Nhìn chung thì quan điểm về việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường đã được nhấn mạnh trong các văn kiện của nhà nước ta từ lâu. Vậy câu hỏi đặt ra, các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường bao gồm những công cụ nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là công cụ quản lý môi trường?
Công cụ quản lý về môi trường là khái niệm để chỉ các phương thức hay biện pháp hành động thực hiện công tác quản lý môi trường của nhà nước, của các tổ chức khoa học và sản xuất. Công cụ quản lý môi trường rất đa dạng, mỗi một công cụ sẽ mang một chức năng và phạm vi tác động nhất định, chúng liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Khi nhắc đến các công cụ quản lý về môi trường thì không thể không nhắc đến công cụ kinh tế.
Công cụ kinh tế hay còn gọi là công cụ thị trường, cách tiếp cận thị trường, đang ngày càng được nhiều nước sử dụng. Đây chính là sử dụng sức mạnh của thị trường để bảo vệ môi trường và đảm bảo cân bằng sinh thái. Tuy nhiên khi áp dụng công cụ này cần được cân nhắc một cách chặt chẽ để các công cụ này phù hợp với hệ thống tài chính và tập quán cũng như truyền thống và năng lực của hệ thống tài chính và hệ thống thể chế của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các công cụ kinh tế thì bao gồm nhiều loại, ví dụ như phí, thuế môi trường, giấy phép ô nhiễm, quyền sở hữu, thuế đầu vào, thuế sản phẩm, thuế suất nhập khẩu, lệ phí quản lý và hành chính…
2. Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường:
Thứ nhất, thuế tài nguyên. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp đơn thuần chỉ sử dụng thành phần môi trường thì chủ yếu các doanh nghiệp vừa sử dụng thành phần môi trường vừa khai thác sử dụng tài nguyên. Như vậy thông qua các cơ cấu kinh tế, chính sách thuế được chia làm hai loại đó là thuế tài nguyên và thuế môi trường. Chính phủ còn áp dụng các biện pháp giảm thuế nhằm khuyến khích các hoạt động có lợi cho môi trường như giảm thuế cho các ngành sản xuất phân bón vi sinh thay cho phân bón hóa học, các ngành công nghiệp xử lý rác thải, nước thải và sản xuất “sản phẩm xanh”. Do sử dụng thành phần môi trường nên các chủ thể bắt buộc phải nộp thuế và nó không mang tính chất đối giá và hoàn trả trực tiếp cho người sử dụng các thành phần môi trường, bởi mục đích của việc đánh thuế môi trường là nhằm bảo vệ môi trường đồng thời giữ cho môi trường trong lành phục vụ cho sự nghiệp phát triển lâu bền của đất nước.
Thứ hai, phí môi trường. Phí môi trường là công cụ kinh tế nhằm đưa chi phí môi trường vào giá sản phẩm theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Việc áp dụng phí môi trường đã có hiệu quả rõ nét, nhằm thay đổi hành vi của các đối tượng gây ô nhiễm đồng thời khuyến khích họ giảm lượng chất gây ô nhiễm thải ra ngoài môi trường. Ngoài ra thì phí bảo vệ môi trường còn có mục đích khác là tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư và khắc phục hậu quả. Hiện nay nước thải và các loại khí thải khác của các cơ sở sản xuất kinh doanh đang là nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường. Để có nguồn đầu tư và cải thiện môi trường cũng như khuyến khích các đối tượng gây ô nhiễm có biện pháp kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm thì nhà nước đã xây dựng chương trình thu phí bảo vệ môi trường như là một giải pháp sử dụng các công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường.
