Ngày nay thì giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày càng diễn ra phổ biến, vì thế các nguồn thu từ quá trình giao dịch này được coi là một nguồn lợi lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên có rất nhiều cách thức khác nhau mà các chủ thể đã gian lận vào gây thất thu đối với nhà nước.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các hành vi gian lận thuế khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
- 2 2. Biện pháp chống thất thu thuế chuyển quyền sử dụng đất:
- 3 3. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn và gian lận thuế chuyển quyền sử dụng đất:
- 4 4. Hành vi gây thất thu thuế chuyển quyền sử dụng đất có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
1. Các hành vi gian lận thuế khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Cũng như các loại thuế khác, gian lận thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất là những hành vi làm giảm số thuế đáng lẽ phải nộp cho nhà nước. Một số hành vi gian lận thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nước ta hiện nay thể hiện ở một số hình thức như:
Thứ nhất, tự kê khai đó là tài sản duy nhất. Luật thuế hiện hành có quy định, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế; đồng thời người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực về kê khai của mình. Tuy nhiên, thực tế, cơ quan chức năng không thể kiểm soát được từng cá nhân có bao nhiêu nhà ở, đất ở. Đây chính là kẽ hở để không ít người sẵn sàng kê khai là tài sản duy nhất để không phải nộp thuế.
Thứ hai, hạ giá chuyển nhượng để chịu mức thuế thấp. Hệ thống văn bản pháp luật thuế thu nhập cá nhân quy định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá thực tế ghi trên hợp đồng, tại thời điểm chuyển nhượng nhưng không thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Thực tế, trên thị trường bất động sản, giá đất mua bán thường cao hơn giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định. Nhưng vì lợi ích của cả người mua và người bán, nên họ thường thoả thuận ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn thực tế. Như thế sẽ được nộp thuế thấp hơn số thực tế phải nộp. Kết quả là, cả đôi bên mua bán đất cùng có lợi, chỉ riêng Nhà nước chịu thất thu thuế.
Thứ ba, thực hiện hành vi chuyển nhượng bắc cầu. Pháp luật thuế hiện nay quy định rằng, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa những người trong gia đình với nhau thì được miễn thuế thu nhập cá nhân. Lợi dụng quy định này, nhiều trường hợp đã sử dụng mối quan hệ bắc cầu để trốn thuế. Ngoài ra, hành vi gian lận thuế còn được thực hiện dễ dàng thông qua hình thức mua bán bằng giấy tay, hoặc mua bán bằng các hợp đồng chuyển nhượng và chỉ đăng ký với Nhà nước trong lần chuyển nhượng cuối cùng, điều này dẫn đến thất thu thuế nghiêm trọng nếu như khoảng cách giữa lần sang tay đầu tiên và lần sang tay cuối cùng kéo dài qua nhiều lần, nhiều chủ.
2. Biện pháp chống thất thu thuế chuyển quyền sử dụng đất:
Trước tình trạng thất thu thuế trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì có thể đặt ra một số biện pháp sau đây cần phải chú ý:
Thứ nhất, cần phải chú trọng hơn nữa trong công tác phối hợp chống hiện tượng thất thu trong lĩnh vực chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải phối hợp với các Bộ, các Ngành có chức năng và nhiệm vụ liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Chi cục Thuế phải phối hợp với các cơ quan và các đơn vị khác cũng như Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để tiến hành xác định vị trí đối với những thửa đất được đưa vào giao dịch chuyển nhượng, để làm cơ sở cho công tác tính toán các khoản thuế và phí phải nộp của người chuyển nhượng. Ngoài ra thì Phòng Tài nguyên và môi trường dựa trên chức năng và nhiệm vụ của mình cũng cần phải phối hợp với các đơn vị có liên quan trong địa bàn có đất chuyển nhượng đối với việc điều tra và xác định giá đất cũng như khảo sát thực tế trên thực địa. Tiến hành xác định giá giao dịch phù hợp với giá thị trường, cũng như tổng hợp và cung cấp các thông tin cho cơ quan Thuế để làm cơ sở cho công tác phòng chống và đấu tranh trước tình trạng thất thu trong quá trình kê khai thuế chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất.
