Quyền sở hữu tài sản của cá nhân được hiến pháp và pháp luật bảo hộ, cùng với đó, cá nhân có quyền định đoạt đối với tài sản của mình. Vậy trong trường hợp bố mẹ đi nước ngoài, thì ai sẽ là người quản lí tài sản của con, đặc biệt là con dưới 15 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Mục lục bài viết
1. Con cái có được phép có tài sản riêng không?
Theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về dân sự, thì con cái có quyền quản lí tài sản riêng của mình. Theo đó, tài sản riêng của con cái có thể bao gồm những loại sau, đó là: (1) Tài sản được thừa kế riêng người con, (2) tài sản được tặng cho riêng, (3) thu nhập từ lao động do con tự tạo ra, (4) những hoa lợi (hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại), (5) lợi tức (lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản) phát sinh từ tài sản riêng của con và (6) cả những thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, ví dụ như tiền thường, tiền trúng xổ số… Ngoài ra, những tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con thì cũng được ghi nhận là tài sản riêng của con. Như vậy theo quy định của khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành thì con cái hoàn toàn có quyền có tài sản riêng, những tài sản đó được pháp luật liệt kê thành 6 loại kể trên.
2. Ai sẽ là người quản lý tài sản riêng của các con khi bố mẹ đi nước ngoài?
Căn cứ theo Điều 76 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành như đã phân tích ở trên, thì tài sản riêng của con sẽ do cha mẹ của trẻ quản lí. Trường hợp cha mẹ đi nước ngoài thì họ hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác quản lý (ví dụ như ông bà nội, ông bà ngoại, cô dì chú bác ruột…). Trường hợp khi con đã đủ 15 tuổi trở lên thì tài sản riêng sẽ được giao lại cho người con đó quản lý. Như vậy, khi cha mẹ đi nước ngoài, tài sản riêng của con được quản lí trong những trường hợp sau:
– Trường hợp con đã đủ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Tự mình quản lí.
– Trường hợp con chưa đủ 15 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự: Cha mẹ đi nước ngoài tiến hành ủy quyền lại cho người khác để quản lí tài sản riêng của con. Khi con đủ 15 tuổi hoặc khi con đã khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì người quản lí đó phải giao lại tài sản cho người con đó tự quản lí, trừ trường hợp giữa cha mẹ và các con có thỏa thuận khác.
– Trường hợp cha mẹ nuôi: Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và khoản 1 Điều 78 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 hiện hành, kể từ ngày giao nhận con nuôi, bố mẹ nuôi hoàn toàn có quyền quản lý tài sản riêng của con như trường hợp bố mẹ đẻ. Vì thế cũng áp dụng tương tự pháp luật như bố mẹ đẻ.
3. Quy định của pháp luật về việc cha mẹ quản lí tài sản của con:
3.1. Những trường hợp cha mẹ được phép quản lí tài sản riêng của con:
Pháp luật ghi nhận quy định con cái được quyền tự quản lí tài riêng. Tuy nhiên để thực hiện được quyền đó, cá nhân phải đáp ứng được các yếu tố về độ tuổi và năng lực hành vi dân sự theo Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
– Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể lựa chọn hai cách thức phụ thuộc vào ý chí của mình, tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý thay. Trường hợp con đủ từ 15 tuổi trở lên nhưng mất năng lực hành vi dân sự thì tài sản riêng của con được giao cho cha mẹ quản lí. Nếu cha mẹ đang quản lí tài riêng của con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà người con đó lại được giao cho người khác tiến hành giám hộ thì tài sản riêng của con cũng đồng thời phải được giao lại cho người giám hộ mới quản lí theo đúng quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp người con đã được khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thì tài sản riêng đó phải được giao lại cho người con tự quản lí, trừ trường hợp giữa cha mẹ và con cái có sự thỏa thuận khác;
– Đối với con dưới 15 tuổi, còn hay mất năng lực hành vi dân sự, đều do cha mẹ quản lí. Trong quá trình quản lí đó , cha mẹ hoàn toàn có thể ủy quyền lại cho người khác tiến hành quản lí tài sản riêng của con thay mình. Và khi con đủ 15 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thì tài sản đó phải được cha mẹ hoặc người đang quản lí giao lại cho con, trừ trường hợp giữa cha mẹ và con cái có sự thỏa thuận khác.
3.2. Những trường hợp cha mẹ không được phép quản lí tài sản riêng của con:
Pháp luật cũng quy định những trường hợp loại trừ trách nhiệm quản lí tài sản riêng của cha mẹ theo khoản 3 Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
– Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự (không xác định được cha mẹ, không còn cha mẹ, cha mẹ bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, hoặc cha mẹ bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế quyền đối với con);
– Người tặng cho tài sản hoặc người để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó;
– Con được giao cho người giám hộ mới thì tài sản riêng của con cũng đồng thời phải được giao lại cho người giám hộ mới quản lí.
4. Con chưa thành niên có được tự định đoạt tài sản riêng của mình không?
4.1. Khái niệm về con chưa thành niên:
Một cá nhân được coi là người trưởng thành khi tâm sinh lí và thể chất phát triển đến một mức độ hoàn chỉnh. Các nghiên cứu về tâm lí học, sinh học đã chỉ ra rằng cá nhân đạt đến sự phát triển hoàn chỉnh về tâm sinh lí và thể chất khi đã đủ 18 tuổi và được coi là người thành niên. Xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu khoa học của nhiều ngành khác nhau mà các văn bản pháp lí, công ước, điều ước quốc tế về trẻ em đều ghi nhận rằng, trẻ em được xác định là người dưới mười lăm tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn, và những người chưa thành niên là người dưới mười tám tuổi.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khái niệm người chưa thành niên được quy định tại rất nhiều văn bản luật thuộc các ngành luật khác nhau như: Dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, lao động… và đều thống nhất người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên ở mỗi ngành luật sẽ quy định về người chưa thành niên ở các nhóm tuổi khác nhau phù hợp với đối tượng điều chỉnh riêng như: Đủ mười năm tuổi là độ tuổi của người lao động (theo pháp
Con chưa thành niên là khái niệm được nhắc đến trong ngành luật hôn nhân và gia đình có nghĩa hẹp hơn khái niệm người chưa thành niên, tuy nhiên chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa khái niệm này. Con chưa thành niên không chỉ được đặt trong mối quan hệ với những người thân trong gia đình như cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, anh chị em ruột, ông bà nội, ông bà ngoại…, người giám hộ trong trường hợp con chưa thành niên có người giám hộ theo quy định của pháp luật.
Với sự thống nhất về khái niệm người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật của nước ta như vậy, có thể xác định, con chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
4.2. Tự định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên:
Theo như đã phân tích ở trên, vì con chưa thành niên chưa có sự phát triển hoàn thiện về tâm sinh lí, thể chất nên tùy từng mức độ tuổi việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của con chưa thành niên được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc con chưa thành niên tự mình tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhưng phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, sự đồng ý này cũng phải xuất phát từ lợi ích của người con. Ví dụ như trường hợp con từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi sẽ có quyền tự định đoạt tài sản của mình nhưng đối với những tài sản có giá trị lớn như bất động sản hoặc động sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc các tài sản khác dùng trong việc kinh doanh thì phải có sự đồng ý của người quản lí tài sản (cha mẹ, người giám hộ hoặc người quản lí tài sản đang được cha mẹ ủy quyền).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
THAM KHẢO THÊM: