Bồi thường thiệt hại do vi phạm quy tắc an toàn lao động gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có người bị thiệt hại do bị điện giật. Nguồn nguy hiểm cao độ.
Bồi thường thiệt hại do vi phạm quy tắc an toàn lao động gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có người bị thiệt hại do bị điện giật. Nguồn nguy hiểm cao độ.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, anh trai em là 1 công nhân bên ngành điện lực, cách đây ít hôm trong khi sửa chữa điện cùng với 1 đồng nghiệp khác thì vô tình gây tai nạn khiến 1 người dân tử vong, bây giờ anh trai em và đồng nghiệp cùng làm đang bị tạm giam. Cho em hỏi vấn đề này thì xử lý như thế nào ạ? Em đang ở xa nên không thể nhận điện thoại chỉ có thể đọc qua mail. Rất mong có sự hồi đáp của luật sư. Em cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngòai hợp đồng có quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Sự việc chập cháy đường điện gây thiệt hại về người đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân sẽ phụ thuộc vào yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi. Hậu quả xảy ra do sự kiện bất khả kháng không thể lường trước được và không thể tránh được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép thì sẽ xem xét đến trường hợp miễn hoặc được kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ. Có thể chia thành các trường hợp sau:
Trường hợp 1. Sự việc gây tai nạn trong quá trình sửa chữa điện do yếu tố bất khả kháng.
Sự kiện bất khả kháng xảy ra không phải do lỗi của bất kỳ bên nào, mà hoàn toàn ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Khi sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên có dấu hiệu có lỗi (hay vi phạm hợp đồng) được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự. Bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này và không bị truy tố pháp luật.
Trường hợp 2. Lỗi do anh bạn khi tiến hành việc lắp đặt đường dây, gây hở điện dẫn đến việc chập cháy và gây thiệt hại, anh bạn sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc bồi thường khi có sự cố gây chết người, đồng thời, tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì người có lỗi cố ý hoặc vô ý trong việc gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong một số trường hợp luật định thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản còn phải bồi thường ngay cả trong trường hợp không có lỗi. Theo quy định của Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 thì người làm người làm công, người học nghề trong khi thực hiện công việc được giao gây ra thiệt hại thì cá nhân, pháp nhân sử dụng người làm công, học nghề sẽ phải bồi thường thiệt hại về có quyền yêu cùa hoàn trả một khoản tiền theo quy định. Nếu việc anh bạn và đồng nghiệp của anh bạn không bảo đảm các quy tắc an toàn trong quá trình làm việc, gây nên thiệt hại về tình mạng cho người khác thì đơn vị sử dụng lao động là anh bạn và đồng nghiệp của anh bạn sẽ phải bồi thường thiệt hại, và sau đó có quyền yêu cầu anh bạn và đồng nghiệp hoàn trả lại một khoản tiền theo quy định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:
"Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật bồi thường thiệt hại trong lao động: 1900.6568
– Về trách nhiệm hình sự:
Nếu có lỗi không đảm bảo an toàn trong quá trình lao động sửa chữa đường điện dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (gây chết người) thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sư theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 1999. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, anh bạn sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng.
"Điều 227. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn trong lao động:
– Khách thể: Xâm phạm đến sự an toàn trong lao động ở nơi sản xuất hoặc những nơi đông người.
– Chủ thể: Người trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 1999, có khả năng nhận thức và làm thủ hành vi của mình.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi khách quan là hành vi vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở những nơi đông người dẫn đến thiệt hại về tài sản, sức khỏe hoặc tính mạng được thể hiện qua một số biểu hiện: Sử dụng các trang thiết bị không đảm bảo an toàn; không đảm bảo các yêu cầu chung về an toàn tại nơi đông người; không sử dụng biện pháp bảo đảm,…
+ hậu quả: Hậu quả là dấu hiệu cấu thành tội phạm bắt buộc của tội phạm này, đó là những thiệt hại: chết người, thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.
– Mặt chủ quan: Lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cầu thả
Lỗi vô ý được xác định là đã có thể thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng chủ quan cho rằng hậu quả ấy có thể ngăn chặn được. Như vậy, với trường hợp của anh bạn trong quá trình sửa chữa điện, có hành vi không bảo đảm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi đông người gây chết người thì có thể bị truy cứu hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn trong lao động tùy từng khung hình phạt tương ứng.