Thứ hai, cần phải chú trọng hơn nữa phương pháp xây dựng giá đất cũng như hệ số điều chỉnh. Có thể thấy rằng việc xây dựng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm của các địa phương cần thiết phải phù hợp và sát với giá thực tế để tiến hành giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường. Đây được coi là một trong những biện pháp quan trọng cần phải chú ý hàng đầu để giải quyết được tình trạng thất thu và quản lý tốt hơn đối với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Biện pháp này là một trong những yếu tố quyết định nên sự thành công của việc quản lý được sự thất thu thuế. Nếu như trường hợp giá đất được xây dựng đúng và sát với giá trị thị trường tức là hành vi trốn thuế thông qua hình thức ghi giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch thực tế sẽ được khắc phục và giải quyết triệt để.
Thứ ba, cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý thuế nói chung và thuế trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng. Các bộ, ban ngành cần xác định rõ được vị trí và vai trò của thuế cũng như các loại thuế khi thực hiện quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Đối với trường hợp mà giá chuyển nhượng thấp hơn giá giao dịch trên thực tế, thì cơ quan Thuế có thẩm quyền sẽ phải tiến hành thực hiện thu thập thông tin và yêu cầu người nộp thuế phải giải trình để kê khai điều chỉnh bổ sung hoặc ấn định thuế sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ sở để tiến hành ấn định thuế chính là dữ liệu giá giao dịch trên thị trường tại địa bàn và dữ liệu giá đất trong bảng giá đất, cũng như hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm do Ủy ban nhân dân của địa phương đó ban hành.
3. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn và gian lận thuế chuyển quyền sử dụng đất:
Về nguyên tắc thì chế tài hành chính chỉ được áp dụng để xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Vì thế cho nên muốn áp dụng chế tài hành chính đối với hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực thuế thì cần phải nhận diện rõ hành vi đó có phải là vi phạm hành chính hay không và tính chất cũng như mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó như thế nào để áp dụng các biện pháp chế tài phù hợp. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các biện pháp chế tài hành chính được áp dụng đối với một số nhóm vi phạm hành chính về thuế cụ thể. Hình thức phạt tiền được áp dụng đối với hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trong đó mức phạt tiền có thể áp dụng ở mức khác nhau đối với mỗi loại hành vi vi phạm.
Đối với hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra thuế và kết luận thanh tra thuế xác định là có hành vi khai man, trốn thuế nhưng người nộp thuế vi phạm lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ, và nay đã tự giác nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì cơ quan Thuế lập biên bản ghi nhận để xác định loại hành vi khai thiếu thuế. Còn đối với hành vi gian lận và trốn thế thì có thể sẽ bị phạt tiền gấp từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế, tùy từng trường hợp có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ hay không theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
4. Hành vi gây thất thu thuế chuyển quyền sử dụng đất có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Trong quá trình áp dụng pháp luật thuế thì nếu hành vi vi phạm pháp luật thuế nói chung và thuế trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng cấu thành một hoặc nhiều tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự thì người vi phạm sẽ phải chịu chế tài hình sự. Về phương diện pháp lý thì chế tài hình sự là trách nhiệm pháp lý mà nhà nước áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng hành vi này có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thuế. Những hành vi này đều có đặc điểm chung là do người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến lĩnh vực thuế thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý nhằm xâm hại đến các lợi ích phát sinh trong quan hệ về thuế và được luật hình sự bảo vệ. Về lý thuyết thì việc áp dụng chế tài hình sự đối với người vi phạm pháp luật thuế thực chất là giải quyết hai vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, xác định hành vi vi phạm pháp luật thuế có phải là tội phạm hay không?
Thứ hai, xác định những hình phạt nào sẽ áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội đó là cơ sở pháp lý được áp dụng là gì?
Như vậy thì về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính về thuế nếu có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất cao đến mức không thể chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét để xử lý bằng biện pháp hình sự nhằm trừng trị thỏa đáng đối với những người vi phạm và răn đe phòng ngừa các hành vi vi phạm mới. Trong thực tiễn pháp lý thì các hành vi vi phạm pháp luật về thuế bị coi là tội phạm thường xảy ra khá đa dạng và phức tạp cũng như dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì thế nếu như quá trình khai thế mà thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội phạm thì sẽ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự 2015 hiện hành.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.