Khi tham gia lao động tại doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy người bị tạm giam, tạm giữ có đóng bảo hiểm xã hội không?
Mục lục bài viết
1. Bị tạm giam, tạm giữ có đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ khoản 7 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý Sổ BHXH, Thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 948/QĐ-BHXH 2023 quy định người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc người lao động bị tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay là không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị sẽ được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải thực hiện đóng BHYT hằng tháng bằng với 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Sau thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu như được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì sẽ thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên số tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương đã được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng; còn trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động đó là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và cũng không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
Theo đó, người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay là không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị sẽ được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải thực hiện đóng BHYT hằng tháng với mức tham gia bảo hiểm y tế theo các quy định của pháp luật. Sau thời gian tạm giam, tạm giữ nếu như được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì sẽ thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN; còn trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì sẽ không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
Như vậy, qua các quy định trên, có thể khẳng định được rằng người lao động bị tạm giam, tạm giữ có được đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian tạm giam, tạm giữ hay không sẽ phụ thuộc vào việc người lao động bị tạm giam, tạm giữ đó có bị kết luận (của cơ quan chức năng có thẩm quyền) là vi phạm pháp luật hay không. Cụ thể:
– Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ: người lao động và đơn vị sẽ được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN
– Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền:
+ Trường hợp người lao động xác định bị oan, sai, không có vi phạm pháp luật: thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
+ Trường hợp người lao động có tội: không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và cũng không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
2. Trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ người lao động có được trả lương:
Căn cứ khoản 1 Điều 30
– Người lao động thực hiện tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
– Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
– Người lao động phải chấp hành quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
– Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật Lao động;
– Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
– Người lao động được ủy quyền để thực hiện các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
– Người lao động được ủy quyền để thực hiện các quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;
– Trường hợp khác do hai bên có thỏa thuận.
Theo đó, trường hợp người lao động bị tạm giam, tạm giữ là một trong những trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Mà khoản 2 của Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 cũng đã quy định trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì người lao động không được hưởng lương và các quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên đã có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, có thể khẳng định được rằng, nếu bên người lao động và người sử dụng lao động không có các thỏa thuận khác về việc trả lương trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động thì khi người lao động và người sử dụng lao động tạm hoãn hợp đồng lao động do người lao động bị tạm giam, tạm giữ, trong thời gian này người lao động sẽ không được hưởng lương như hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động (bao gồm cả các quyền, lợi ích khác).
3. Người lao động có được nhận lại làm việc sau thời gian bị tạm giam, tạm giữ:
Điều 34 Bộ luật Lao động quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, căn cứ vào Điều này thì các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm có các trường hợp sau:
– Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật Lao động.
– Đã hoàn thành công việc theo như hợp đồng lao động.
– Hai bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được Tòa án cho hưởng án treo hoặc không thuộc vào trường hợp được trả tự do theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc người đó bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án mà đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, đã mất tích hoặc đã chết.
– Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc tuyên đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân thực hiện việc chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người mà được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
– Người lao động đã bị xử lý kỷ luật sa thải.
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật Lao động.
– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Lao động.
– Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật Lao động.
– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật Lao động.
– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi ở trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Theo đó, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên không bao gồm có trường hợp người lao động bị tạm giam tạm giữ mà chỉ có trường hợp người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo. Thế nên, trong trường hợp người lao động bị tạm giam, tạm giữ thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc chấm dứt.
Thêm nữa, thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ là thời gian hai bên tạm hoãn hợp đồng lao động theo như đã nói ở mục trên, mà theo quy định pháp luật về lao động trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (do bị tạm giữ, tạm giam), người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động cũng phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo như hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn.
Như vậy, người lao động sẽ được nhận lại làm việc sau khi bị tạm giam, tạm giữ khi người lao động không bị kết án tù.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý Sổ BHXH, Thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 948/QĐ-BHXH 2023;
– Bộ luật Lao động 2019.