Thứ ba, hệ thống đặt cọc – hoàn trả. Hệ thống đặt cọc – hoàn trả bao gồm việc ký một số tiền cho các sản phẩm có tiềm năng gây ô nhiễm. Nếu các sản phẩm được đưa trả về một số điểm thu hồi quy định hợp pháp sau khi sử dụng, tức là tránh khỏi bị ô nhiễm, tiền ký thác sẽ được hoàn trả. Mục đích của hệ thống đặt cọc hoàn trả là thu gom những thứ mà người tiêu thụ đã dùng vào một trung tâm để tái chế hoặc tiêu hủy một cách an toàn đối với môi trường. Vì thế đây được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá cho các chính sách nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi chu trình sản xuất tuyến tính (khai khoáng – nguyên liệu thô – sản phẩm – phế thải) và hướng tới chu trình tuần hoàn trong đó các tài nguyên được tái chế và tái sử dụng ở mức độ tối đa.
Thứ tư, giấy phép môi trường có thể chuyển nhượng. Đây được coi là loại giấy phép xả thải mà người sử dụng được cấp có quyền chuyển nhượng số lượng và chất lượng xả thải của cơ sở mình cho người khác, hay còn gọi là đơn vị cần giấy phép để sa thải. Loại giấy này cho phép được đồ phế thải hay sử dụng một nguồn tài nguyên đến một mức định trước do pháp luật quy định và được chuyển nhượng bằng cách đủ thù hoặc trên cơ sở quyền sử dụng đất có sẵn. Giấy phép môi trường thường được áp dụng cho các tài nguyên môi trường khó có thể quy định quyền sở hữu và vì thế thường bị sử dụng bừa bãi nhưng không khí hoặc đại dương. Tuy nhiên ưu điểm đáng kể của loại công cụ này là sự kết hợp giữa tín hiệu giá cả, hạn mức ô nhiễm và cải tiến công nghệ. So với các loại thuế môi trường hay phí ô nhiễm thì thị trường giấy phép mang tính chắc chắn và bảo đảm hơn về kết quả đạt được mục tiêu môi trường, vì dù giao dịch mua bán như thế nào thì tổng lượng giấy phép vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát ở số phát hành ban đầu.
Thứ năm, ký quỹ môi trường. Đây là công cụ kinh tế áp dụng cho các hoạt động kinh tế có tiềm năng gây ô nhiễm và tổn thất môi trường. Nguyên lý hoạt động của hệ thống ký quỹ môi trường cũng tương tự như hệ thống đặt cọc hoàn trả. Nội dung chính của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trước khi tiến hành một hoạt động đầu tư phải ký gửi một khoản tiền tại ngân hàng hay tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo sự cam kết về thực hiện các biện pháp hạn chế suy thoái môi trường. Mục đích chính của việc ký quỹ là làm cho người có khả năng gây ô nhiễm suy thoái môi trường luôn nhận thức được trách nhiệm của họ từ đó tìm ra các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Thứ sáu, trợ cấp môi trường. Đây là công cụ kinh tế quan trọng được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, nó được thể hiện dưới nhiều hình thức như sau: Trợ cấp không hoàn lại, các khoản cho vay ưu đãi, cho phép khấu hao nhanh hoặc ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế). Chức năng của biện pháp này là giúp đỡ các ngành công nông nghiệp và các ngành khác khắc phục ô nhiễm môi trường trong điều kiện khi tình trạng ô nhiễm môi trường quá nặng nè hoặc khả năng tài chính của các doanh nghiệp không chịu đựng được đối với việc xử lý ô nhiễm, đồng thời nó còn nhằm khuyến khích các cơ quan nghiên cứu và triển khai các công nghệ sản xuất có lợi cho môi trường hoặc các công nghệ xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên phương pháp này lại được coi là biện pháp tạm thời, nếu vận dụng không thích hợp hoặc kéo dài sẽ dẫn đến phi hiệu quả kinh tế vì nó đi ngược với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
3. Vai trò của các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường:
Nhìn chung thì vai trò của công cụ kinh tế trong việc quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường bao gồm những khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, tăng cường hiệu quả chi phí, từ thực tiễn của việc áp dụng các công cụ kinh tế cho quản lý môi trường thì người ta đã rút ra kết luận rằng nếu cùng một mục tiêu môi trường cần đạt được như nhau khi sử dụng công cụ kinh tế so với công cụ điều hành và kiểm soát thì công cụ kinh tế có chi phí thấp hơn. Việc sử dụng công cụ kinh tế là liên quan đến giá cả, vì vậy việc sử dụng giá cả và cung cấp tính linh hoạt trong việc ứng phó với những tín hiệu giá cả, cho phép các cá nhân và doanh nghiệp tìm kiếm đến chi phí có tính hiệu quả hơn trong khả năng lựa chọn của họ.
