Giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng là một trong những chính sách lớn và vô cùng đúng đắn của nhà nước ta nhằm mục đích góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và phát triển nền kinh tế lâm nghiệp. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì các đối tượng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng bao gồm những đối tượng nào?
Mục lục bài viết
1. Các đối tượng được Nhà nước giao rừng:
Trên thực tế hiện nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã và đang đẩy mạnh hoạt động giao rừng, cho thuê rừng và đây cũng là một trong những chính sách lớn, đúng đắn của Đảng. Thông qua các diện tích rừng được giao hoặc cho thuê, các cộng đồng dân cư, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững gắn liền với quá trình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khu sinh thái và sản xuất nông – lâm – nghiệp kết hợp dưới tán rừng.
Từ đó, công tác bảo vệ rừng được bảo đảm, vốn rừng hiện có sẽ được bảo vệ, giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi, nâng cao khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái. Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 428 của Luật Đất đai năm 2024) có quy định về vấn đề giao rừng. Theo đó, các đối tượng được nhà nước giao rừng bao gồm:
(1) Nhà nước giao rừng đặc dụng không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng thuộc một trong những trường hợp sau đây:
-
Ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia, khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan (trong đó bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, rừng bảo vệ môi trường đô thị, bảo vệ khu công nghiệp, danh lam thắng cảnh, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp cao); vườn thực vật quốc gia và rừng giống quốc gia;
-
Tổ chức khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đối với các loại rừng nghiên cứu, phục vụ cho hoạt động thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia;
-
Ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế đối với khu bảo vệ cảnh quan, trong đó bao gồm rừng bảo tồn khu di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường đô thị, bảo vệ khu công nghiệp, danh lam thắng cảnh, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp cao xen kẽ trong diện tích rừng được giao;
-
Cộng đồng dân cư áp dụng đối với các khu rừng tín ngưỡng mà họ đang quản lý/sử dụng theo truyền thống, tập quán;
-
Các tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học công nghệ, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trong lĩnh vực lâm nghiệp trong nước đối với rừng quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng được giao.
(2) Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng thực hiện một trong những trường hợp sau đây:
-
Ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị lực lượng vũ trang đối với loại rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ tại khu vực biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, rừng phòng hộ chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, rừng phòng hộ chắn biển;
-
Các tổ chức kinh tế đối với loại rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của chính các tổ chức đó;
-
Các hộ gia đình và cá nhân cư trú hợp pháp, tập trung trên địa bàn cấp xã, phường, thị trấn nơi có rừng phòng hộ đối với loại rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, rừng phòng hộ chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng và rừng phòng hộ lấn biển;
-
Cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp, thường xuyên trên địa bàn cấp xã, phường, thị trấn nơi có rừng phòng hộ đối với loại rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, rừng phòng hộ chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, rừng phòng hộ lấn biển; các loại rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư đó;
-
Ban quản lý rừng đặc dụng áp dụng đối với loại rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng.
(3) Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng thuộc một trong những trường hợp sau đây:
-
Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân cư trú hợp pháp, thường xuyên trên địa bàn cấp xã, phường, thị trấn nơi có diện tích rừng; hoặc các đơn vị lực lượng vũ trang;
-
Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với phần diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được bàn giao cho ban quản lý rừng đó.
2. Các đối tượng được Nhà nước cho thuê rừng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 có quy định về vấn đề cho thuê rừng. Theo đó, nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân thuê rừng sản xuất là loại rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng có trả tiền thuê rừng một lần hoặc trả tiền thuế hằng năm để tiến hành các hoạt động sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; hoặc kinh doanh các loại hình dịch vụ sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 184 của Luật Đất đai năm 2024 có quy định thêm:
-
Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các cá nhân thuê đất rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai;
-
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất rừng sản xuất là loại rừng tự nhiên sẽ không được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất/quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuế đất hằng năm;
-
Nhà nước cho các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất rừng sản xuất để thực hiện các hoạt động, dự án trồng rừng sản xuất phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy, các đối tượng được nhà nước cho thuê rừng bao gồm:
-
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
-
Hộ gia đình;
-
Cá nhân.
3. Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng dựa trên những nguyên tắc nào?
Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng dựa trên những nguyên tắc được liệt kê tại Điều 14 của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Cụ thể như sau:
-
Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với phần diện tích rừng đang hiện có tại địa phương;
-
Không thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang các mục đích khác, ngoại trừ dự án quan trọng cấp quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh cấp quốc gia; dự án cấp thiết khác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
-
Không giao rừng hoặc cho thuê phần diện tích rừng đang có tranh chấp trên thực tế;
-
Chủ sở hữu rừng không được cho các tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình khác thuê phần diện tích rừng tự nhiên, hoặc phần diện tích rừng trồng do Nhà nước đầu tư;
-
Thống nhất và đồng bộ giữa giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất;
-
Thời hạn và hạn mức giao rừng, thời hạn và hạn mức cho thuê rừng cần phải phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất và hạn mức cho thuê đất;
-
Cần phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, vô tư khách quan, có sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương; tuyệt đối không được thực hiện các hành vi phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và phân biệt giới trong hoạt động giao rừng, cho thuê rừng;
-
Tôn trọng không gian sinh tồn, tôn trọng phong tục tập quán của cộng đồng dân cư trong khu vực dựa trên cơ sở pháp luật, thượng tôn pháp luật; ưu tiên giao rừng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ gia đình, các cá nhân và cộng đồng dân cư có phong tục tập quán, có nền văn hóa tín ngưỡng, truyền thống gắn bó trực tiếp với rừng, các cộng đồng dân cư có hương ước và quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy, hoạt động giao rừng và cho thuê rừng của Nhà nước cần phải dựa trên 08 nguyên tắc cơ bản nêu trên.
THAM KHẢO THÊM: