Thuế và hoá đơn, chứng từ là những tài liệu quan trọng chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ của công dân với Nhà nước trong hoạt động kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên trong một số trường hợp việc thực hiện nghĩa vụ này có những sai sót gây ảnh hưởng và để lại một số hậu quả nghiêm trọng. Vậy biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn?
Hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn được xác định là những hành vi thực hiện sai lệch hoặc không thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến vấn đề thuế, hoá đơn mà pháp luật quy định.
Căn cứ theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 thì hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế được quy định thành các nhóm riêng biệt, cụ thể như sau:
– Nhóm thứ nhất, hành vi vi phạm về thủ tục thuế. Nhóm hành vi này bao gồm các hành vi liên quan đến thủ tục liên quan đến thuế như: thời gian đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế; thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế; hành vi kê khai sai, không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế; hành vi vi phạm việc cung cấp thông tin nghĩa vụ thuế;…;
– Nhóm thứ hai, hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn dẫn đến hậu quả là thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn hoặc không thu. Hành vi này được thể hiện thông qua một số hành vi cụ thể như: khai sai căn cứ tính thuế; hành vi nộp hồ sơ xác định sai số liệu; hành vi sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp,…;
– Nhóm thứ ba, hành vi vi phạm nghĩa vụ nộp thuế (hay còn gọi là trốn thuế). Nhóm hành vi này được thể hiện thông qua một số hành vi cụ thể như: không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không xuất hoá đơn khi kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp; cố ý không kê khai hoặc khai sai thuế với hàng hoá xuất- nhập khẩu;…
Ngoài ba nhóm hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn nêu trên thì việc vi phạm trong lĩnh vực thuế, hoá đơn còn được thể hiện thông qua một số hành vi khác như:
– Hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý thuế;
– Hành vi vi phạm của ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế trong lĩnh vực quản lý thuế;
– Vi phạm hành chính về lĩnh vực phí, lệ phí và hoá đơn trong việc quản lý thuế.
2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn:
Việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn được thực hiện theo một số nguyên tắc nhất định được quy định tại Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành. Cụ thể các nguyên tắc được áp dụng khi xử lý vi phạm như sau:
– Thứ nhất, nguyên tắc chỉ xử lý khi có vi phạm. Theo đó, việc xử lý vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn chỉ đặt ra khi cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn và việc xử lý sẽ được thực hiện theo các quy định về quản lý thuế và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
– Thứ hai, nguyên tắc xử lý theo từng hành vi vi phạm. Xử phạt vi phạm được thực hiện theo nguyên tắc xử lý đúng người, đúng tội. Có nghĩa là cá nhân hay tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn thì sẽ bị xử phạt theo từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên một số trường hợp chỉ xử phạt theo khung cao nhất theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 10 năm 2020. Cụ thể các trường hợp đó được quy định như sau:
+ Trường hợp 1: Cùng một thời điểm mà người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung tiền cao nhất trong nhóm các hành vi đã thực hiện và áp dụng tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần;
+ Trường hợp 2: Cùng một thời điểm mà người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ kê khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một thuế sắc thì chỉ bị xử phạt vi phạm đối với hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện và áp dụng tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần;
+ Trường hợp 3: Cùng một thời điểm mà người nộp thuế chậm nộp nhiều báo cáo,
Trường hợp 4: Sử dụng hoá đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
– Thứ ba, nguyên tắc thu tiền phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn. Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Trừ một số mức phạt tiền đối với những hành vi khai sai thuế, hành vi trốn thuế; hành vi vi phạm của ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp thuế được quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này.
3. Quy định của pháp luật hiện hành về việc xử phạt hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn:
Đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo một trong các hình thức được quy định tại Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 10 năm 2020 tuỳ theo mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân đó:
3.1. Xử phạt hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn bằng hình thức cảnh cáo:
Theo quy định của nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì việc phạt cảnh cáo chỉ áp dụng đối với những hành vi vi phạm về thủ tục thuế, hoá đơn không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và thuộc những trường hợp được áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Nghị định này.
3.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn bằng hình thức phạt tiền:
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành thì việc phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn được thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Đối với hành vi vi phạm hành chính về hoá đơn thì mức phạt tiền tối đa không quá 100 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi và không quá 50 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi;
– Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mức phạt tiền tối đa không quá 200 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi và không quá 100 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi;
– Đối với hành vi khai sai dẫn đến việc thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì bị phạt 20% số tiền thuế thuế hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy đổi;
– Đối với hành vi trốn thuế thì bị phạt tiền từ 01 đến 03 lần số tiền thuế trốn.
Ngoài ra, cá nhân hay tổ chức vi phạm về thuế, hoá đơn còn phải áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động in hoá đơn có thời hạn. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm về thuế, hoá đơn:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì một số biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm thuế, hoá đơn được áp dụng như sau:
– Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước;
– Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau;
– Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn;
– Buộc lập hóa đơn theo quy định;
– Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in;
– Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin;
– Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn;
– Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Một số văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
– Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 10 năm 2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.