Thuật ngữ biên bản ghi nhớ là một trong những thuật ngữ được sử dụng phổ biến hiện nay, biên bản ghi nhớ được biết đến là giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành hợp đồng chính thức. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì biên bản ghi nhớ có giá trị pháp lý hay không?
Mục lục bài viết
1. Biên bản ghi nhớ có giá trị pháp lý không?
Biên bản ghi nhớ (hay còn được viết tắt là MOU) là một thuật ngữ kinh tế xuất hiện vô cùng phổ biến trong đời sống xã hội, biên bản ghi nhớ ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bên về một vấn đề nhất định. Biên bản ghi nhớ trình bày các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, các bên cần phải tuân theo các nội dung đó. Trên thực tế, biên bản ghi nhớ được tạo ra không dựa trên bất kỳ một cơ sở tuyên bố pháp lý nào, tuy nhiên nó vẫn mang tính chất ràng buộc vì về bản chất thì đó là sự thỏa thuận của các bên, phù hợp với ý chí, phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Trong thực tiễn, khi ký kết biên bản ghi nhớ, người ta có thể xem nó là một hợp đồng thay thế để sử dụng trong trường hợp các bên có xảy ra tranh chấp và là văn bản giấy tờ, bằng chứng, chứng cứ giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Biên bản ghi nhớ là một hình thức văn bản thể hiện sự thỏa thuận của các bên. Để một biên bản ghi nhớ được mang tính chất toàn quốc thì cần phải có các nội dung cơ bản như sau:
– Biên bản ghi nhớ cần phải nêu rõ thông tin vào mục đích;
– Tóm tắt chi tiết các điều khoản trong thỏa thuận;
– Có đầy đủ chữ ký của các bên có liên quan;
– Có đầy đủ thông tin của các bên tham gia.
Các bên tham gia ký kết biên bản ghi nhớ cần phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về chủ thể, nội dung, hình thức Sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, các chủ thể ký kết biên bản ghi nhớ hoàn toàn có thể xem đây là một hợp đồng thay thế, hợp đồng mô phỏng trong trường hợp xảy ra kiện tụng, mâu thuẫn trong quá trình làm việc và hợp tác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Chủ thể tham gia giao kết giao dịch dân sự cần phải đáp ứng điều kiện về năng lực chủ thể, có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
– Hình thức của giao dịch dân sự cũng là một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp pháp luật có quy định.
Theo đó thì có thể nói, biên bản ghi nhớ là văn bản có giá trị pháp lý, biên bản ghi nhớ thể hiện ý chí của các bên tham gia giao dịch, có sự xác nhận của các bên, vì vậy có thể coi biên bản ghi nhớ là một giai đoạn tiền hợp đồng, được sử dụng làm chứng cứ khi xảy ra tranh chấp tại tòa án.
2. Một số lưu ý khi soạn thảo biên bản ghi nhớ:
Trong quá trình soạn thảo biên bản ghi nhớ cần phải lưu ý một số vấn đề nhất định về mặt nội dung và hình thức. Có thể nói, biên bản ghi nhớ có thể tự soạn thảo hoặc cũng có thể sử dụng các biên bản ghi nhớ theo mẫu, tuy nhiên cần phải đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật. Một biên bản ghi nhớ sẽ bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:
– Thông tin của các bên tham gia đàm phán, các bên cần phải điền đầy đủ và chính xác thông tin của các bên như họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, số điện thoại liên hệ;
– Nội dung vấn đề mà các bên tham gia muốn đàm phán, trong đó cần phải thể hiện rõ tư cách của các bên, lý do tham gia đàm phán, nội dung tham gia đàm phán, thời gian và địa điểm tham gia đàm phán, phương thức giải quyết tranh chấp;
– Biên bản ghi nhớ cần phải được trình bày rõ ràng và khoa học, ngắn gọn tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đầy đủ các nội dung quan trọng, không được dùng từ nhiều nghĩa trong quá trình lập biên bản ghi nhớ để tránh cách hiểu đa chiều và không trùng khớp;
– Các bên có thể ghi nhận thêm nhiều điều khoản khác nhau trong biên bản ghi nhớ những điều khoản về bảo mật, trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba, tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích của biên bản ghi nhớ, sao cho nội dung đó phù hợp với ý chí của các bên và không trái đạo đức xã hội, không trái quy định pháp luật.
3. Phân biệt giữa biên bản ghi nhớ và hợp đồng chính thức:
Biên bản ghi nhớ là một giai đoạn tiền hợp đồng, được giao kết trước khi các bên ký hợp đồng chính thức. Hợp đồng chính thức và biên bản ghi nhớ đôi khi bị nhầm lẫn với nhau trong quá trình sử dụng. Hợp đồng chính thức và biên bản ghi nhớ có nhiều điểm tương đồng và khác biệt, khiến cho nhiều người không phân biệt được rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình kinh doanh thì thương nhân bắt buộc phải phân biệt được rõ hai khái niệm này để đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình tham gia giao dịch. Cần phải phân biệt nội dung giữa hợp đồng chính thức và biên bản ghi nhớ như sau:
Tiêu chí | Biên bản ghi nhớ (MOU) | Hợp đồng chính thức |
Tính pháp lý | Biên bản ghi nhớ là sự thỏa thuận của các bên vì vậy có tính chất pháp lý, tuy nhiên tính chất pháp lý không cao bằng hợp đồng chính thức, biên bản ghi nhớ ghi nhận sự thỏa thuận của các bên, và làm văn bản xác nhận các bên đều đồng ý với cam kết và thỏa thuận đó. | Hợp đồng chính thức là văn bản có tính chất pháp lý rất cao, được quy định bởi pháp luật và được pháp luật tôn trọng bảo vệ, hợp đồng xác nhận sự thỏa thuận của các bên và được thi hành bởi pháp luật. Mọi điều khoản và quy định được đưa ra trong hợp đồng đều tuân thủ theo quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Hợp đồng cần phải thể hiện rõ quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia, vì vậy hợp đồng có tính chất pháp lý cao hơn so với biên bản ghi nhớ, trong trường hợp các bên đã ký hợp đồng thì cần phải tuân thủ theo nội dung thỏa thuận đó. |
Nội dung | Biên bản ghi nhớ có ít nội dung hơn, ít chi tiết hơn và ít phức tạp hơn hợp đồng, các bên tham gia có thể linh hoạt thay đổi các điều khoản trong biên bản ghi nhớ, biên bản ghi nhớ cung cấp khuôn khổ mà các bên cùng phải thực hiện, là cơ sở để ký kết hợp đồng chính thức. | Trong khi đó hợp đồng là sự thoả thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên, hợp đồng thể hiện chi tiết và đầy đủ mọi thông tin trong giao dịch dân sự. |
Trường hợp tranh chấp | Các bên có thể giải quyết với nhau, thỏa thuận với nhau để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất, các bên có thể linh hoạt thoải mái trong quá trình giải quyết tranh chấp. | Giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán, có thể tòa án hoặc trọng tài thương mại theo thủ tục tố tụng. |
Thời gian thành lập | Thời gian thành lập biên bản ghi nhớ là ngay sau khi kết thúc quá trình đàm phán của các bên. Vì vậy biên bản ghi nhớ sẽ được tạo ra trước hợp đồng. | Thời gian hình thành hợp đồng là tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng. Vì vậy hợp đồng được tạo ra sau biên bản ghi nhớ. |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự 2015.
THAM KHẢO THÊM: