Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học và cấp chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước quyết định việc bồi hoàn chi phí đào tạo đối với người học vi phạm. Vậy quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo thuộc nguồn ngân sách nhà nước như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bồi hoàn chi phí đào tạo thuộc nguồn ngân sách nhà nước:
1.1. Nguyên tắc bồi hoàn chi phí đào tạo thuộc nguồn ngân sách nhà nước:
Căn cứ Điều 2 Nghị định 143/2013/NĐ-CP về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo quy định về nguyên tắc bồi hoàn chi phí đào tạo, Điều này quy định nguyên tắc bồi hoàn chi phí đào tạo như sau:
– Người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi để học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm có cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam) và gia đình của người học ở Việt Nam (bao gồm: bố, mẹ đẻ hoặc chồng, vợ hoặc là người đại diện hợp pháp khác của người học) có cam kết về việc bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước theo đúng các quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp người học không trở về Việt Nam sau khi đã tốt nghiệp để chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì gia đình của người học ở Việt Nam có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo.
– Người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo những Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có cam kết việc bồi hoàn toàn bộ hoặc bồi hoàn một phần chi phí đào tạo được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước theo các quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP.
– Toàn bộ về số tiền bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ được nộp về ngân sách nhà nước.
– Việc bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
1.2. Trường hợp bồi hoàn chi phí đào tạo:
Căn cứ Điều 3 Nghị định 143/2013/NĐ-CP về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo quy định về trường hợp bồi hoàn chi phí đào tạo, Điều này quy định trường hợp bồi hoàn chi phí đào tạo bao gồm:
– Người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi để học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước và người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo những Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không chấp hành về sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày mà người học được công nhận tốt nghiệp. Trong trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu như được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép được tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo.
– Người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 143/2013/NĐ-CP mà tự ý bỏ việc. Thời gian làm việc được quy định như sau:
+ Người học theo học trình độ cao đẳng, trình độ đại học sau khi đã tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gấp 2 (hai) lần của số thời gian được hưởng chi phí đào tạo.
+ Người học theo học trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ sau khi tốt nghiệp phải chấp hành về sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gấp 3 (ba) lần số thời gian được hưởng chi phí đào tạo.
1.3. Chi phí bồi hoàn và cách tính chi phí bồi hoàn:
– Chi phí bồi hoàn bao gồm có: Học phí, học bổng và những khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học đã được ngân sách nhà nước cấp.
– Chi phí đào tạo được cấp bao gồm có: Học phí, học bổng, sinh hoạt phí và những khoản chi phí khác đã được ngân sách nhà nước cấp cho người học theo chế độ quy định.
– Cách tính chi phí bồi hoàn:
+ Đối với trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, người học sẽ phải bồi hoàn 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước.
+ Đối với người học được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP thì chi phí bồi hoàn sẽ được tính theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 – T2). Trong đó:
++ S chính là chi phí bồi hoàn;
++ F chính là chi phí đào tạo được cấp;
++ T1 chính là thời gian làm việc theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tính bằng số tháng làm tròn;
++ T2 chính là thời gian đã làm việc sau khi được điều động được tính bằng số tháng làm tròn.
Thêm nữa, tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP có quy định trường hợp người học chưa chấp hành đủ về thời gian làm việc theo quy định, thì thời gian làm việc chỉ được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi đào tạo đại học ở trong thời gian 48 tháng, chi phí đào tạo đã được cấp từ ngân sách nhà nước là 60 triệu đồng. Thời gian phải chấp hành sự điều động làm việc sau khi đã hoàn thành khóa học của anh A là 96 tháng. Sau khi tốt nghiệp thì anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được 47 tháng 16 ngày, sau đó anh A đã tự ý bỏ việc. Theo nguyên tắc làm tròn tháng thì thời gian anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được làm tròn lên thành 48 tháng. Chi phí mà anh A phải bồi hoàn là:
S = | 60000000 đ | x (96 tháng – 48 tháng) = 30.000.000 đ |
96 tháng |
2. Trả và thu hồi chi phí bồi hoàn đào tạo thuộc nguồn ngân sách nhà nước:
– Chậm nhất trong thời hạn là 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày mà nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học hoặc là gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.
– Chi phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước theo sự phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và theo các quy định của Luật ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách.
– Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam không thực hiện về nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bồi hoàn có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
– Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam chậm thực hiện về nghĩa vụ bồi hoàn theo thời hạn thì sẽ phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Nếu như Ngân hàng Nhà nước không quy định về lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì người học hoặc là gia đình người học ở Việt Nam sẽ phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam ở tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.
3. Trình tự họp hội đồng xét chi phí bồi hoàn đào tạo thuộc nguồn ngân sách nhà nước:
Căn cứ Điều 6 Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP thì trình tự họp Hội đồng xét chi phí bồi hoàn đào tạo thuộc nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
– Chuẩn bị họp Hội đồng:
+ Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm thực hiện tổ chức cuộc họp xét chi phí bồi hoàn;
+ Thư ký Hội đồng có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu có liên quan đến cuộc họp xét chi phí bồi hoàn.
– Trình tự họp Hội đồng:
+ Thư ký Hội đồng bắt đầu đọc quyết định thành lập Hội đồng;
+ Chủ tịch Hội đồng nêu lên nhiệm vụ và chương trình làm việc của Hội đồng;
+ Thư ký Hội đồng đọc những quy định liên quan đến việc xét chi phí bồi hoàn;
+ Người phụ trách công tác tài chính, kế toán của cơ quan báo cáo những khoản chi phí cho khóa học và thông báo trường hợp đang được xét bồi hoàn thuộc vào trường hợp nào trong các trường hợp phải bồi hoàn;
+ Người phụ trách trực tiếp người lao động phải báo cáo về thời gian chấp hành sự điều động tại cơ quan (nếu có);
+ Người đại diện tổ chức công đoàn bảo vệ về quyền lợi cho người lao động (nếu có);
+ Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu kín về trường hợp bồi hoàn và các chi phí bồi hoàn;
– Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả bỏ phiếu kín, thông qua biên bản cuộc họp. Chủ tịch hội đồng và Thư ký cuộc họp phải ký vào biên bản cuộc họp.
– Kiến nghị về chi phí bồi hoàn của Hội đồng phải được lập thành văn bản và phải gửi đến thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp.
– Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng thì thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền ra quyết định việc bồi hoàn chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 143/2013/NĐ-CP về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
– Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP.