Trên thực tế hiện nay, các cơ quan y tế, cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con đều dựa trên kết luận giám định ADN. Kết luận giám định ADN là văn bản ghi lại kết quả giám định khi tiến hành so sánh mã gen trong hai mẫu bệnh phẩm được giám định. Đây là việc ứng dụng khoa học sinh học vào trong giám định, Nếu kết quả giám định ADN mà mẫu ADN khớp với nhau trong từng gen thì tỷ lệ để chủ nhân của hai mẫu bệnh phẩm được giám định có quan hệ huyết thống là trên 99%. Còn nếu hai mẫu ADN không khớp với nhau từ 2 gen trở lên thì hai mẫu này tuyệt đối không có quan hệ huyết thống.
Còn loại tài liệu chứng minh quan hệ cha con, mẹ con thứ hai đó chính là văn bản cam đoan của các bên cha, mẹ, con về mối quan hệ cha, mẹ, con. Đây là loại văn bản được sử dụng khi không có chứng minh quan hệ cha con, mẹ con của các cơ quan y tế, cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha con, mẹ con như trên. Văn bản này được các bên cam đoan đúng sự thật đồng thời có ít nhất từ hai người làm chứng trở lên về nội dung các bên cam đoan.
2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con được dùng trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 25 và Điều 44 của Luật hộ tịch năm 2014 thì các giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con được sử dụng trong thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Về thủ tục đăng ký cha, mẹ, con; thì trước tiên tìm hiểu về khái niệm cha, mẹ, con. Dưới góc độ pháp lý, cha đẻ, mẹ đẻ trong mối quan hệ với con, là người trực tiếp sinh ra người con hoặc nhờ người khác mang thai hộ, có quyền và nghĩa vụ đối với con theo quy định của pháp luật. Con đẻ, trong mối quan hệ với cha mẹ, là người được cha mẹ sinh ra hoặc do được người mang thai hộ sinh ra có quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật.
Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con xem xét với tư cách làm một quan hệ pháp luật đó là mối quan hệ giữa các chủ thể là cha, mẹ, con và giữa các chủ thể đó với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình đăng ký nhận cha, mẹ, con các chủ thể là cá nhân và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải căn cứ pháp
Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con là một loại quan hệ có ý chí, được thể hiện từ các chủ thể muốn nhận cha, mẹ, con của chủ thể có liên quan đến mối quan hệ đó và ý chí của Nhà nước. Mối quan hệ giữa các chủ thể trong việc nhận cha, mẹ, con mang yếu tố tình cảm, huyết thống, phong tục tập quán và đạo đức xã hội. Quyền yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con là quyền nhân thân với chủ thể và không chuyển giao cho người khác.
Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con được đề cập ở đây là việc đăng ký nhận cha, mẹ, con được thực hiện tại cơ quan nhà chính nhà nước, mà cụ thể là Ủy ban nhân dân. Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con ở đây là khi các bên tự nguyện, không có tranh chấp. Tính chất tự nguyện trong việc nhận cha, mẹ, con còn được thể hiện là khi đăng ký nhận cha mẹ, con bắt buộc các bên phải có mặt.
Các trường hợp nhận cha, mẹ, con tại cơ quan hành chính Nhà nước. Việc đăng ký nhận cha, mẹ con được đặt ra khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp. Việc cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp thường bao gồm các trường hợp sau và con được sinh ra từ quan hệ đó:
– Nam nữ sống chung như vợ chồng và người phụ nữ sinh con. Việc nam nữ chung sống như vợ chồng được chia nhỏ thành các trường hợp sau:
Thứ nhất, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng khi cả hai bên không có vợ, chồng. Giữa họ không có quan hệ ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân, nên khi người phụ nữ sinh con, đứa trẻ không đương nhiên là con chung của hai người. Đứa trẻ khi sinh ra sẽ được đăng ký khai sinh, trong giấy khai sinh sẽ ghi tên người mẹ vì dựa vào giấy chứng sinh, còn phần khai sinh cha sẽ bỏ trống. Nên để xác định được quan hệ cha con về mặt pháp lý thì phải thông qua thủ tục đăng ký nhận con.
Thứ hai, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng khi một trong hai bên nam hoặc nữ đang có vợ hoặc đang có chồng. Đây là trường hợp trái với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu khi người đàn ông đang có vợ, thì việc xác định quan hệ mẹ con hay cha con cũng tương tự như trường hợp trên. Còn nếu chung sống khi người phụ nữ đang có chồng, thì khi đứa trẻ được sinh ra, người được xác định là cha mẹ của đứa trẻ là người phụ nữ và chồng của họ, Nên người đàn ông chung sống như vợ chồng không được suy đoán là cha của đứa trẻ cũng như không thể sử dụng quyền yêu cầu đăng ký nhận con theo thủ tục hành chính. Nếu người chồng của người phụ nữ yêu cầu xác định lại quan hệ cha con và Tòa án đã quyết định họ không là cha con thì lúc này mới thực hiện được thủ tục nhận con.
– Khi hai bên nam nữ kết hôn với nhau, việc kết hôn này là trái pháp luật và người phụ nữ sinh con. Khi này, hôn nhân của hai người không được pháp luật thừa nhận, nên con sinh ra sẽ được công nhận là con của người mẹ, mà không thể hiện được quan hệ cha con trong giấy khai sinh. Do vậy, cần thiết đặt ra vấn đề đăng ký nhận cha, mẹ, con.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ con, thi tại Điều 24 của Luật Hộ tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.” Như vậy, thẩm quyền thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã, điều này tạo điều kiện cho các bên thực hiện việc đăng ký cha, mẹ con được nhanh chóng.
Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014. Các giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con nêu trên là bắt buộc, các cá nhân phải có các giấy tờ này thì mới thực hiện được thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành kiểm tra các giấy tờ, tài liệu mà các cá nhân nộp lên Ủy ban nhân dân xã. Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con mà người yêu cầu yêu cầu là đúng và không có tranh chấp với chủ thể nào khác, thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và tiến hành báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định.
Trường hợp cần phải xác minh về các tài liệu, giấy tờ hoặc các thông tin liên quan thì thời hạn thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con được gia hạn thêm nhưng không quá 05 ngày làm việc.