Bồi thường thiệt hại khi xảy ra va chạm giao thông. Trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ.
Tóm tắt câu hỏi:
Gần đây tôi có điều khiển xe gắn máy và va chạm với một chiếc xe ô tô. Xe ô tô dừng xe cách lề 75cm, không nổ máy, không bật tín hiệu báo nguy hiểm. Trong khi rẽ tôi đã va chạm và làm xước 1 bên xe phía sau của ô tô. Hiện tôi đang làm việc với bên cảnh sát giao thông và biên bản gần đây tôi được đề nghị ký thì họ ghi tôi không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn, bên ô tô không có lỗi gây tai nạn và chỉ bị phạt hành chính lỗi dừng xe không sát mép. Vậy khi giải quyết hậu quả về vết xước của chiếc ô tô là cả 2 bên phải chịu hay chỉ mình tôi phải đền bù? Cám ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh”.
Ngoài ra, Khoản 4 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, gầm cầu vượt;
d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
g) Nơi dừng của xe buýt;
h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ”.
Do đó, chiếc xe ô tô đã đỗ xe không sát mép đường nên đây là hành vi có lỗi vi phạm quy định pháp luật giao thông đường bộ.Tuy nhiên, trong biên bản điều tra, bạn là người lái xe có lỗi vì không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông. Áp dụng theo quy định tại Điều 617 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”
>>> Luật sư
Trong trường hợp của bạn, chủ xe ô tô và bạn đều có lỗi nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của các bên gây ra. Nếu không có căn cứ để xác định mức độ lỗi của mỗi bên thì trách nhiệm hỗn hợp được chia đều, mỗi bên chịu trách nhiệm về tài sản theo phần bằng nhau. Vì vậy, 2 bên nên thỏa thuận với nhau để giải quyết vấn đề bồi thường sao cho thỏa đáng một cách nhanh gọn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức.