Khái niệm người khuyết tật? Dạng tật thế nào thì coi là người khuyết tật? Bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật?
An sinh xã hội là hoạt động không thể thiếu trong xã hội ngày nay, an sinh xã hội hướng tới các đối tượng yếu thế trong xã hội như người già, trẻ em mồ côi,… và người khuyết tật. Người khuyết tật là những cá nhân cần được sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo cho cuộc sống của họ. Vậy trường hợp nào thì được coi là người khuyết tật và được trợ giúp của xã hội, người bị tai biến có được hưởng chế độ của người khuyết tật không,… Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin để trả lời những câu hỏi trên.
1. Khái niệm người khuyết tật
Ở Việt Nam, người khuyết tật được Đảng, Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Tuy vậy thuật ngữ người khuyết tật mới được sử dụng gần đây với sự ra đời của Luật người khuyết tật 2010. Trước đây đối tượng bị khiếm khuyết một hay một số bộ phận cơ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh về người tàn tật 1998. Tại Điều 1 pháp lệnh người tàn tật ghi nhận “Người tàn tật theo quy định của pháp lệnh này không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn”.
Tại khoản 1 Điều 2, Luật Người khuyết tật 2010 chính thức sử dụng thuật ngữ người khuyết tật thay thế người tàn tật trước đây, theo đó người khuyết tật được hiểu là “Người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Việc thay đổi tên gọi từ người tàn tật sang người khuyết tật thế hiện sự thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối với những người không may mắn khi mang trên mình những dạng tật. Người khuyết tật chỉ rõ họ là những người tuy có dạng tật khó khăn trong lao động, sinh hoạt nhưng họ vẫn là người có ích, có thể làm việc, giáo dục, đào tạo, vẫn có thể đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Điều này thể hiện tính nhân văn, để cao tinh thần “tàn nhưng không phế” của những đối tượng này và đồng thời phù hợp với thuật ngữ được sử dụng trên thế giới (disability).
Như vậy, theo định nghĩa về người khuyết tật thì đối tượng xác định là người khuyết tật dựa vào việc bộ phận cơ thể bị suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng tật (khiếm thính, khiếm thị, tật nguyền…) và gây khó khăn cho việc lao động, học tập, sinh hoạt, bao gồm cả những người bị khuyết tật bẩm sinh, người bị khiếm khuyết do bệnh tật, tai nạn, thương binh, bệnh binh… Khi định nghĩa về người khuyết tật cũng phải phản ánh thực tế là người khuyết tật có thể gặp các rào cản do yếu tố xã hội, môi trường hoặc con người khi họ tham gia vào moi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Họ phải được đảm bảo rằng họ có quyền và trách nhiệm tham gia vào mọi hoạt động của đời sống như bất cứ công dân nào với tư cách là các quyền của con người. Như vậy, có thể hiểu người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng dẫn đến những hạn chế đáng kể về lâu dài trong việc tham gia của người khuyết tật vào hoạt động xã hội trên cơ sở bình đẳng với những chủ thể khác.
2. Dạng tật thế nào thì coi là người khuyết tật?
Mặt khác, theo quy định tại
“Điều 2. Dạng tật
1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này”.
Từ quy định trên, thì có thể chia dạng tật thành năm loại đó chính là khuyết tật vận động, khuyết tật tai nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và có thể có khuyết tật khác.
Theo đó, thì đối với trường hợp mắc tai biến, mà bị liệt bên trái, lúc nhớ, lúc quên thì để xác định là người khuyết tật, cần phải trải quy giám định sức khỏe để kết luận họ có là người khuyết tật hay không, thuộc dạng khuyết tật nào. Trong trường hợp đúng là khuyết tật thì tùy mức độ sẽ được mức trợ cấp khác nhau và do hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận.
Hiện nay, người khuyết tật được chia thành ba mức độ đó chính là người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật nhẹ. Hoạt động xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện Nếu người khuyết tật sau khi thực hiện hoạt động giám định mà Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì là người khuyết tật đặc biệt nặng, nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% thì cá nhân được giám định là người khuyết tật nặng và các trường hợp còn lại là người khuyết tật nhẹ, khi Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
3. Bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật
Đối với các cá nhân là người khuyết tật được nhận các ưu đãi dành cho người khuyết tật, như các chính sách về việc làm, học nghề, … và bảo trợ xã hội. Đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng ở với gia đình, hoặc có người chăm sóc, nuôi dưỡng thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Theo đó, thì người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được tính hệ số 2,0 khi tính trợ cấp hàng tháng; người khuyết tật đặc biệt nặng đồng thời là người cao tuổi, là trẻ em thì được áp dụng mức hệ số là 2,5; hệ số 1,5 được áp dụng đối với người khuyết tật nặng và người khuyết tật nặng đồng thời là người cao tuổi, là trẻ em thì được áp dụng mức hệ số là 2,0.
Bên cạnh cá nhân là người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng thì gia đình, cá nhân là người chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng. Theo đó, để được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng thì phải thuộc một trong các trường hợp đó là gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật; được nhận hỗ trợ kinh phí khi đó là người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; ngoài ra trường hợp là người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng mà đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Hệ số tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng tuân theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 128/2012/NĐ- CP, cụ thể hệ số một phẩy năm (1,5) được áp dụng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được áp dụng hệ số hai (2,0); bên cạnh đó hệ số hai (2,0) cũng được áp dụng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới 36 tháng tuổi.
Trong trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng đang sống cùng hộ gia đình thì hộ gia đình đó được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0).
Trong trường hợp người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số như sau: Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một người khuyết tật đặc biệt nặng; hệ số này được gấp đôi tức là hệ số ba (3,0) khi nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật đặc biệt nặng trở lên.
Bên cạnh các trợ cấp, hỗ trợ kinh phí hàng tháng thì khi người khuyết tật mất cũng được hưởng chế độ mai táng phí, cụ thể là khi người khuyết tật đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì sẽ được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Nghị định 28/2012/NĐ-CP và pháp luật về bảo hiểm xã hội.