Khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng, cần phải áp dụng các chế tài khác nhau đảm bảo tính răn đe và có chức năng trừng phạt, nâng cao ý thức của các bên trong hoạt động tôn trọng pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng xây dựng nói riêng. Dưới đây là các chế tài xử lí do vi phạm trong hợp đồng xây dựng.
Mục lục bài viết
1. Các chế tài xử lý do vi phạm trong hợp đồng xây dựng:
Trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, khi một bên không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình theo như thỏa thuận ban đầu thì bên bị vi phạm có thể áp dụng các chế tài để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Theo quy định của pháp luật hiện nay, có các loại chế tài thường được các bên áp dụng khi xảy ra vi phạm trong hợp đồng xây dựng như sau:
– Buộc thực hiện đúng hợp đồng. Buộc thực hiện đúng hợp đồng được coi là chế tài áp dụng khi bên bị vi phạm quan tâm đến chất lượng của công trình, số lượng của công trình. Đối với hợp đồng xây dựng thì buộc thực hiện đúng hợp đồng được coi là biện pháp đảm bảo hiệu lực của hợp đồng, giữ gìn uy tín của các bên trong hoạt động xây dựng. Buộc thực hiện đúng hợp đồng có thể được áp dụng trong trường hợp: Xây dựng công trình không đúng số lượng, không đúng chất lượng, không đúng thỏa thuận của các bên. Khi áp dụng chế tài này thì bên bị vi phạm cần phải gia hạn một khoảng thời gian hợp lý để bên vi phạm có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình;
– Phạt vi phạm. Phạt vi phạm được coi là chế tài có mục đích chủ yếu là tác động vào ý thức của các chủ thể trong hợp đồng xây dựng, phòng ngừa vi phạm hợp đồng và trừng phạt khi có hành vi vi phạm xảy ra trên thực tế. Điều kiện tiên quyết để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng đó là các bên bắt buộc phải có thỏa thuận trước về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng của mình. Ngoài ra, cả thuận giữa các bên cần phải đảm bảo các điều kiện để có hiệu lực pháp luật thì mới được áp dụng trên thực tế. Một số vấn đề cần lưu ý đối với chế tài phạt vi phạm đó là việc xác định mối quan hệ trong hợp đồng là loại quan hệ gì vậy đó có thể là quan hệ dân sự phải quan hệ kinh doanh thương mại, quan hệ trong lĩnh vực xây dựng … Việc xác định loại quan hệ trong hợp đồng được xem là căn cứ để bên bị vi phạm yêu cầu mức phạt phù hợp cũng như việc áp dụng đồng thời chế tài này với các chế tài còn lại;
– Bồi thường thiệt hại. Khác với chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hợp đồng được coi là chế tài được áp dụng nhằm mục đích khôi phục và bù đắp những tổn thất do hành vi vi phạm pháp luật của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm trên thực tế. Tổn thất này có thể là tổn thất về vật chất hoặc cũng có thể là tổn thất về tinh thần. Chính vì vậy, không nhất thiết các bên phải có thỏa thuận về chế tài bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm vẫn có thể căn cứ vào thiệt hại xảy ra trên thực tế để yêu cầu bồi thường cho những quyền lợi bị mất của mình. Bên bị vi phạm sẽ có nghĩa vụ chứng minh tổn thất của mình và yêu cầu một khoản lợi ích chính đáng mà mình đáng lẽ được hưởng. Căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại đó là: có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế xảy ra, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại đó;
– Tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là chế tài nhằm mục đích tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng xây dựng khi có sự vi phạm xảy ra trên thực tế. Khi tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hợp đồng xây dựng vẫn duy trì hiệu lực và bên bị vi phạm có thể tiến hành thực hiện các loại chế tài khác để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật
– Chấm dứt hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng. Hai hình thức chế tài này đều nhằm mục đích chấm dứt thực hiện nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng xây dựng mà các bên đã thỏa thuận trước đó. Khi hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng xây dựng sẽ không có hiệu lực được tính kể từ thời điểm giao kết. Trong khi đó, chấm dứt hợp đồng xây dựng vẫn ghi nhận quá trình thực hiện hợp đồng đến trước thời điểm mà các bên đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng xây dựng đó. Sự khác biệt này dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau cho việc các bên xử lý những nghĩa vụ đã thực hiện trong hợp đồng xây dựng.