Thứ hai, khuyến khích nhiều hơn cho việc đổi mới. Công cụ kinh tế không ra lệnh cho chiến lược kiểm soát mà những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên nó có tác động đến hoạt động kinh tế một cách tích cực để phát triển và lựa chọn chi phí kiểm soát hiệu quả mà không theo quy ước nào.
Thứ ba, khả năng tiếp thu và xử lý thông tin tốt. Công cụ kinh tế cơ bản dựa vào thị trường và bản thân chúng sẽ phát hiện ra chiến lược hiệu quả chi phí cho phép sự gặp gỡ các mục tiêu môi trường cần đạt được thông qua việc chi phí hiệu quả nhất. Công cụ kinh tế hướng tới sức mạnh thị trường để xác định việc lựa chọn công nghệ có chi phí thấp, với tính chất vượt trội này cho thấy khi chúng ta sử dụng công cụ điều hành và kiểm soát khó có thể thực hiện được.
Thứ tư, công cụ kinh tế thúc đẩy định hướng hành động ngày càng thân thiện hơn với môi trường trong mọi hoạt động kinh tế xã hội diễn ra thường xuyên, đồng thời làm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong nền kinh tế, Đây là yếu tố rất quan trọng liên quan đến công cụ giáo dục và nâng cao nhận thức quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm hướng tới một sự phát triển có tính bền vững.
4. Một số nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng công cụ kinh tế nhằm quản lý môi trường:
Thứ nhất, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (viết tắt là PPP). Nguyên tắc này xuất phát từ nền kinh tế phúc lợi. Nội dung quan trọng nhất đó là, một nền kinh tế lý tưởng là giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ đều có thể phản ánh đầy đủ các chi phí xã hội kể cả các chi phí môi trường. Giá cả phải nói lên sự thật về những chi phí sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Nếu không sẽ dẫn đến việc sử dụng bừa bãi các nguồn tài nguyên làm ô nhiễm trở nên trầm trọng. Người gây ô nhiễm phải trả tiền có nghĩa là buộc người gây ô nhiễm phải hoàn trả các khoản chi phí về sự phá hoại môi trường do hoạt động của họ gây ra. Điều này sẽ khuyến khích người ta giảm sự phá hoại. Phương pháp sử dụng các công cụ kinh tế nhấn mạnh lợi ích của các công cụ kinh tế được dùng để thay đổi thái độ của con người thông qua cơ chế về giá cả.
Thứ hai, nguyên tắc người hưởng thụ phải trả tiền. Đây là chủ trương tạo lập một cơ chế nhằm đạt được nhiều mục tiêu về môi trường. Đối nghịch với việc người trực tiếp gây ô nhiễm phải trả tiền, thì người hưởng thụ một môi trường đã được cải thiện cũng phải trả một khoản phí. Có thể hiểu nguyên tắc này là tất cả những ai hưởng lợi do có được môi trường trong lành không bị ô nhiễm thì đều phải nộp phí. Nguyên tắc này đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường một cách nhìn nhận riêng. Nguyên tắc chủ trương việc phòng ngừa ô nhiễm và cải thiện môi trường cần được hỗ trợ từ phía những người muốn thay đổi hoặc những người không phải trả giá cho các chất gây ô nhiễm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
– Nghị định 53/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.