Bồi thường trong trường hợp gây tai nạn do không duy trì khoảng cách an toànTránh sự cố nên gây tai nạn bồi thường như thế nào? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tránh sự cố nên gây tai nạn bồi thường như thế nào? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tóm tắt câu hỏi:
Bố mình đi xe công vì tránh sự cố xảy ra ở đằng trước nên đã phanh lại và hơi đánh lái sang bên cạnh đồng thời cùng lúc đấy có một người đi xe máy đã đâm vào sau xe của bố tôi. Người kia bị gãy xương bánh chè phải đóng đinh vào chân trong vòng 6 tháng thì cho mình hỏi mức bồi thường đúng là bao nhiều?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Theo như bạn trình bày thì bố bạn vì tránh sự cố xảy ra ở đằng trước nên đã phanh lại và hơi đánh lái sang bên cạnh đồng thời cùng lúc đấy có một người đi xe máy đã đâm vào sau xe của bố bạn. Tuy nhiên, theo quy định Luật giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
"Điều 12. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe.
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường do địa phương quản lý."
Như vậy, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữa một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "cự ly tối thiếu giữa hai xe" phải giữa khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
Trong quá trình tham gia giao thông cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật giao thông đường bộ 2008. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 3 năm 2016 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 có hiệu lực áp dụng thay thế Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường
Thứ nhất: Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ
+ Tốc độ lưu hành > 60km/h khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 mét
+ Tốc độ lưu hành 80km/h khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 mét
+ Tốc độ lưu hành 100km/h khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét
+ Tốc độ lưu hành 120km/h khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 mét
Thứ hai: Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
Thứ ba: Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc khoảng cách khi mặt đường khô ráo.
Theo quy định của pháp luật trên thì khi bố bạn tham gia giao thông phải giữ một khoảng cách an toàn giữa các xe, do vậy, trong trường hợp này bố bạn đã vi phạm quy định về luật giao thông đường bộ nên nguyên nhân xảy ra tai nạn là do lỗi của bố bạn, thiệt hại xảy ra là người đi xe máy đã bị gãy xương ở đầu gối chân và phải đóng đinh, nên bố bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Căn cứ Điều 609 Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm Bộ luật dân sự 2005:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Như vậy, trong trường hợp này người bị thiệt hại sẽ được bồi thường các chi phí bao gồm:
– Chi phí hợp lý do việc cứu chữa, bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của bạn khi chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
– Được bù đắp một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường này có thể do hai bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 202 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 quy định tội phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
"1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.''
Cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
– Chủ thể: chỉ những người tham gia điều khiển phương tiện giao thông bao gồm xe thô sơ, xe cơ giới các loại. Người tham gia giao thông bao gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người chăn dắt. điều khiển súc vật. Những người thực hiện hành vi này từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự.
– Khách thể: trật tự an toàn giao thông đường bộ; Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; sức khỏe, tính mạng của người khác.
– Mặt Chủ quan:
+ Người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
+ Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
+ Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
– Mặt Khách quan: người phạm tội này đã có hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn.
Như vậy, trong trường hợp người điều khiển xe vi phạm các quy định về giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định trên và phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.