2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm do vi phạm trong hợp đồng xây dựng:
Có thể kể đến những trường hợp miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng như sau:
– Miễn trách nhiệm do sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng xây dựng. Bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm pháp lý trong hợp đồng xây dựng nếu như các bên trong quá trình giao kết hợp đồng xây dựng đó đã thực hiện thủ tục thỏa thuận về các điều khoản miễn trừ trách nhiệm trước thời điểm khi có vi phạm xảy ra. Hoặc các bên cũng hoàn toàn có thể ngồi lại để thỏa thuận thương lượng với nhau về vấn đề miễn trách nhiệm sau khi đã có vi phạm xảy ra, khi đó vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người có quyền trong hợp đồng xây dựng. Thỏa thuận miễn trách nhiệm sẽ phải được ghi thành văn bản, và tốt nhất là có thể được thể hiện rõ nét trong hợp đồng xây dựng hoặc phụ lục của hợp đồng;
– Miễn trách nhiệm hợp đồng xây dựng do xảy ra trường hợp bất khả kháng. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ, tuy nhiên hành vi không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đó xảy ra do sự kiện bất khả kháng thì sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác. Đây là vấn đề được quy định cụ thể tại Điều 351 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, nếu như một bên vi phạm hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng thì theo quy định của pháp luật, bên đó sẽ được miễn trách nhiệm dân sự tức là sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như có thiệt hại xảy ra trên thực tế, sẽ không phải bị phạt vi phạm hợp đồng nếu như hợp đồng có quy định về điều khoản phạt vi phạm. Tuy nhiên cần phải hiểu và cần phải xác định rõ sự kiện xảy ra đó có phải là sự kiện bất khả kháng hay không. Hay nói cách khác, để có thể coi là bất khả kháng thì cần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự năm 2015 có định nghĩa về bất khả kháng. Theo đó, sự kiện bất khả kháng là khái niệm để chỉ một sự kiện xảy ra một cách khách quan, các chủ thể trong quá trình giao kết hợp đồng không thể lường trước được sự kiện đó, và các chủ thể cũng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng của mình tuy nhiên vẫn không hiệu quả;
– Miễn trừ trách nhiệm nếu như bên có quyền hoàn toàn có lỗi. Căn cứ theo quy định tại Điều 351 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, bên có nghĩa vụ sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu như bên có nghĩa vụ chứng minh được rằng nghĩa vụ không được thực hiện hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Như vậy có thể nói, nếu như một bên vi phạm hợp đồng xây dựng nhưng hoàn toàn xuất phát từ lỗi của bên còn lại thì bên vi phạm sẽ được miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên nếu việc vi phạm hợp đồng một phần xuất phát do lỗi của bên kia thì bên vi phạm hợp đồng xây dựng vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vi phạm xuất phát từ lỗi của mình.
3. Mức phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng là bao nhiêu?
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Điều 301 của Văn bản hợp nhất
– Mức phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, tuy nhiên không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm;
– Trừ trường hợp được quy định tại Điều 266 của Văn bản hợp nhất
+ Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cung cấp các loại chứng thư giám định có kết quả sai xuất phát từ lỗi vô ý của mình thì sẽ phải có trách nhiệm trả khoản tiền phạt cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Mức tiền phạt trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận, tuy nhiên không được vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định;
+ Trong trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cung cấp các loại chứng từ và các loại giấy tờ giám định có kết quả sai xuất phát từ lỗi cố ý của mình, thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng đối với những thiệt hại trực tiếp dựa trên yêu cầu giám định đó;
+ Khách hàng có nghĩa vụ chứng minh kết quả giám định sai và lỗi xuất phát từ thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định.
Như vậy có thể nói, mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công hiện nay được xác định là không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại;
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH 2020 hợp nhất Luật Xây dựng.